Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,6% năm 2023

Các chuyên gia của OUB cho rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 cho thấy sự bền bỉ cùng với khả năng phục hồi của Việt Nam sau những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,6% năm 2023 ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Bộ phận Global Economics & Markets Research của Ngân hàng UOB vừa phát hành báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 4/2022 và triển vọng 2023, trong đó giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,6%.

Để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong năm 2023

Các chuyên gia của UOB cho rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 cho thấy sự bền bỉ cùng với khả năng phục hồi của Việt Nam sau những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, đặc biệt là vào cuối năm 2021, phần lớn nhờ vào các lĩnh vực kinh tế đa dạng trong ngành sản xuất và dịch vụ.

Tuy nhiên, theo UOB, sự phục hồi mạnh mẽ khó có thể bền vững và động lực tăng trưởng về tổng thể có thể sẽ suy giảm hơn nữa vào năm 2023, do việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ và châu Âu, chiếm 41% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.

[Phục hồi, phát triển kinh tế thành công nhờ sự chủ động, quyết liệt]

“Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã thắt chặt chính sách trước áp lực lạm phát và đồng VND suy yếu, mặc dù nhu cầu trong nước có thể sẽ dẫn dắt tăng trưởng vào năm 2023 với thu nhập gia tăng và triển vọng kinh doanh được cải thiện. Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,6%, phù hợp với dự báo chính thức là 6,5%,” chuyên gia OUB nhấn mạnh.

Cũng theo báo cáo của UOB, với tỷ lệ lạm phát có khả năng duy trì ổn định, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ cân bằng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng đồng thời duy trì sự ổn định giá cả và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Cuối tháng 12, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ “một cách linh hoạt” để giữ lạm phát ở mức 4,5% vào năm 2023, nhằm “ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.”

Chuyên gia UOB phân tích, trong khoảng thời gian từ tháng Chín đến tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã bắt tay vào thực hiện một loạt các chính sách điều hành trước sự quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), sức mạnh của đồng USD và áp lực lạm phát. Ngân hàng Trung ương bất ngờ tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm cơ bản vào ngày 22/9, sau đó là một đợt tăng 100 điểm cơ bản khác một tháng sau đó, 24/10.

Cũng thời điểm đó, vào ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước đã công bố mở rộng biên độ giao dịch USD/VND từ +/-3% lên +/-5%, để cho phép VND linh hoạt hơn trong bối cảnh đồng USD mạnh lên. Với việc tăng lãi suất liên tiếp một cách nhanh chóng, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không có các quyết định mới trong thời gian còn lại của năm 2022 để đánh giá tác động của những quyết sách đã thực hiện trước đó.

“Do đó, chúng tôi đang dự báo khả năng Ngân hàng Nhà nước thực hiện một đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản khác vào đầu năm 2023 và có thể tạm ngừng từ đó, phù hợp với quan điểm của chúng tôi về quỹ đạo chính sách của Fed,” báo cáo cho biết.

Về tỷ giá, UOB cũng dự báo đồng Việt Nam có thể đạt mức 25.200 đồng/USD trong quý 1/2023; 25.400 đồng/USD trong quý 2/2023; 25.600 đồng/USD trong quý 3/2023 và 25.800 đồng/USD trong quý 4/2023.

Tăng trưởng kinh tế bình thường trở lại

Nhìn lại kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2022, chuyên gia của UOB đánh giá, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam trong quý 4/2022 đạt 5,92% so với cùng kỳ do nhu cầu bên ngoài có dấu hiệu sụt giảm, sau khi tăng mạnh 13,67% trong quý 3 trước đó.

Theo đó, GDP cả năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02%, từ mức 2,58% ở năm 2021, đây là kết quả tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 1997.

Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,6% năm 2023 ảnh 2Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ năm 2013-2023. Đơn vị: %

Tất cả các lĩnh vực sản xuất chính đều tăng trưởng tốt trong năm, cụ thể: Nông nghiệp tăng trưởng 3,36% so với cùng kỳ, trong khi công nghiệp và xây dựng tăng 7,78% và lĩnh vực dịch vụ tăng 9,99%. Theo Tổng cục Thống kê, các ngành này lần lượt đóng góp 5,11%, 38,24% và 56,65% vào mức tăng trưởng chung.

Sau khi phục hồi từ mức thấp nhất trong quý 3/2021, sản lượng sản xuất trong cả năm 2022 đã tăng 8,10% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi nhu cầu bên ngoài gia tăng mạnh mẽ, kéo dài mức tăng 6,37% đạt được vào năm 2021.

Sản lượng của ngành dịch vụ tiếp tục giữ nguyên nhịp độ tăng trưởng trong năm 2022, do việc mở cửa trở lại nền kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng trong các tiểu ngành khác nhau, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch như lưu trú và ăn uống, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ.

Cũng theo chuyên gia của UOB, mặc dù dữ liệu cả năm cho thấy kết quả tăng trưởng mạnh trên bình diện chung, nhưng khi phân tích chi tiết dữ liệu, báo cáo cũng chỉ ra các dấu hiệu của sự suy giảm khá rõ ràng và đáng quan ngại.

Đặc biệt là lĩnh vực sản xuất hầu như không mở rộng trong khi xuất khẩu ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp vào tháng 12. Tuy nhiên, điều này đã được bù đắp bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của các lĩnh vực kinh tế trong nước, bao gồm bán lẻ và dòng vốn đầu tư.

Tổng thể ngành thương mại bán lẻ tăng 17,1% so với cùng kỳ trong tháng 12, kéo dài mức tăng 17,5% trong tháng 11 nhờ doanh số bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch tiếp tục tăng mạnh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục 22,4 tỷ USD trong năm 2022, từ mức 19,7 tỷ USD năm 2021 và cao hơn gần 10% so với kỷ lục trước đó là 20,4 tỷ USD vào năm 2019.

Tuy nhiên, UOB cũng dự báo dòng vốn FDI nhiều khả năng sẽ suy giảm lại trong thời gian tới, dựa trên nguồn vốn FDI đã đăng ký, vốn chỉ đạt 27,7 tỷ USD vào năm 2022 so với mức 31,2 tỷ USD vào năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Giá tiêu dùng tại Việt Nam cũng đang có dấu hiệu chịu áp lực gia tăng khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng trong 3 tháng liên tiếp kể từ tháng Chín năm 2022 và vượt mục tiêu 4% trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 12 năm 2022. CPI tổng thể năm 2022 tăng 4,55% so với cùng kỳ, trong khi CPI cơ bản tăng 4,99% so với cùng kỳ, đây là tháng thứ ba có chỉ số trên 4%./.

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.