Ngành dầu mỏ Syria mất hàng chục tỷ USD vì chiến tranh

Những thiệt hại trực tiếp đối với khu vực dầu mỏ và tài nguyên khoáng sản của Syria đã lên tới 3 tỷ USD trong khi thiệt hại gián tiếp vào khoảng 19 tỷ USD.
Ngành dầu mỏ Syria mất hàng chục tỷ USD vì chiến tranh ảnh 1Khai thác dầu mỏ. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ nước này Suleiman al-Abbas ngày 28/4 cho biết kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu tại đây hơn ba năm trước, những thiệt hại trực tiếp đối với khu vực dầu mỏ và tài nguyên khoáng sản, vốn là xương sống của nền kinh tế nước này, đã lên tới 502 tỷ bảng Syria (3 tỷ USD).

Thiệt hại trên bao gồm lượng khí đốt và dầu mỏ bị đánh cắp và sử dụng lãng phí, cũng như những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, các phương tiện, đường ống và thiết bị. Trong khi đó, những thiệt hại gián tiếp được ông al-Abbas ước tính vào khoảng 19 tỷ USD.

Chính phủ Syria đã tăng 20% giá khí đốt trong nước như một biện pháp khắc khổ nhằm cắt giảm chi phí trợ cấp tốn kém. Khu vực dầu mỏ là xương sống của kinh tế Syria, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Tuy nhiên, kể từ khi xung đột nổ ra vào đầu năm 2011, sản lượng dầu mỏ đã giảm bởi các khu vực khai thác chính đều nằm ở những nơi quân chống đối kiểm soát và được các nhóm này sử dụng sai mục đích. Năm ngoái, Syria thậm chí đã phải nhập khẩu số dầu mỏ trị giá 1,7 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Vấn đề đặc biệt trở nên tồi tệ hơn khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt lên khu vực dầu mỏ của nước này, gồm lệnh cấm đặt mua hoặc vận chuyển dầu từ Syria, cấm các công ty thỏa thuận hoặc đầu tư với nước này, rút các chuyên gia và nhân viên làm việc tại đây, ngưng hỗ trợ tài chính, và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các công ty dầu mỏ của Syria.

Cách đây vài tháng, Syria đã nói rằng các biện pháp trừng phạt không công bằng trên đã khiến nước này thiệt hại hàng tỷ bảng. Tuy nhiên, theo các báo cáo không chính thức, thiệt hại thực sự của khu vực dầu mỏ Syria đã vượt qua 1.000 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.