Nhiều quy định về mức khống chế với các khoản chi hay những thủ tục kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vừa chính thức được bãi bỏ nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Thông tin trong buổi họp báo tổ chức chiều 10/8, ông Nguyễn Quý Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, những thủ tục kê khai, hạch toán kế toán sẽ đơn giản hơn với Thông tư 96/2015/TT-BTC có hiệu lực từ 6/8.
Một trong những thay đổi lớn được ông Trung nhắc tới là thống nhất giữa doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế đối với dịch vụ. Đây là vấn đề đã được doanh nghiệp phản ánh vướng mắc nhất là những đơn vị trong ngành du lịch, lữ hành, đường sắt… Với các doanh nghiệp này, thời điểm doanh nghiệp viết hóa đơn có thể diễn ra trước khi thực hiện dịch vụ tới cả năm.
Bởi vậy, thông tư cũ vẫn tồn tại 2 thời điểm xác định doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp: 1 là lúc lập hóa đơn và 1 là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua. Điều này theo đại diện ngành thuế là khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian kê khai, điều chỉnh báo cáo.
Với thông tư mới, ông Trung cho hay, thời điểm xác định doanh thu để tính thuế hiện được thống nhất là khi hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua. Những thay đổi trên theo ông có thể giảm được khoảng 14 giờ nộp thuế mỗi năm cho các doanh nghiệp.
Cũng để đơn giản hóa thủ tục cho người nộp thuế, lãnh đạo ngành thuế cho biết, những quy định mới đã bỏ khống chế khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác.
Theo ông Trung, thực tế phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy, việc đi công tác của người lao động phụ thuộc vào tính chất, địa bàn công việc. Bởi thế, việc khống chế này theo ông có thể làm giảm hiêụ quả công tác trong khi thực tế các đơn vị vẫn phải chi tiền cho công việc này.
Việc bỏ khống chế trên theo ông cũng đồng nghĩa giúp đơn giản hơn với những thủ tục kê khai của doanh nghiệp và có thể giảm khoảng 1,5 giờ nộp thuế mỗi năm cho các đơn vị.
Một số khoản chi thực tế ít xảy ra hoặc không có ý nghĩa trong thực tiễn cũng sẽ được bỏ để tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế. Ông Trung lấy ví dụ về một số khoản như: Phần trích nộp các quỹ bảo hiểm bắt buộc cho người lao động vượt mức quy định, phần trích nộp phí công đoàn cho người lao động vượt mức…
Tổng số giờ nộp thuế được đại diện ngành thuế tính toán có thể giảm bớt với những thay đổi trên là khoảng 30 giờ.
Với những thay đổi trên, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế tổng kết, số giờ nộp thuế được cơ quan chức năng thống kê trong năm nay còn khoảng 117-118 giờ.
Kết quả thực tế theo bà sẽ được phía Ngân hàng Thế giới đánh giá và đưa ra con số vào năm 2017. Tuy nhiên, bà Lan Anh cho rằng, những thay đổi trên sẽ giúp doanh nghiệp trong nước hưởng lợi ngay từ hiện tại.
"Công việc còn lại là làm sao triển khai các quy định trên vào thực tiễn. Đây là nhiệm vụ nặng nề để làm sao tinh thần cải cách không chỉ trên giấy tờ," bà Hoàng Thị Lan Anh nói./.
Trước đó, báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2014 cho thấy, Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế và bảo hiểm xã hội gần như cao nhất khu vực với 872 giờ mỗi năm, trong đó thuế là 537 giờ và bảo hiểm xã hội là 335 giờ.
Với con số trên, Việt Nam đứng thứ 149 trên tổng số 189 quốc gia trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh hạng mục nộp thuế.