Ngành hàng không ngày càng lún sâu vào khủng hoảng do COVID-19

IATA đưa ra ước tính doanh thu của ngành hàng không có thể thiệt hại tới 113 tỷ USD dựa trên kịch bản tồi tệ nhất, đó là chưa tính các hạn chế đi lại mà chính phủ nhiều nước đã áp đặt vài ngày qua.
Máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc gia Ronald Reagan Washington ở Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 10/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc gia Ronald Reagan Washington ở Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 10/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tình trạng hỗn loạn của ngành hàng không toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi ngày 19/3, hãng hàng không Qantas Airways của Australia đề nghị phần lớn nhân viên nghỉ phép, trong khi Chính phủ Ấn Độ đã chuẩn bị một gói cứu trợ lên tới 1,6 tỷ USD để hỗ trợ các hãng hàng không bị tổn thương bởi dịch COVID-19.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) của Liên hợp quốc kêu gọi chính phủ các nước đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hóa không bị gián đoạn để duy trì việc cung ứng các loại thuốc và thiết bị y tế quan trọng như máy thở, mặt nạ và các trang thiết bị vệ sinh y tế khác nhằm giảm sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Trước đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng đã hối thúc chính phủ các nước triển khai các biện pháp đặc biệt để cứu ngành hàng không đang chịu tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19.

IATA đã đưa ra ước tính doanh thu của ngành hàng không có thể thiệt hại tới 113 tỷ USD dựa trên kịch bản tồi tệ nhất, đó là chưa tính các hạn chế đi lại mà chính phủ nhiều nước đã áp đặt trong vài ngày qua.

Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac đã đề xuất ba giải pháp tài chính đối với chính phủ các nước, gồm hỗ trợ tài chính trực tiếp, cho vay hay bảo đảm các khoản vay và giảm thuế để giúp các hãng hàng không vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Ông nhấn mạnh việc ưu tiên vận tải hàng không, theo đó hỗ trợ tài chính cho các hãng hàng không vượt qua thời kỳ đen tối này, sẽ giúp thế giới phục hồi.

Nhu cầu hàng không của các hành khách đã sụt giảm với tốc độ chưa từng thấy khi virus SARS-Cov-2 gây dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới, khiến hãng hàng không Delta Air Lines (Mỹ) tạm cho dừng hoạt động 600 máy bay, cắt giảm tới 50% chi tiêu và giảm hơn 70% số chuyến bay cho đến khi nhu cầu hàng không phục hồi.

Giá cổ phiếu của các hãng hàng không Mỹ đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch ngày 18/3, sau khi Washington công bố gói cứu trợ trị giá 50 tỷ USD thông qua các khoản cho vay dành cho ngành hàng không nước này nhằm chống chọi với các tác động kinh tế do dịch COVID-19 đang ngày càng lan rộng, thay vì trợ cấp như ngành này kêu gọi.

[Ngành hàng không: Mối đe dọa từ COVID-19 lớn hơn cuộc tấn công 11/9]

Đề xuất cho vay của chính quyền Tổng thống Trump đi kèm với yêu cầu các hãng hàng không duy trì một số dịch vụ nhất định và hạn chế tăng mức bồi thường cho các nhân sự quản lý đến khi các khoản vay được hoàn trả.

American Airlines Group Inc đã bác bỏ những lời chỉ trích rằng họ đã cho trả cho các cổ đông quá nhiều cổ tức và chọn thời điểm mua lại cổ phiếu thích hợp hơn, dẫn tới việc hãng còn lại quá ít tiền mặt để xử lý cuộc khủng hoảng hiện tại.

Tại Australia, Qantas Airways cho biết họ sẽ cắt giảm tất cả các chuyến bay quốc tế sau khi Chính phủ nước này cảnh báo hạn chế khách du lịch nước ngoài và yêu cầu 2/3 trong tổng số 30.000 nhân viên của hãng phải nghỉ phép có lương hoặc không lương.

Các giám đốc điều hành cấp cao của Qantas Airways và hội đồng quản trị sẽ bị cắt 100% lương cho tới ít nhất là hết năm tài chính hiện tại (kết thúc vào ngày 30/6 tới).

Chính phủ New Zealand bắt đầu triển khai đợt đầu tiên của gói cứu trợ ngành hàng không trị giá 600 triệu đôla New Zealand (khoảng 344 triệu USD).

Air New Zealand Ltd cho biết họ sẽ đóng cửa căn cứ phi hành đoàn của mình ở London sớm hơn dự định ban đầu, động thái có thể khiến 130 người mất việc làm.

Ấn Độ cũng đang sẵn sàng tham gia vào danh sách dài các nước công bố viện trợ tài chính cho ngành hàng không đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.

Bộ Tài chính Ấn Độ đang xem xét đề xuất gói cứu trợ trị giá 1,6 tỷ USD dành cho lĩnh vực này, bao gồm tạm dừng đánh các loại thuế đối với ngành hàng không.

Trong khi đó, tại Trung Quốc các hãng hàng không quốc doanh lớn nhất đã báo cáo sự sụt giảm 80% lượng hành khách trong tháng Hai vừa qua, đồng thời cho biết họ sẽ tối ưu hóa hơn nữa năng lực vận chuyển và đẩy mạnh cắt giảm chi phí trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.