Ngày càng nhiều người Italy phản đối việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Tỷ lệ người dân Italy phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đã tăng từ 42% trong tháng 12/2022 lên 45% vào tháng 2/2023, trong khi số người ủng hộ việc hỗ trợ vũ khí cho Kiev lại giảm xuống 34%.
Ngày càng nhiều người Italy phản đối việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine ảnh 1Khói bốc lên sau loạt vụ không kích xuống thủ đô Kiev của Ukraine, ngày 10/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kết quả cuộc thăm dò do Viện Ipsos thực hiện, được báo Corriere della Sera công bố ngày 24/2, cho thấy tỷ lệ người dân Italy phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đã tăng từ 42% trong tháng 12/2022 lên 45% vào tháng 2/2023, trong khi số người ủng hộ việc hỗ trợ vũ khí cho Kiev lại giảm xuống 34%, so với 36%.

Khoảng một nửa số người được hỏi ý kiến (49%) bày tỏ lo ngại về hậu quả kinh tế của cuộc xung đột ở Ukraine, với tỷ lệ những người lo lắng về tác động quân sự của cuộc xung đột tăng từ 19% vào tháng 12 lên 26% trong 2 tháng sau đó.

Những người ủng hộ các đảng chính trị có ý kiến khác nhau về vấn đề này. Đặc biệt, 55% cử tri của đảng Liên đoàn của Phó Thủ tướng Matteo Salvini phản đối hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong khi 52% cử tri của đảng Dân chủ đối lập và 51% cử tri của đảng Forza Italia cầm quyền của ông Silvio Berlusconi lại ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev.

[Séc, Phần Lan, Hy Lạp thông báo về cấp vũ khí và viện trợ cho Ukraine]

Hôm 21/2 vừa qua, Thủ tướng Giorgia Meloni tuyên bố Italy sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, bác bỏ thông tin trước đó cho rằng Rome đang chuẩn bị gửi một số chiến đấu cơ cũ để hỗ trợ lực lượng Kiev trong bối cảnh xung đột với Nga đang gia tăng.

Thay vào đó, bà Meloni cho biết Italy đang thảo luận về gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine - bao gồm một số hệ thống phòng không, chẳng hạn bệ phóng tên lửa đất đối không SAMP/T, có khả năng được cung cấp với sự phối hợp của Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.