Ngành may mặc Việt Nam: Công xưởng mới… sẽ đi về đâu?

Việc nhà sản xuất và người tiêu dùng “vô tư” sử dụng nhãn mác bừa bãi sẽ khiến ngành sản xuất may mặc, vốn là lợi thế của quốc gia đứng trước nguy cơ bị đánh “chìm” trước ngưỡng cửa hội nhập.
Ngành may mặc Việt Nam: Công xưởng mới… sẽ đi về đâu? ảnh 1Người tiêu dùng dễ dàng sở hữu một sản phẩm may mặc nhãn hiệu “tầm cỡ” quốc tế với giá… “hợp lý”. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Quần áo có chất lượng cao và hợp mốt nhưng giá cả phải chăng,” triết lý khởi nghiệp của Erling Persson (1917-2002) – cha đẻ thương hiệu thời trang H&M (Hennes Mauritz) – có vẻ như là ứng nghiệm không thể… tuyệt vời hơn cho thị trường may mặc Việt Nam. Không dễ kiếm một quốc gia nơi mọi tầng lớp dân chúng có thể dễ dàng sở hữu một sản phẩm may mặc thời trang có “tầm cỡ” quốc tế với giá… “hợp lý” đến vậy.

Một thực tế đang cho thấy, hàng may mặc trong nước đang dần chiếm ưu thế trong phân khúc giá rẻ. Nhưng với việc từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng “vô tư” sử dụng nhãn mác bừa bãi sẽ khiến ngành sản xuất may mặc, vốn là lợi thế của quốc gia đứng trước nguy cơ bị đánh “chìm” trước ngưỡng cửa hội nhập đầy thách thức.


Bài 1: “Đồ nhà” chiếm thế thượng phong

Chị Hoàng Hải Anh, Linh Đàm, Hà Nội ngẩn ngơ cầm trên tay một chiếc váy ren hai lớp, thiết kế đơn giản song rất bắt mắt và đặc biệt phù hợp với xu hướng thời trang năm nay. Chiếc váy được may cẩn thận từ đường kim mũi chỉ, trang sức cách điệu, cổ áo được gắn miếng kim loại sáng bóng, với mác của hãng thời trang nổi tiếng H&M, bên thân áo có đầy đủ các thông tin mã số, mã vạch, xuất xứ “Made in Vietnam”.

Song điều khiến Hải Anh ngỡ ngàng, là khi người bạn chị tiết lộ giá thành của chiếc váy đó chỉ… 40.000 đồng (chưa tới 2 USD).

Thắng thế cả về giá và chất

Sản phẩm thời trang phân khúc khách hàng bình dân đang được các chủ sản xuất, kinh doanh may mặc trong nước khai thác triệt để.

Bà Trần Thị Kế, Sóc Sơn, Hà Nội một chủ kinh doanh quần áo nhỏ chia sẻ: “ Hàng may mặc giá rẻ của Việt Nam bây giờ tốt hơn so với hàng Trung Quốc và giá cả rất cạnh tranh. Mỗi bộ quần áo bán lẻ khoảng 110.000 đồng-120.000 đồng, đường kim mũi chỉ cẩn thận, thiết kế đẹp, trong khi trước đây, một bộ quần áo như vậy là hàng Trung Quốc thì giá phải trên 150.000 đồng/bộ.”

Ngành may mặc Việt Nam: Công xưởng mới… sẽ đi về đâu? ảnh 2'Đồ nhà' đang chiếm lĩnh thị trường nhờ giá rẻ và chất lượng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Anh Nguyễn Mạnh Cường, một chủ xưởng may mặc tại Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp may mặc trong nước tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu tồn kho từ Trung Quốc với giá chỉ bằng một phần ba so với giá bán thông thường.

Anh Cường tiết lộ, vải thanh lý có thể mua theo các mức giá 20.000 đồng-35.000 đồng/kg (khoảng 2,5m-3m khổ rộng 1,5 m). Sản xuất đại trà, một sản phẩm váy cần khoảng 1m vải, cộng công thiết kế, cắt, may, đóng gói, tem mác… ra giá thành ra khoảng 30.000 đồng-40.000 đồng/sản phẩm.

“Với giá thành sản xuất trong nước, hàng giá rẻ Trung Quốc không còn lợi thế cạnh tranh như trước đây nữa bởi phải cộng chi phí vận chuyển, lộ phí … Rất dễ quan sát, chỉ cần lên tới các chợ cửa khẩu biên giới, hoạt động thương mại buôn bán quần áo may sẵn khá ảm đạm, không khí sầm uất trước đây đã không còn.”

