Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, dự kiến trong ngày hôm nay 19/9, ngành điện sẽ khôi phục toàn bộ phụ tải của Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế, trừ khu vực không tiếp cận được.
Thời gian sau 19/9 tiếp tục khôi phục phụ tải khi tiếp cận được lưới điện và củng cố lưới điện sau bão.
Trong ngày hôm qua 18/9, các công ty điện lực đã kiểm tra và khôi phục lại toàn bộ phụ tải các tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng; cơ bản khôi phục phụ tải các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị trừ khu vực ngập sâu, chia cắt; Thừa Thiên-Huế khôi phục phụ tải cho thành phố, thị trấn, thị tứ.
Để khẩn trương khôi phục cung cấp điện cho các khách hàng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã tăng cường nhân lực, phương tiện, thiết bị từ các Công ty Điện lực Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng để hỗ trợ Công ty Điện lực Thừa Thiên-Huế. Trước mắt ưu tiên khôi phục cung cấp điện cho các phụ tải thiết yếu, quan trọng như bệnh viện, cấp nước sạch, thông tin liên lạc.
[Hà Tĩnh: 3 thanh niên cố vượt đập tràn, 1 người bị cuốn trôi]
Trong ngày 19/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh nên ở Bắc Trung Bộ, khu vực Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Việc vận hành lưới điện 220-500 kV vẫn diễn ra bình thường. Lưới 110 kV gặp một số sự cố nhỏ đang được khẩn trương khôi phục, không ảnh hưởng đến cấp điện của các trạm biến áp.
Với lưới điện trung-hạ áp, ảnh hưởng bão đã gây sự cố mất điện các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng; trong đó, ảnh hưởng lớn nhất là tỉnh Thừa Thiên-Huế, mất tải trên 300MW.
Với các hồ chứa thủy điện, EVN tiếp tục vận hành theo các quy trình liên hồ/đơn hồ. Mực nước các hồ chứa khu vực có khả năng bị ảnh hưởng đang dưới mức nước theo quy trình điều tiết liên hồ, đơn hồ.
Lưu lượng nước về các hồ giảm nhanh, hồ A Vương vẫn thấp hơn 15m so với mức nước dâng bình thường, hồ Sông Bung 2 vẫn thấp hơn 17m so với mức nước dâng bình thường, các hồ chứa khác như Sông Bung 4, Sông Tranh 2, Quảng Trị lưu lượng nước về thấp.
Trước đó, lúc 10 giờ ngày 18/9, bão số 5 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình-Thừa Thiên-Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
EVN cho biết, do ảnh hưởng của bão số 5, đã có 946.859 khách hàng trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng bị mất điện. Đến chiều 18/9, hai Tổng công ty Điện lực miền Bắc và EVNCPC đã khôi phục cấp điện cho 359.635 khách hàng.
Thống kê sơ bộ cho thấy, ảnh hưởng của bão số 5, có 105 cột điện trung áp, 51 cột điện hạ áp bị gãy đổ; 34 cột điện hạ áp bị nghiêng.... Tổng thiệt hại ban đầu ước tính đối với ngành điện gần 7,9 tỷ đồng.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 8 giờ ngày 19/9, bão số 5 đã làm 1 người chết (Thừa Thiên-Huế); 1 người mất tích (Quảng Trị); 110 người bị thương; 10 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 22.562 nhà bị tốc mái; 79 nhà bị ngập; 3 điểm trường bị ảnh hưởng; 15 phòng học bị tốc mái; 115ha lúa bị thiệt hại; 170ha hoa màu bị thiệt hại; 1.149ha cây lâm nghiệp; 300 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 40ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại; 80 cây xanh bị gãy, đổ.
Bên cạnh đó, có 36 cột điện bị gãy đổ, 3 trạm biến áp bị hư hỏng, 3 trụ thông tin bị gãy; 15 tuyến cáp quang bị đứt do cây gãy đổ. Nhiều địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế bị sự cố và mất điện (đến 7 giờ/19/9: Thừa Thiên- Huế đã khắc phục được 75%).
Ngoài ra, có 6,2km bờ biển tỉnh Thừa Thiên-Huế bị sạt lở ăn sâu từ 5-10m; một số nhà quản lý vận hành hồ chứa, trạm bơm bị tốc mái; 3 điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh; 1 điểm trên Quốc lộ 9 qua địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị sạt lở; 2 điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh; 1 điểm trên tuyến đường 14G qua địa bàn huyện Đồng Giang, Quảng Nam bị sạt lở; 135 điểm đường liên xã thuộc huyện Tây Giang, Quảng Nam bị sạt lở; 1 cầu treo bị cuốn trôi.
Hiện các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 5 đang khẩn trương tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc phục.
Để tiếp tục ứng phó với hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả do bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương bị thiệt hại tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống; theo dõi, cảnh báo mưa lớn sau bão kịp thời đến cộng đồng, người dân; theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông, chủ động các biện pháp phòng tránh.
Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão tăng cường kiểm tra và triển khai di dời dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lụt; kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu; bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để xử lý kịp thời mọi tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng vận hành điều tiết, khắc phục sự cố hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du./.