Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Tiếp tục điệp khúc yếu và thiếu

Ngoài công nghiệp xe máy và một số sản phẩm điện tử gia dụng có tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước cao, đa phần ở các lĩnh vực khác, tỷ lệ nội địa hóa vẫn thấp, phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài.
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Tiếp tục điệp khúc yếu và thiếu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Đây là lĩnh vực Việt Nam còn thiếu và yếu. Do đó, việc nâng cao nội lực cho doanh nghiệp để phát triển lĩnh vực này là vấn đề sống còn nhằm thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu

Dù ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã bước đầu hình thành nhưng vẫn còn khá hạn chế. Ngoài công nghiệp xe máy và một số sản phẩm điện tử gia dụng có tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước cao, đa phần ở các lĩnh vực khác, tỷ lệ nội địa hóa vẫn thấp, phụ thuộc vào nhập khẩu thiết bị nước ngoài.

Đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ công nghệ chưa cao, nguyên vật liệu phụ thuộc vào nhập khẩu khiến giá thành khá cao, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.

Ông Bùi Thành Nam, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Hà Nội cho biết nguyên liệu sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 20-25% nhu cầu sản xuất đối với các sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Số còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, giá thành sản xuất luôn bị biến động theo giá hàng hóa nguyên liệu đầu vào từ thế giới và biến động của tỷ giá ngoại tệ.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam chia sẻ ngành sản xuất da giày Việt Nam chủ yếu là gia công xuất khẩu, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu do khách hàng nước ngoài chỉ định, nên các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước để thay thế.

Những khó khăn khiến tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam thấp, chủ yếu là gia công nên giá trị gia tăng không cao.

Đơn cử, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Thống Nhất chiếm thị phần rất lớn về xuất khẩu sản phẩm công nghiệp phụ trợ trong ngành nhựa-cao su của Thành phố Hồ Chí Minh và là đối tác gia công sản xuất sản phẩm cho các khách hàng tại châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Dù đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại nhưng công ty khá bị động về nguồn nguyên liệu đầu vào khi hơn 90% phải nhập khẩu. Vì vậy, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ vẫn chưa cao và chỉ dừng lại ở mức độ gia công.

Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Thống Nhất cho biết Việt Nam hiện thiếu những ngành công nghiệp cơ bản như cơ khí chính xác, nguyên vật liệu cơ bản như hóa chất nên tính cạnh tranh trong sản phẩm kém đi do phải nhập những nguyên vật liệu đó. Nếu muốn tham gia chuỗi cung ứng, phải cạnh tranh về chất lượng và giá, nhưng đầu vào (nguyên liệu) bấp bênh sẽ khó.

Nâng cao năng lực nội tại cho doanh nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sebastian Eckardt, Việt Nam tiếp tục có tiềm năng đặc biệt trong việc sử dụng FDI và môi trường thương mại mới để đưa khu vực sản xuất thành động lực cho tăng trưởng. Tuy nhiên, năng lực kém của các ngành công nghiệp hỗ trợ là một rào cản đáng kể.

Do đó, cần tập trung hỗ trợ những công ty trong nước đã sẵn có năng lực cạnh tranh ở những lĩnh vực cụ thể liên quan đến nhu cầu tìm nguồn cung ứng của nhà đầu tư nước ngoài.

Việc biến những thế mạnh nội tại thành sức cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ không đơn giản. Dự báo tới năm 2025, Việt Nam có thể đạt sản lượng giày dép trên 2 tỷ đôi, gấp hai lần sản lượng năm 2015, với kim ngạch xuất khẩu đạt 28-30 tỷ USD.

Tuy vậy, trong lĩnh vực da giày, hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài tới gần 60% nhu cầu; trong đó lớn nhất là da thuộc (năm 2015 đạt 1,24 tỷ USD). Các doanh nghiệp cũng phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các nguyên phụ liệu khác và thiết bị, phụ tùng thay thế phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Thuấn cho rằng nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất sẽ tăng gấp đôi hiện nay, nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu, ngành da giày sẽ đứng trước nguy cơ phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu ngoại nhập. Trước mắt, ngành tập trung nguồn lực xây dựng ngay một khu công nghiệp thuộc da tập trung, cụ thể tại một tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy thuộc da quy mô lớn.

Để tham gia chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn cũng như đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước nói chung, cần phải “tạo đà” để các doanh nghiệp trong nước phát huy thế mạnh nội tại, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Phan Xuân Huy, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ G7 cho rằng hiện tại, ngành công nghiệp phụ trợ còn rất nhiều điều cần phải làm. Mục tiêu là gia tăng nội tại của mình để làm sao cạnh tranh được với đối thủ, đặc biệt là những mặt hàng từ nước ngoài nhập vào, giúp cho những doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là về ngành công nghiệp hỗ trợ, điện tử, công nghệ cao của mình có thể đứng vững được.

Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016-2025; trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp.

Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa.

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Tiếp tục điệp khúc yếu và thiếu ảnh 2Sản xuất giày xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Để thực hiện mục tiêu trên, dự thảo Chương trình hướng tới kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Dự kiến, chương trình hỗ trợ 450 trên tổng số 1.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình, 130 doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.

Để nâng cao năng lực nội tại cho doanh nghiệp, ông Bùi Thành Nam đề xuất giải pháp cần tăng cường hoạt động của các viện nghiên cứu chuyên ngành để làm cầu nối và gắn kết với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thiết kế, triển khai sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Cùng với đó, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư và các yếu tố đầu vào khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà trong nước chưa sản xuất được, để doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên sân nhà trước thách thức của quá trình hội nhập cũng như vươn ra thị trường thế giới.

Cùng với những hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, ông Nguyễn Đức Thuấn cho rằng trong một lĩnh vực cụ thể như da giày, cần có giải pháp thu hút đầu tư FDI của các tập đoàn đa quốc gia vào sản xuất da giày xuất khẩu và kết nối các doanh nghiệp trong nước làm vệ tinh để tham gia vào chuỗi cung ứng da thuộc thành phẩm và nguyên liệu cho doanh nghiệp FDI./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.