Anh Mai Đình Dũng, một chủ kinh doanh trên chợ Đồng Xuân cho biết, gia đình anh kinh doanh quần áo Trung Quốc hàng chục năm nay, tuy nhiên tới thời điểm này, anh đã chuyển hẳn sang lấy hàng từ các xưởng may trong nước.

“Giá cả, chất liệu, chất lượng và cả mẫu mã rất đa dạng, hàng trong nước hiện bán khá chạy nên cũng phải xoay chuyển. Kinh doanh không thể cứng nhắc mà phải chớp thời cơ,” anh Dũng kết luận.

Cơ hội làm giàu và việc làm

Ngành may mặc Việt Nam: Công xưởng mới… sẽ đi về đâu? ảnh 3Người tiêu dùng có xu hướng chuộng hàng xuất xứ "Made in Vietnam". (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chị Phạm Thanh Thúy, chủ một cửa hàng thời trang “Made in Vietnam” tại quận Long Biên cho biết, “Mặc dù mới mở cửa hàng chưa đầy một năm, song chị bắt đầu đã có khách quen. Hiện, Hà Nội trong thời điểm này đang đầu mùa Hè, nên quần áo tại cửa hàng bán rất chạy,” chị Thúy phấn khởi chia sẻ.

Vốn là một công chức nhà nước song phải đơn thân nuôi hai đứa con ăn học, nên nhiều năm nay, chị Thúy tranh thủ làm việc ngoài giờ. Chị đi lấy quần áo từ các xưởng may rồi đi giao cho các cửa hàng thời trang. Sau đó, nắm bắt được xu hướng ưa chuộng hàng may mặc trong nước đang lên, chị Thúy đã mạnh dạn thuê mặt bằng và nhân viên bán hàng.

Công việc kinh doanh đã giúp chị Thúy có thêm thu nhập khá tốt, “chị mới mua được một căn hộ ba phòng ngủ, ba mẹ con bây giờ đã có cuộc sống thoải mái hơn. Mặc dù vất vả nhưng có hiệu quả thì chị không ngại. Nói thật, không nỗ lực sớm hôm thì làm sao có thể một tay nuôi con,” chị Thúy rơm rớm tâm sự.

Anh Cường có thể nói là một thanh niên thành đạt ở tuổi 8x. Vốn chỉ học đến hết phổ thông, anh theo nghề gia đình buôn bán quần áo Trung Quốc. Sau nhiều năm bán quần áo đổ đống ở Chợ Đêm Đồng Xuân, anh Cường đã vay vốn ngân hàng và mở xưởng sản xuất, ban đầu chỉ vài thợ, sau phát triển ra vài chục thợ.

Nhìn cơ ngơi ba tầng xinh xắn trên khuôn viên hơn 100m2, trong một khu vực “dân trí cao” mà anh Cường mới tậu được, thực tế phần nào đã minh chứng cho thành quả lao động của vợ chồng anh khi quyết định gắn bó với ngành nghề may mặc này.

“May mặc nội địa đang chiếm ưu thế, tôi có thể khẳng định phần lớn hàng hóa bán ở các chợ đầu mối hiện là do người Việt Nam sản xuất, cho dù nó được gắn nhãn mác xuất xứ nào. Bởi, thậm chí có bạn hàng của tôi buôn ngược quần áo từ đây lên chợ biên giới,” anh Cường nói.

Anh Cường cho biết, nghề may khá vất vả nhưng với những lao động nông thôn không có đồng ruộng thì đây vẫn là một cơ hội tốt. Mỗi công nhân tại xưởng của anh Cường thường có thu nhập khoảng 4 triệu đồng-4,5 triệu đồng/tháng hay công việc đóng gói sản phẩm không cần chuyên môn cũng khoảng 3 triệu đồng-3,5 triệu đồng/tháng.

Người tiêu dùng trong nước ngày càng trở nên tin dùng các sản phẩm may mặc có nguồn gốc“Made in Vietnam,” điều này hết sức tự nhiên và với chị Hải Anh cũng không phải là ngoại lệ.

“Phải chục năm nay tôi không còn đi may đo quần áo, thói quen giờ đây là mua sắm trang phục may sẵn tại các cửa hàng 'Made in Vietnam'. Các sản phẩm ở đây có giá cả phải chăng, không lòe loẹt, sặc sỡ nhưng kiểu dáng thời trang rất phong cách, chất liệu khá vải tốt và đặc biệt là đường kim mũi chỉ rất ngay ngắn, tôi thật sự ưng ý,” chị Hải Anh nhấn mạnh.


Bài 2: Hàng hiệu nhái “thượng vàng hạ cám” đánh chiếm thị trường

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.