Càphê hiện là ngành hàng nông sản đóng góp 2% GDP nền kinh tế. Hiệp hội càphê-ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo sản lượng càphê cả nước niên vụ 2013-2014 tiếp tục giảm và sẽ giảm khoảng 15% so với vụ trước.
Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, chính sách hỗ trợ chưa kịp thời và chưa đúng với nhu cầu của doanh nghiệp đã khiến ngành càphê đối mặt với hàng loạt khó khăn trong niên vụ mới.
Giá bán có thể thấp hơn giá thành
Tại Hội nghị tổng kết niên vụ càphê 2012/2013 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/11, Hiệp hội càphê-ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết niên vụ càphê 2012/2013 (từ tháng 10/2012 đến tháng 9/2013), Việt Nam xuất khẩu 1,4 triệu tấn càphê nhân, kim ngạch đạt 3,03 tỳ USD, so với niên vụ trước giảm cả về lượng (11,2%) và giá trị (10,3%), trong đó Đức trở thành thị trường tiêu thụ càphê hạt lớn nhất với 10% thị phần, kế đến là Mỹ (8%).
Tuy nhiên, điều băn khoăn hiện nay của ngành là giá càphê nội địa đã giảm sâu, thấp nhất trong 3 năm qua, chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg, giá xuất khẩu (FOB) tại cảng Sài Gòn chỉ còn 1.520 USD/tấn. Nếu không có biện pháp tháo gỡ thì 2 tháng cuối năm sản lượng xuất khẩu sẽ giảm thấp.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Vicofa dự báo niên vụ 2013-2014, giá càphê có thể xuống sát hoặc thấp hơn giá thành, vì vậy cần tạm trữ càphê và cân đối lượng xuất khẩu từng tháng, hạn chế bán ồ ạt gây bất ổn thị trường.
Về nguồn cung, Vicofa cho biết do hạn hán kéo dài hồi đầu năm đã khiến khoảng 5.000ha càphê bị mất trắng và khoảng 40.000ha càphê bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thêm vào đó; bệnh gỉ sắt phát triển gây ảnh hưởng tại một số huyện của tỉnh Lâm Đồng. Mưa đá xảy ra trong tháng Sáu nhiều khiến cho quả càphê đang còn non bị rụng, đồng thời càphê bị gãy cành, dập lá khiến cây bị yếu đi.
Trong khi đó, số lượng vườn càphê già cỗi liên tục tăng và đã lên tới 30% diện tích, hạt nhỏ nhiều nên dự kiến sản lượng càphê của Việt Nam sẽ bị giảm 15%. Đây là thách thức lớn đối với ngành càphê của Việt Nam trước nhu cầu tái canh vườn càphê không hiệu quả.
Bên cạnh những khó khăn từ việc hoàn thuế VAT đã được các doanh nghiệp, báo chí đề cập gần đây khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính lao đao, người trồng càphê hiện đang đối mặt với tình trạng giống không đủ chất lượng, phân giả, thuốc giả.
Hơn nữa, 3 năm qua, ngành càphê Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì sản xuất thiếu tập trung, 90% các vườn càphê là hộ cá thể, diện tích từ 2ha trở xuống nên việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư chế biến nâng cao chất lượng từ thu hoạch đến chế biến chưa làm được... Vì vậy, Vicofa cho rằng cần có những giải pháp căn cơ, để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa hộ trợ người nông dân trong niên vụ tới.
Kiến nghị hàng loạt giải pháp
Đánh giá của các doanh nghiệp cho thấy, càphê Việt Nam hiện đứng đầu châu Á, thứ 2 thế giới sau Brazil về sản lượng và xuất khẩu, chiếm 14% sản lượng và 16% thị phần xuất khẩu nhưng ngành càphê Việt Nam chưa đóng vai trò chi phối thị trường thế giới.
