Ngành năng lượng Mỹ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ hàng loạt

Fitch Ratings dự đoán tỷ lệ vỡ nợ năm nay của các công ty năng lượng là 18% còn theo công ty MarketAxess, gần 20% lượng trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực này đang được giao dịch ở mức dưới 70% giá trị.
Một trạm bán xăng của Tập đoàn Exxon ở Plano, bang Texas, Mỹ ngày 20/4. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một trạm bán xăng của Tập đoàn Exxon ở Plano, bang Texas, Mỹ ngày 20/4. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các công ty sản xuất dầu đá phiến, các nhà máy lọc dầu và các công ty vận chuyển đang “vật lộn” với khối nợ lớn và cú sốc kép cả về mặt cung và cầu trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà ngành này phải đối mặt.

Fitch Ratings dự đoán tỷ lệ vỡ nợ trong năm nay của các công ty năng lượng là 18%, trong khi theo số liệu từ công ty MarketAxess, gần 20% lượng trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng đang được giao dịch ở mức dưới 70% giá trị của chúng.

Các công ty vận hành đường ống dẫn dầu tư nhân được xem là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong số những công ty midstream (các công ty trong công đoạn vận chuyển, dự trữ và phân phối dầu, khí).

Các chuyên gia của công ty luật Haynes & Boone cho biết khi các công ty sản xuất dầu đá phiến phá sản, họ sẽ cố gắng tận dụng các thủ tục pháp lý để thoát khỏi các hợp đồng vận chuyển dầu, với phí vận chuyển được tính dựa trên giá dầu và khí cao hơn nhiều so với các mức hiện tại.

Các công ty midstream còn bị đe dọa bởi sự suy giảm trong hoạt động sản xuất, khi các giếng dầu đang bị đóng cửa do tình hình thị trường xấu.

[Giá dầu và những tác động tiềm ẩn đến nền kinh tế của Mỹ]

Ước tính, các nhà sản xuất đã tuyên bố cắt giảm sản lượng ít nhất 600.000 thùng dầu/ngày và sự cắt giảm này cũng sẽ cắt luôn nguồn thu tương ứng từ phí vận chuyển của các công ty vận hành đường ống.

Công ty lọc dầu PBF Energy đã xây dựng một mạng lưới sáu nhà máy lọc dầu ở Mỹ suốt 10 năm qua, trong đó có thương vụ mua lại một nhà máy ở San Francisco với giá 1 tỷ USD trong năm nay. Nhưng với sự trượt dốc của thị trường, toàn bộ công ty PBF Energy hiện có giá trị vốn hóa còn chưa bằng giá trị của thương vụ nói trên.

PBF hồi tháng trước cho biết sẽ bán các nhà máy khí hydro với giá 530 triệu USD để thu hồi vốn.

Một nguồn tin thân cận với thương vụ này cho hay nó sẽ giải quyết một số vấn đề ngắn hạn cho PBF, song cảnh báo chỉ riêng thương vụ này thôi sẽ không ổn định được công ty trừ khi nhu cầu năng lượng bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, nhu cầu đang giảm khoảng 25% tại Mỹ, và tình trạng dư cung được dự đoán sẽ còn kéo dài nhiều tháng.

Một cuộc khảo sát các công ty sản xuất năng lượng trong tháng Tư của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh Kansas cho thấy gần 40% trong số họ sẽ vỡ nợ trong vòng một năm nếu giá dầu vẫn ở quanh mức 30 USD/thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.