Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang đàm phán với Chính phủ Italy về việc mua lại các khoản nợ xấu của "đất nước hình chiếc ủng," như một phần trong chương trình mua trái phiếu "khổng lồ" trị giá 1.500 tỷ euro (1.691 tỷ USD), để sử dụng như tài sản thế chấp từ các ngân hàng nhằm đổi lấy tiền mặt.
Theo Bộ Tài chính Italy, động thái trên của ECB có thể giúp hệ thống ngân hàng của Italy giảm bớt phần nào khoản nợ xấu lên đến 200 tỷ euro (225 tỷ USD) và cho phép tạo ra những khoản vay mới. Tuy nhiên, điều này cũng có thể sẽ gây tranh cãi về việc liệu ECB có đang "ôm" quá nhiều rủi ro với chương trình mua lại chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (ABS) của mình.
Bên cạnh đó, kế hoạch trên của ECB cũng "vướng" thêm khó khăn là các quy định hiện hành chỉ cho phép ECB mua chứng khoán bảo đảm bằng tài sản nếu xếp hạng tín dụng của các ABS ở trên một ngưỡng nhất định. ECB vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Nợ xấu đang được coi là một trong những nguyên nhân cản trở tăng trưởng kinh tế của Italy và gây tâm lý hoang mang trong giới đầu tư. Kể từ đầu năm 2016 đến nay, nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này đã phải đối mặt với tình trạng cổ phiếu của các ngân hàng nội địa bị bán ra ồ ạt.
Cuối năm 2015, một nguồn tin từ ECB tiết lộ rằng việc mua vào hàng loạt các khoản nợ xấu sẽ là một lựa chọn "khắc nghiệt" nếu tình hình kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trở nên "thực sự tồi tệ."
ECB vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong kế hoạch đẩy lạm phát lên mức mục tiêu 2% và nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh hạ lãi suất tiền gửi vào tháng tới./.