Ngành công nghiệp khai khoáng: Thất thoát lớn, nguy cơ tham nhũng cao

Với nhiều đặc thù phức tạp, khai thác khoáng sản được coi là một trong những ngành công nghiệp có nguy cơ tham nhũng và thất thu ngân sách nhà nước lớn nhất.
Ngành công nghiệp khai khoáng: Thất thoát lớn, nguy cơ tham nhũng cao ảnh 1Khai thác khoáng sản được coi là một trong những ngành công nghiệp thất thu ngân sách lớn nhất. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hàng năm, ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam đóng góp khoảng 25% tổng ngân sách nhà nước. Tuy vậy, những năm qua vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như lãng phí tài nguyên, hiệu quả đóng góp kinh tế thấp cũng như gây nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và xã hội.

Với nhiều đặc thù phức tạp, khai thác khoáng sản còn được coi là một trong những ngành công nghiệp có nguy cơ tham nhũng và thất thu ngân sách lớn nhất, đặc biệt khi những nguồn thu quan trọng như thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu hay phí bảo vệ môi trường được thu dựa trên tính tự giác (số liệu khai báo) của doanh nghiệp.

Nhiều hệ lụy tiêu cực

Tại buổi Tọa đàm chính sách “Thực thi sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) để nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ khai thác khoáng sản” do Liên minh Khoáng sản phối hợp Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức ngày 30/5, ông Lê Đắc Lâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phàn nàn việc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn đã “bỏ túi” nguồn thu lớn. Thế nhưng tính tự giác về đóng thuế, phí và cải tạo môi trường vẫn còn trì trệ và kém hiệu quả.

Theo ông Lâm, tỉnh Bình Thuận là địa phương “giàu có” về titan và cát đen. Nguồn tài nguyên quý này được kỳ vọng sẽ mang lại kinh tế lớn cho địa phương, song đến nay hiêu quả mang lại vẫn thấp do doanh nghiệp tự kê khai sản lượng để khai báo, đóng các khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.

“Thực tế trên đã dẫn đến chuyện doanh nghiệp khai không đúng sản lượng thực để ‘ăn bớt’ tài nguyên, gây thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, sau khi hoàn tất việc khai thác, nhiều doanh nghiệp cũng không thực hiện đúng trách nhiệm cải tạo môi trường, gây ảnh hưởng nguồn nước, đất đai. Điều này đã khiến người dân rất bức xúc,” ông Lâm phân trần.

Trong khi đó, bà Trần Thanh Thủy, điều phối viên Liên minh Khoáng sản cho biết, việc thu ngân sách của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Theo cam kết trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng như trong nhiều Hiệp định thương mại tự do khác, Việt Nam sẽ phải dỡ bỏ hầu hết các loại thuế nhập khẩu hàng hóa. Trong khi đó, nguồn thu hải quan chiếm tới gần 20% ngân sách nhà nước.

“Để bù đắp ngân sách nhà nước, Việt Nam sẽ phải tăng nhiều loại thuế và phí trong nước. Tuy nhiên, giải pháp này thường để lại nhiều hệ lụy tiêu cực như ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư do các nghĩa vụ tài chính nặng nề khi đầu tư ở nước ta và qua đó ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Việc tăng nhiều loại thuế, phí này cũng có thể dẫn đến xu hướng giảm đầu tư, gia tăng số lượng doanh nghiệp phá sản cũng như tỷ lệ thất nghiệp cao,” bà Thủy quan ngại.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), mặc dù những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng tăng trưởng nhanh, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên những đóng góp dường như vẫn chưa tương xứng với mức độ khai thác, chi phí đầu tư và tổn thất gây ra đối với môi trường, xã hội.

Không chỉ vậy, “việc quản lý khai thác khoáng sản cũng đang thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan tài chính, đất đai, môi trường, khoáng sản. Việc cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản còn thiếu hướng dẫn kỹ thuật cụ thể và thiếu sự can thiệp,” ông Tuấn lưu lý.

Từ thực tế nêu trên, ông Tuấn cho rằng nếu Việt Nam không xây dựng “hàng rào hành chính” vững chắc, có thể sẽ bỏ lọt việc doanh nghiệp “đi đêm” với cơ quan quản lý để gian lận các khoản thuế, phí so với thực tế khai thác. Điều này sẽ gây thất thoát ngân sách và tạo cơ hội cho tham nhũng cao.

Ngành công nghiệp khai khoáng: Thất thoát lớn, nguy cơ tham nhũng cao ảnh 2Doanh nghiệp tự kê khai sản lượng khai thác để thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, phí. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Việt Nam cần sớm tham gia sáng kiến minh bạch khoáng sản

Nhìn nhận từ góc độ cơ quan quản lý, tiến sỹ Lại Hồng Thanh, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc (Tổng cục Địa chất khoáng sản) thừa nhận, thời gian qua cơ chế kiểm soát nguồn thu khoáng sản của Việt Nam làm chưa tốt. Việc để doanh nghiệp “tự kê khai sản lượng” để đóng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường vẫn chưa “tạo được sự tin tưởng.”

Theo ông Thanh, việc doanh nghiệp tự kê khai nộp thuế là phù hợp với nền quản lý tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, điều này có thể dễ dẫn tới việc gian lận nguồn thu, thậm chí sau một thời gian khai thác doanh nghiệp tư nhân “tuyên bố” phá sản hoặc lặng lẽ bỏ đi để chây ỳ nghĩa vụ nộp thuế, phí.

Để có những giải pháp bền vững hơn, ông Thanh kiến nghị, Việt Nam cần hạn chế thất thu và nâng cao hiệu quả thu ngân sách, đặc biệt đối với  lĩnh vực có đóng góp ngân sách lớn như khoáng sản và dầu khí. Đối với Việt Nam, việc tham gia EITI còn giúp đảm bảo chất lượng thông tin tốt hơn, toàn diện hơn về ngành công nghiêp chiến lược này.

Với vai trò là tổ chức nghiên cứu chính sách, bà Trần Thanh Thủy cũng nhận định, việc tham gia EITI sẽ giúp tăng nguồn thu cho Chính phủ, bởi gần đây có những dấu hiệu cho thấy tại một số địa phương khoáng sản bị xuất lậu, chưa kể có dấu hiệu báo cáo thấp đi một khối lượng sản lượng khoáng sản đáng kể.

Từ kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, “việc tham gia EITI sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong khai thác khoáng sản, qua đó tạo môi trường đầu tư cạnh tranh hơn đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực từ khai thác tài nguyên khoáng sản,” bà Thủy chia sẻ.

Ngoài ra, bà Thủy cũng khẳng định, thông qua việc cung cấp thông tin chất lượng tốt hơn, EITI sẽ tạo ra một hình thức tham gia cùng quản lý của cải tài nguyên, thiên nhiên cho nhân dân, làm giảm thiểu các rủi ro căng thẳng giữa các hoạt động khai thác của doanh nghiệp và cộng đồng cư dân địa phương.

“Với những lợi ích nêu trên, Bộ Công Thương cần xây dựng và công bố lộ trình tham gia EITI. Cùng với đó, Việt Nam cũng cần sớm công bố ý định tham gia EITI, đặc biệt trong bối cảnh đang đàm phán TPP và cộng đồng kinh tế Asean sẽ thành lập vào cuối năm 2015,” bà Thủy khuyến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.