Nghệ An chuyển hướng để phục hồi du lịch: Liên kết vùng miền

Ngành du lịch Nghệ An đã tổ chức liên minh kích cầu du lịch với tỉnh Bình Định và thành phố Hải Phòng, với mục tiêu lấy thị trường nội địa làm trọng tâm.
Nghệ An chuyển hướng để phục hồi du lịch: Liên kết vùng miền ảnh 1Ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các Sở Du lịch 3 tỉnh, thành phố Nghệ An-Bình Định-Hải Phòng. (Nguồn: binhdinh.gov.vn)

Cùng với nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách thì tăng cường liên kết vùng, liên kết địa phương, liên kết ngành, doanh nghiệp là giải pháp trọng tâm mà ngành du lịch Nghệ An đã và đang triển khai nhằm thực hiện "mục tiêu kép," vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, vừa tích cực khắc phục khó khăn, nhanh chóng phục hồi hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ.

Liên kết du lịch liên tỉnh, liên vùng

Thực hiện Chương trình kích cầu du lịch nội địa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch Nghệ An đã tổ chức liên minh kích cầu du lịch với tỉnh Bình Định và thành phố Hải Phòng, với mục tiêu lấy thị trường nội địa làm trọng tâm.

“Nghệ An chọn Bình Định và Hải Phòng để liên minh kích cầu du lịch nội địa bởi hai địa phương này có những cam kết mạnh mẽ trong việc đưa ra những biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Cùng với đó, nhiều chương trình, sản phẩm hấp dẫn, liên kết các doanh nghiệp lữ hành để ưu tiên, khuyến mãi, giảm giá dành riêng cho khách du lịch nội địa Nghệ An - Bình Định - Hải Phòng,” bà Nguyễn Thị Thành An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, cho biết.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, cho rằng Bình Định và Nghệ An là hai tỉnh có nền tảng văn hóa, lịch sử, tài nguyên phong phú. Việc liên kết này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch giữa hai địa phương có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, từ đó xây dựng tour, tuyến phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của mỗi vùng. Nghệ An là hạt nhân du lịch của vùng Bắc Trung Bộ; Bình Định liên kết với Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, từ đó tạo ra các tour, gói du lịch cạnh tranh với các địa phương khác.

Để thích ứng với sự đổi mới, ngành du lịch cũng như các địa phương cần xây dựng chiến lược, tạo sản phẩm mới, khai mở tiềm năng du lịch. Đó là xây dựng định hướng mới, tạo sản phẩm mới chủ lực trong phát triển du lịch tại mỗi địa phương, giúp khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch đặc trưng của mỗi địa phương, vùng miền như hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực… để phục hồi và phát triển ngành công nghiệp không khói khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

“Thị trường du lịch nội địa được xác định là điểm khởi đầu cần thiết và quan trọng để phục hồi, phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, muốn phát triển du lịch, không còn con đường nào khác là phải liên kết. Đây là giải pháp nhằm phát huy lợi thế về vị trí chiến lược, tài nguyên, sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương và các vùng du lịch,” bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Nghệ An, cho biết.

Chưa lúc nào, các tour nội địa lại phong phú và đa dạng như thời điểm này với nhiều mức giá, thời gian và hướng đến các đối tượng khách hàng.

Hàng loạt dịch vụ kích cầu du lịch được hình thành với các sản phẩm dịch vụ có mức giá ngày càng hấp dẫn và chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao hơn như chương trình kích cầu du lịch "Nghệ An - Điểm đến an toàn và khác biệt," chương trình kết nối Cửa Lò với các điểm du lịch phụ cận như Quê Bác, đảo chè Thanh Chương, khu di tích Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, khu du lịch Mường Thanh Safari Land Diễn Châu, rừng Quốc gia Pù Mát…

Nhờ việc chuyển hướng kịp thời, hoạt động du lịch Nghệ An đã được khởi động trở lại, mang đến nhiều kết quả tích cực. Các điểm du lịch trên địa bàn thực hiện gói kích cầu nội địa, các cơ sở lưu trú giảm giá 30-40%, nhà hàng giảm 15-20%, các cơ sở mua sắm giảm 20-25%, vận chuyển khách du lịch giảm 10-30%.

Bởi vậy, trong quý 1/2021, lượng khách du lịch đến Nghệ An đạt 1.027.000 lượt bằng 122% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khách lưu trú đạt 766.000 lượt, bằng 116% so với cùng kỳ năm 2020; khách quốc tế đạt 2.193 lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 1.159 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 521 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2020.

