Thời tiết xấu bất thường và kéo dài trong năm 2014 đã gây thiệt hại nặng cho ngành nông nghiệp Italy, làm giảm mạnh sản lượng các nông phẩm truyền thống của nước này, như ôliu, rượu vang cũng như ngũ cốc.
Đó là khẳng định của Hiệp hội những người làm nông nghiệp Italy (Coldiretti) trong một báo cáo công bố hôm 8-11.
Theo tổ chức này, thiên tai ở nhiều vùng của Italy trong năm nay đã khiến sản lượng thu hoạch ôliu giảm 35%, lượng rượu giảm 15% do nho mất mùa, lượng lúa mì giảm 4%, trong khi thu hoạch hoa quả và rau xanh cũng giảm sút nghiêm trọng.
Coldiretti ước tính rằng, thiên tai đã gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp Italy khoảng 2,5 tỉ euro trong năm 2014, do giảm sút về sản lượng cũng như các thiệt hại về đất đai, hoa màu và cơ sở sản xuất.
Coldiretti dự báo rằng, vụ nho tệ hại nhất của Italy kể từ năm 1950 có thể sẽ khiến lượng rượu của nước này sản xuất ra thấp hơn so với dự kiến, còn 41 triệu hectolít, khiến Italy sẽ bị Pháp vượt qua với tư cách là nhà sản xuất rượu lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, lượng dầu ôliu cũng chỉ còn khoảng 300 nghìn tấn, khiến Italy có thể bị Hy Lạp đuổi kịp và bị Tây Ban Nha bỏ xa về sản lượng và doanh thu từ xuất khẩu. Sản lượng từ các nông phẩm truyền thống khác như lúa mì, hạt dẻ và cà chua cũng giảm mạnh.
Theo Coldiretti, 2014 là một trong những năm thời tiết xấu nhất ở Italy trong ba thập niên gần đây, chủ yếu là do sự nóng lên toàn cầu.
Các đợt thời tiết xấu xảy ra nhiều hơn, kéo dài hơn và trên diện rộng hơn, rải rác từ đầu năm cho tới giờ.
Hiện tại, Italy đang trải qua đợt mưa bão kéo dài trong hơn một tuần nay, với các khu vực bị ảnh hưởng kéo dài từ Bắc xuống Nam.
Tuần trước, thủ đô Rome đã bị ngập nặng và tê liệt trong một đợt mưa bão mà chính quyền thành phố mô tả là "chưa từng có,'' trong khi nhiều tỉnh ở miền Trung cũng chìm trong nước do mưa lớn. Bão hiện giờ đã kéo xuống phía Nam.
Miền Trung và Nam Italy chính là những vùng trù phú và nổi tiếng về nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Cơ quan cứu hộ quốc gia Italy, một đợt thời tiết xấu đang ập đến các tỉnh ở đây trong tuần tới, đe dọa sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân./.