Ngành thương mại và dịch vụ ở TP.HCM khó kích cầu tiêu dùng

Theo các đơn vị kinh doanh, bán lẻ ở TP.HCM, sức mua trên thị trường tiêu dùng trong tháng Tư vẫn ảm đạm, mặc dù nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai cả kênh mua bán trực tuyến, truyền thống.
Ngành thương mại và dịch vụ ở TP.HCM khó kích cầu tiêu dùng ảnh 1Khách hàng mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo các đơn vị kinh doanh, bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, sức mua trên thị trường tiêu dùng trong tháng Tư vừa qua vẫn ảm đạm, mặc dù nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai ở cả kênh mua bán trực tuyến và truyền thống.

Do đó, ngành thương mại, dịch dịch trên địa bàn thành phố vẫn loay hoay vừa kích cầu tiêu dùng, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, tháng Tư hàng năm là dịp nghỉ lễ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5, do đó nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, nhiều nhà bán lẻ liên tục chạy chương trình ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong kỳ nghỉ lễ năm nay.

Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh từ một số nhà bán lẻ cho thấy, sức mua trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp Lễ vừa qua không tăng đáng kể. Thậm chí, vì quan ngại dịch bệnh có tín hiệu bùng phát trở lại nên người dân hạn chế mua sắm trực tiếp và chuyển sang sử dụng dịch vụ mua sắm online, đặt hàng qua điện thoại.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoài Minh, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh rau củ, quả tươi-sạch trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết doanh thu trong tháng Tư vừa qua không tăng cao như kỳ vọng dù có những ngày lễ lớn như Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5. Đáng chú ý hơn, sức mua trong những ngày lễ này còn thấp hơn ngày thường do người dân có xu hướng về quê hoặc đi du lịch.

[Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19]

Ghi nhận thực tế trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, mặc dù giữ khung giờ bán buôn như ngày thường và phục vụ xuyên dịp 30/4 và 1/5, nhưng do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ngay vào dịp lễ, nên người dân cũng hạn chế trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng để mua sắm, vui chơi, giải trí. Thay vào đó, đơn hàng online hay đặt qua điện thoại có xu hướng tăng nhẹ so với thời điểm bình thường, nhất là đối với ngành lương thực, thực phẩm, đồ uống...

Còn tại những chuỗi cửa hàng kinh doanh ẩm thực, đố uống trong những ngày này cũng vắng bóng khách hàng và thưa thớt người tiêu dùng. Hiện tại, nhiều địa điểm kinh doanh duy trì hoạt động kinh doanh bằng thực đơn phục vụ điểm tâm sáng và bữa trưa; đồng thời, khách vãng lai, ăn uống, vui chơi... hầu như mất hút trong thời gian qua.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Xuân Hòa, nhân viên văn phòng quận 3 cho hay, thời điểm này tại Thành phố Hồ Chí Minh đang vào mùa cao điểm nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và đồ uống giải khát là có nhưng người dân ngại ra hàng quán vì tâm lý lo lắng dịch bệnh. Vì vậy, các đồng nghiệp, nhân viên văn phòng thường gom đơn hàng đặt online, không chỉ đối với đồ ăn, thức uống, mà ngay cả đồ dùng thiết yếu hàng ngày cho gia đình.

Báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt 366.234 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính riêng tháng Tư vừa qua đạt 90.153 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 22,3% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Nếu chia theo ngành kinh tế, lĩnh vực thương nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh có doanh thu 4 tháng đầu năm nay đạt 204.491 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong số đó, doanh thu từ nhóm hàng lương thực, thực phẩm đạt 34.768 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ năm trước); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 29.095 tỷ đồng (tăng 9%); hàng may mặc 14.404 tỷ đồng (tăng 9%); xăng dầu các loại 19.448 tỷ đồng (tăng 13,4%)...

Ngành thương mại và dịch vụ ở TP.HCM khó kích cầu tiêu dùng ảnh 2Sản phẩm rau củ, quả được doanh nghiệp, hợp tác xã chào hàng. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Trong 4 tháng đầu năm nay, dịch vụ lưu trú và ăn uống có doanh thu đạt 26.764 tỷ đồng, (tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước); dịch vụ khác có doanh thu 132.766 tỷ đồng (tăng 5%). Riêng du lịch, lữ hành có doanh thu 4 tháng đạt 2.213 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước.

Để tiếp tục kích cầu thị trường tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà bán lẻ tiếp tục tung ra đa dạng hoạt động khuyến mãi, giảm giá cho người tiêu dùng. Điển hình, chào đón tháng Năm Hè rực rỡ, HTVCo.op triển khai chương trình khuyến mãi lớn dành tặng quý khách hàng khi mua sắm các sản phẩm giá tốt, chất lượng Việt.

Trong đó, xuyên suốt khuyến mãi tháng Năm này là chương trình “Vào Hè, thổi bay deal hot” cùng quà tặng là một túi gạo Home Rice ST25 Thiên Bình trị giá 74.000 đồng hoặc một code ưu đãi giảm trực tiếp 50.000 đồng, áp dụng với hóa đơn từ 1.700.000 đồng trở lên. Ngoài ra, khi khách hàng mua sắm tại gian hàng “Thương hiệu tốt, Ưu đãi tốt” với sản phẩm thuộc thương hiệu, gồm: Mishio, Airbike, Thiên Phú Lộc, Hakawa, Kachi, Đông Á... HTVCo.op tặng ngay voucher giảm trừ trực tiếp phí vận chuyển lên đến 50.000 đồng.

Còn tại chuỗi cửa hàng Satrafood, ngoài rau củ, quả tươi ngon với hàng tận gốc-tươi mỗi ngày, còn duy trì chương trình giảm giá 30% cho đa dạng sản phẩm rau củ, quả sơ chế vào khung giờ từ 18 giờ đến 21 giờ mỗi ngày.

Hơn thế nữa, chung tay phòng chống dịch bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm, Satrafood thực hiện nhận đơn hàng từ 7 giờ 30 đến 20 giờ mỗi ngày (sau 20 giờ đơn hàng được chuyển sang ngày kế tiếp). Khi sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi của Satrafood, người tiêu dùng được giao hàng trong ngày và miễn phí với hóa đơn từ 300.000 đồng trong phạm vi bán kính 5km./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.