Cần có những sản phẩm, dịch vụ đặc trưng vùng miền

Năm 2021, Nghệ An phấn đấu đón và phục vụ 4,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 27,6% so với năm 2020; có 3,8 triệu lượt khách lưu trú, tăng 41,6% so với năm 2020; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 36,2% so với năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu trên, tăng cường hoạt động liên kết phát triển du lịch với các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, vận chuyển lớn nhằm kết nối du lịch Nghệ An vào chương trình du lịch liên tỉnh, liên vùng là giải pháp mà ngành du lịch Nghệ An đẩy mạnh thực hiện.

Dự kiến trong quý 2/2021, Nghệ An sẽ tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng; Tuần Văn hóa - Du lịch Nghệ An tại Hà Nội, nhằm gắn Nghệ An vào chuỗi các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng để thu hút khách trong giai đoạn hậu dịch COVID-19.

Nghệ An chuyển hướng để phục hồi du lịch: Liên kết vùng miền ảnh 2Du khách tại bãi biển Cửa Lò (Nghệ An). (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Các sự kiện khác như Lễ hội Du lịch biển Cửa Lò, Festival Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh năm 2021, các sự kiện trong chương trình Năm Du lịch quốc gia 2021 tại Ninh Bình và các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia tại Nghệ An...; tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Nghệ An tại các tỉnh, thành phố và đón các đoàn famtrip, presstrip đến khảo sát Nghệ An cũng song song được thực hiện.

Các hoạt động xúc tiến trên cũng đặt ra nhiều vấn đề cho các điểm đến ở Nghệ An.

Thực tế tài nguyên ở Nghệ An rất phong phú và đa dạng, diện tích lớn, các điểm đến rất hoang sơ nhưng cách làm lại chưa "tới" nên chưa thu hút được khách du lịch.

Mỗi điểm đến ở Nghệ An đều có thế mạnh riêng, bởi vậy các điểm đến cần liên kết lại với nhau theo một chuỗi.

Bên cạnh đó, các điểm đến ở Nghệ An cần quảng bá mạnh mẽ hơn nữa trên các phương tiện thông tin truyền thông để xây dựng sản phẩm mang tính đột phá, lâu dài. Điều này không chỉ hướng tới hơn 3 triệu khách là người Nghệ An, mà phải hướng tới 90 triệu khách Việt Nam.

"Khi dịch COVID-19 xảy ra, xu hướng của các đơn vị lữ hành cố gắng duy trì hoạt động lữ hành bằng cách liên kết với các đơn vị trong chuỗi cung ứng như nhà hàng, khách sạn, các điểm đến du lịch, vận chuyển để tạo nên sản phẩm khép kín hơn, tốt hơn, đảm bảo hơn nhưng giá cả phù hợp hơn. Các đơn vị lữ hành cũng đang cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng cách mở rộng marketing online và mảng vận chuyển, đặt vé, đặt phòng khách sạn trên toàn Việt Nam”, ông Nguyễn Huỳnh Sương, Giám đốc Công ty cổ phần Đông Dương Travel, kiến nghị.

Không chỉ liên kết để xây dựng các tour, tuyến mà với sản phẩm du lịch tại các điểm đến cũng cần được chú trọng.

Điểm đến Nghệ An hiện đã có nhiều sản phẩm, tuy nhiên để mang tính đặc trưng hay nổi bật như một số vùng miền khác thì chưa đạt.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An đề xuất cần có hội thảo khoa học, cuộc thi, thu hút các nhà đầu tư để tạo nên các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, phong phú, hấp dẫn và mang tính đặc trưng vùng miền hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị, từ đó kích thích nhu cầu du lịch.

Bởi vậy, các doanh nghiệp trong ngành du lịch tại Nghệ An và các địa phương liên kết khác phải phối hợp xây dựng những chuỗi sản phẩm, dịch vụ mang tính tương trợ nhau. Ngoài ra, địa phương cũng cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành để có giá thành tốt nhất làm sản phẩm…

Tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh phát triển quảng bá du lịch qua công nghệ số thời kỳ 4.0. Số hóa dữ liệu các điểm đến du lịch và văn hóa Nghệ An bằng công nghệ hình ảnh 360 độ, sản xuất các video clip quảng bá du lịch Nghệ An đăng tải trên các trang mạng xã hội, lắp đặt màn hình Led quảng bá du lịch tại một số địa điểm đón khách đến Nghệ An.

Trong bối cảnh Việt Nam chưa thể mở cửa đón khách du lịch quốc tế thì liên minh kích cầu du lịch nội địa đang là giải pháp duy nhất sớm phục hồi du lịch Nghệ An.

Mục tiêu hướng đến là xây dựng Nghệ An trở thành điểm đến an toàn và khác biệt cho khách du lịch trong tình hình mới./.

Nghệ An triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục