Xuất khẩu gạo sáu tháng cuối năm được đánh giá là còn nhiều triển vọng tích cực.
Thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, ngành nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội đều xác định phải lấy nhu cầu, thị hiếu của thị trường để định hướng cho sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội từ thị trường thì ngành hàng lúa gạo cần có thêm nhiều trợ lực để tiếp tục chuyển đổi từ "lượng" sang "chất."
Còn nhiều lực cản
Sản lượng gạo hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023 ước đạt khoảng 6,6 triệu tấn. Trong số đó nhóm gạo chất lượng cao đạt 3 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,1 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 0,9 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,6 triệu tấn.
Cân đối lượng gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu năm 2023 cho thấy tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023 ước đạt khoảng 6,6 triệu tấn. Trong số đó, tổng lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu sáu tháng đầu năm ước 4,1 triệu tấn và khoảng 2,5 triệu tấn cho sáu tháng cuối năm.
Trong khi đó, khối lượng gạo xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân sáu tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện xuất khẩu gạo đang thuận lợi, đặc biệt cuối năm bởi các thị trường lớn vẫn mua mạnh như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… Điển hình vài ngày tới, Indonesia tiếp tuc mở thầu 300.000 tấn và dự kiến sẽ liên tục mở thầu. Điều này sẽ làm cho giá gạo các nước tiếp tục tăng.
Như vậy, có thể thấy, dư địa để tăng sản lượng xuất khẩu gạo không có nhiều. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác thì việc đẩy mạnh nâng cao chuỗi giá trị gạo, tăng chế biến để đa giá trị từ gạo là đòi hỏi tất yếu để nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Theo đại diện Tập đoàn Lộc Trời, để hạt gạo Việt Nam có giá trị cao hơn, ngoài phần giống, canh tác thì còn khâu chế biến và thị trường xuất khẩu. Khâu chế biến, thị trường mới đạt 30% nên dư địa còn 70% cho gia tăng giá trị. Gạo Việt Nam còn mất nhiều giá trị tăng thêm.
Các nước có nhu cầu cao về chế biến sâu, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không đủ vốn để đầu tư. Bên cạnh đó, phần truy xuất nguồn gốc còn chưa làm được nên giá gạo chưa cao.
Hay trong xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt, gạo Lộc Trời có thương hiệu bán lẻ tại thị trường EU có giá lên tới 4.000 USD/tấn, trong khi gạo bình thường xuất khẩu chỉ khoảng 800-900 USD/tấn. Phần chênh lệch trên chưa tận dụng được do thiếu vốn để sản xuất và lưu kho, hoặc lưu kho chất lượng cao.
Bên cạnh đó, ngành hàng lúa gạo còn thiếu thông tin về thị trường. Điển hình vừa qua doanh nghiệp có nhận được thông tin từ Thương vụ tại Italia và Pháp, từ đây đã giúp doanh nghiệp có thể tăng xuất khẩu gấp ba lần so với năm trước và giá trung bình từ 800-900 USD/tấn. Do đó, khi có thông tin thì sẽ giúp Việt Nam tận dụng được các cơ hội, đại diện Tập đoàn Lộc Trời còn cho biết.
[Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gạo trong 6 tháng cuối năm]
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tân Long, cho rằng để tăng chất lượng gạo không có gì khó khăn, nhưng khâu bảo quản sau thu hoạch còn nhiều vấn đề, thất thoát sau thu hoạch cao 10-30% (tùy thời tiết mỗi vụ). Nếu thu hoạch bị mưa, không sấy kịp thời thì sẽ giảm chất lượng, đồng nghĩa với giảm giá trị. Bảo quản sau thu hoạch là bài toán vô cùng quan trọng cùng bài toán giảm thất thoát sau thu hoạch.
Theo ông Trương Sỹ Bá, hiện nay Đồng bằng Sông Cửu Long còn gặp vấn đề "vô cùng nhức nhối" về logistic. Khi vào vụ vừa thiếu về máy sấy, vừa thiếu phương tiện vận chuyển về nơi sấy, không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu. Nghiên cứu chỉ ra chậm nhất sau từ 5-7 giờ sản phẩm phải được sấy, chất lượng gạo sẽ đạt tốt.
Nhưng khi vào vụ, do vận chuyển kém phải kéo dài thời gian, sản phẩm thậm chí nhiều lúc sau 24 giờ thu hoạch mới được sấy. Khi đó lúa mới được đưa vào sấy thì rất khó đảm bảo chất lượng tốt. Logistic là vấn đề quan trọng để giảm tổn thất sau thu hoạch.
Không chỉ vậy, hiện các doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo còn gặp khó do yếu về vốn. Như đại diện Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, vụ Đông Xuân vừa qua, tập đoàn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng nhưng chỉ mua được 6.000 tỷ đồng do không đủ vốn; riêng lãi suất ngân hàng phải trả đã lên tới 300 tỷ đồng. Muốn được vay vốn doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, nhưng doanh nghiệp lúa gạo có vốn, tài sản rất nhỏ.
Với tình hình hiện nay, Tập đoàn Lộc Trời cần 1 tỷ USD thì mới đảm bảo nguồn vốn tiêu thụ hàng hóa. Hay để có thể đầu tư vào chế biến sâu, doanh nghiệp cần khoảng 400 triệu USD và sản xuất sẽ tuần hoàn, tận dụng hết các phụ phẩm.
Cùng với đó, sản phẩm gạo Việt cần có thương hiệu. Như tại EU, gạo Lộc Trời có thương hiệu bán lẻ lên tới 4.000 USD/tấn, trong khi bình thường xuất khẩu sang EU chỉ khoảng 800-900 USD/tấn. Phần chênh lệch trên chưa tận dụng được do thiếu vốn để sản xuất và lưu kho, hoặc lưu kho chất lượng cao.
Sản xuất xanh gắn với thị trường
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đẩy nhanh việc xây dựng Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long." Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất lúa gạo gắn với tăng trưởng xanh.
Ngành nông nghiệp sẽ quyết liệt chỉ đạo sản xuất theo đề án từ vụ Đông Xuân 2022-2023, dựa trên nền tảng sản xuất lúa gạo bền vững theo Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã thực hiện ở tám tỉnh thành Đồng bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh đó, hiện nay Ngân hàng Thế giới (WB) cũng sẵn sàng cho vay để đáp ứng về hạ tầng, kỹ thuật canh tác.
Với đề án, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết đây là vấn đề nên làm và xu hướng phải làm. Thời gian vừa qua, việc mong muốn phát triển cánh đồng mẫu lớn nhưng thành công chưa như mong đợi. Để triển khai được đề án phải có sự gắn kết giữa người dân và doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp mua nhưng phải bán được, cạnh tranh được. Do đó chất lượng rất quan trọng. Chúng ta phải phát triển chất lượng, thương hiệu, không chỉ chờ các nước có nhu cầu mới làm," bà Tâm cho hay.
Ông Trương Sỹ Bá cũng đánh giá mục tiêu của đề án là nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu gạo Việt Nam. Cạnh tranh là sự khác biệt để giành thị phần trên thị trường quốc tế.
Lúa gạo Việt Nam cần cạnh tranh về năng suất lao động và chi phí sản xuất. "Đề án vô cùng quan trọng, sẽ cải thiện năng suất, chất lượng với giá thành cạnh tranh nhất," ông Trương Sỹ Bá nói.
Tuy nhiên, ông Trương Sỹ Bá cũng đánh giá, hiện đề án vẫn ở mặt lý luận nhiều hơn, chưa có hành động cụ thể. Đề án cần chỉ rõ từng vùng nguyên liệu sẽ có sự đầu tư như thế nào, cần có kế hoạch hành động cụ thể gắn với sự đầu tư về hạ tầng, logistic.
Về đầu tư hạ tầng, điển hình như đầu tư sấy cần nằm ở vùng nguyên liệu để đảm bảo sản phẩm về lò sấy chỉ trong 3 giờ. Logistic cần được đầu tư bài bản, trong liên kết doanh nghiệp cần tiên phong đầu tư đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của mình, còn lại có thể ngoài xã hội.
Về nguồn vốn, theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, thời gian vừa qua các ngân hàng cũng hỗ trợ doanh nghiệp lúa gạo rất nhiều nhưng thương nhân xuất khẩu gạo với tài sản ít nên nếu vay phải thể chấp thì rất khó khăn.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị tăng cường nguồn vốn vay ngắn hạn khi vào chính vụ, đồng thời hướng dẫn các thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ thương nhân thu mua kịp thời để phục vụ sản xuất.
“Các ngân hàng cũng cần tăng cường cho vay không có tài sản đảm bảo, chính sách này có thể áp dụng trong thời điểm thu hoạch cao điểm và dựa trên trên lịch sử kinh doanh từng doanh nghiệp để có chương trình cho vay phù hợp với từng nhóm đối tượng,” bà Bùi Thị Thanh Tâm cho hay.
Bên cạnh dòng vốn hiện đang chủ yếu ngắn hạn để thu mua, ông Trương Sỹ Bá cho rằng sự đầu tư nguồn vốn cho chuỗi sản xuất lúa gạo chưa có nhiều. Đầu tư cho sản xuất lúa gạo, đặc biệt với đề án cần theo chuỗi, từ giống, vật tư, sản xuất, sấy, say xát, chế biến… cả chuỗi doanh nghiệp sẽ là đầu tàu cùng hợp tác xã làm việc này. Do đó, doanh nghiệp cần có lãi suất tốt hơn cho trung, dài hạn./.