Với những khó khăn đặt ra trước mắt, để ngăn đà giảm giá càphê trong nước, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, những ngày gần đây Vicofa đã liên tục có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế Quốc hội để đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính xử lý nghiêm các doanh nghiệp trốn thuế gây rối thị trường. Cách làm vừa qua đã đánh chưa trúng (kiểm tra trước, hoàn thuế VAT sau), các doanh nghiệp trốn thuế chưa bị xử lý mà lại tập trung vào các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thực, mua hàng của doanh nghiệp cung cấp có hóa đơn tài chính nhưng không được hoàn thuế. Vì vậy, Hiệp hội bỏ quy định về mới kiểm soát hoàn thuế VAT này mà tập trung xử lý các doanh nghiệp trốn thuế, tránh gây ách tắc thị trường. Đặc biệt, nếu cần có thể tạm dừng toàn bộ thuế VAT đối với ngành hàng càphê từ 1/11/2013 để chấn chỉnh và lập lại trật tự.
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Quỹ phát triển ngành hàng càphê Việt Nam để giúp ngành hàng càphê có nguồn vốn phục vụ việc tạm trữ (niên vụ 2013/2014 dự kiến 200.000 tấn) nhằm giữ giá trong nước cũng như giá xuất khẩu ổn định, đảm bảo lợi ích của người trồng càphê.
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp cho rằng với mức hỗ trợ cho vay tái canh 10,5%/năm được đưa ra là quá cao mà chỉ khoảng 6%/năm mới phù hợp. Ngoài ra, đại diện một doanh nghiệp thuộc Tổng công ty càphê Việt Nam cho rằng trong tình hình hết sức khó khăn như hiện nay, giá càphê xuống thấp thì việc mua tạm trữ 200.000 tấn sẽ không đủ để giữ ổn định giá.
Doanh nghiệp này đề nghị nên mua tạm trữ 300.000 đến 500.000 tấn càphê với thời hạn dài hơn, không gây sức ép cho doanh nghiệp khi vừa mua vào đã phải bán ra, tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài ép giá các doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Phát cho rằng việc ngân hàng cho vay ấn định và công bố 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm nên nước ngoài rất dễ nắm bắt thông tin để chèn giá, làm khó cho doanh nghiệp càphê Việt Nam.
Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn càphê Thắng Lợi (Đắk Lắk) cho biết với giá bán hiện nay 30.000 đồng/kg, người trồng càphê chắc chắn lỗ, nếu không có giải pháp giá sẽ tiếp tục giảm thêm. Riêng với tái canh cây càphê, từ kinh nghiệm của mình, doanh nghiệp này chia s trong 3 năm tái canh cải tạo đất, nông dân có thể luân canh trồng cây ngắn ngày khác sẽ có hiệu quả.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa nêu thực trạng là hiện nhiều nông dân và doanh nghiệp đang chán nản và bỏ càphê. Các đơn vị xuất khẩu càphê đều phải mua nguyên liệu nhiều, vì vậy cần hỗ trợ, đầu tư cho nông dân. Nếu nông dân không làm thì doanh nghiệp cũng sẽ vô cùng khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào.
Hiện nay, càphê là ngành hàng nông sản đóng góp 2% GDP cho kinh tế đất nước, tạo việc làm cho hàng triệu người, ổn định kinh tế xã hội Tây Nguyên.
Với diện tích trên 530.000 ha khai thác, sản lượng 1,2-1,5 triệu tấn trồng tập trung ở khu vực Tây Nguyên, hàng năm càphê mang lại kim ngạch từ 2-2,7 tỷ USD. Năm 2012-2013 dự kiến Việt Nam xuất khẩu trên 1,3 triệu tấn càphê, kim ngạch đạt 3 tỷ USD, giảm 11% về khối lượng và 10% về giá trị. Vì vậy, Vicofa cho rằng việc hỗ trợ để ngành hàng này phát triển bền vững đang là vấn đề cấp thiết./.