Nghệ An: Cuộc sống mới của người dân tộc ít người Đan Lai

Nghệ An: Cuộc sống mới của người dân tộc thiểu số Đan Lai

Từ chỗ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nghèo đói, lạc hậu và hôn nhân cận huyết thống, giờ đây cuộc sống của người Đan Lai đã đổi thay, ấm no nhờ sự hỗ trợ của nhà nước phát triển sinh kế bền vững.
Nghệ An: Cuộc sống mới của người dân tộc thiểu số Đan Lai ảnh 1Cuộc sống của người Đan Lai đã được cải thiện nhiều, đã có điện, đường, nước sinh hoạt, sóng điện thoại, học sinh được đi học. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Đan Lai là dân tộc ít người, sinh sống chủ yếu ở khu vực miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. Dân tộc Đan Lai trước đây đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nghèo đói, lạc hậu và hôn nhân cận huyết thống…

Những năm trở lại đây, cuộc sống của người Đan Lai đã đổi thay và đang tự tin hòa nhập cộng đồng các dân tộc anh em.

Chung tay xây dựng cuộc sống mới

Vượt 200km, chúng tôi đã đặt chân lên bản Cửa Rào - bản tái định cư đầu tiên của người Đan Lai thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là hai bên đường những thửa ruộng lúa mênh mông, nhiều ngôi nhà mọc lên san sát xen lẫn màu xanh của cây ăn trái.

Ghé thăm gia đình bà La Thị Nguyệt, bản Cửa Rào - người Đan Lai đầu tiên ở xã Môn Sơn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đang dở tay phơi mẻ vừng còn lại, bà Nguyệt phấn khởi cho biết, từ ngày về nơi ở mới, bà con Đan Lai được “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn trồng lúa nước, ngô, keo, rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá...cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng đã ổn định hơn trước. Riêng gia đình bà vừa trồng lúa nước, rau màu vừa kết hợp làm kinh tế trang trại, chăn nuôi trâu bò, gà vịt cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.

Nghệ An: Cuộc sống mới của người dân tộc thiểu số Đan Lai ảnh 2Người Đan Lai ở Cửa Rào đã thành thạo với việc gieo trồng, sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Gia đình anh La Văn Sơn được đánh giá là hộ Đan Lai năng động, chịu khó học hỏi và tích cực khai hoang. Gia đình anh trồng các loại cây lương thực, hoa màu. Ngoài ra, gia đình anh còn trồng hơn 2ha gỗ xoan kết hợp làm kinh tế trang trại và chăn nuôi dê, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

[Kiên Giang: Đồng bào dân tộc Khmer nỗ lực vươn lên thoát nghèo]

Cụ La Thị Hương năm nay gần 80 tuổi, bản Cửa Rào chia sẻ, về đây có điện, đường, trường, trạm, việc học hành của con cháu thuận lợi, mỗi lần đau ốm đi khám bệnh gần hơn, người già rất phấn khởi.

Từ 20 hộ dân chuyển đến lúc ban đầu, đến nay, bản Cửa Rào có 36 hộ dân, với gần 170 nhân khẩu. Người dân trong bản đã thành thạo gieo trồng, sản xuất nông nghiệp. Bà con về nơi ở mới chăm chỉ làm ăn, đoàn kết, hòa đồng với người dân bản địa, chung tay xây dựng cuộc sống mới.

Điều đặc biệt là hiện nay những hủ tục lạc hậu trước đây của dân tộc Đan Lai như đẻ ngồi, nhúng trẻ sơ sinh xuống suối, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, ma chay kéo dài… không còn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Môn Sơn Ngân Văn Trường chia sẻ nơi ở mới thuận tiện hơn, từ đường giao thông, khám chữa bệnh đến việc học của trẻ. Ngoài trồng ngô, cây keo, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ khá lên nhờ buôn bán tạp hóa, dịch vụ máy xay xát hay đi xuất khẩu lao động.

So với trước đây, cuộc sống của bà con đã đủ đầy, ấm no. Hiện nay, trong bản có 100% nhà kiên cố, 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% hộ có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường.

Tạo sinh kế bền vững cho người Đan Lai

Năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Đề án như một cuộc "giải cứu" thực sự, khi đặt mục tiêu 146 gia đình người Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt được di dời ra khỏi rừng sâu.

Nghệ An: Cuộc sống mới của người dân tộc thiểu số Đan Lai ảnh 3Gia đình La Văn Sơn được đánh giá là hộ Đan Lai năng động, chịu khó học hỏi và tích cực khai hoang, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Ngoài ra, 30 hộ ở lại bản Cò Phạt được đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm… để làm điểm du lịch sinh thái.

Cùng với 20 hộ dân di dời trước đó, năm 2007, có 44 hộ dân tiếp theo đã được ra khỏi rừng, đến nơi ở mới ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Từ đó đến nay đã có hàng trăm người Đan Lai ra nơi ở mới.

Ông Lương Viết Tùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông cho biết, tại các điểm tái định cư ở Cửa Rào, Tân Sơn (xã Môn Sơn) và bản Thạch Sơn, Kẻ Tắt (xã Thạch Ngàn), đồng bào Đan Lai được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang, cấp đất sản xuất, con giống, phân bón, vật nuôi, nông cụ sản xuất.

Sau khi các hộ dân ổn định cuộc sống nơi ở mới, Đảng ủy, chính quyền xã đã giao các đoàn thể phân công trách nhiệm, hướng dẫn cụ thể từng gia đình phương thức làm lúa nước, biết cách trồng trọt và chăn nuôi. Các cấp, ngành đã tổ chức nhiều lớp khuyến nông, khuyến lâm, kĩ thuật sản xuất chăn nuôi, đào tạo nghề tại các bản tái định cư để người dân được tham gia.

Từ cuộc sống hái lượm, sản xuất tự nhiên, người Đan Lai đã có kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò, lợn nuôi nhốt. Người dân các điểm tái định cư và hộ còn ở vùng lõi Pù Mát đã biết sản xuất lúa nước tăng từ 1,5-3 tấn/ha. Từ khai thác lâm sản theo tự nhiên, hiện nay đồng bào đã biết trồng rừng nguyên liệu, nhận khoán bảo vệ rừng, phát triển kinh tế vườn như trồng rau, cây ăn quả, cây lấy gỗ.

Ông Lô Thanh Huấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thạch Ngàn cho biết tại các bản tái định cư có gần 20 người Đan Lai đi xuất khẩu lao động, khoảng 30 người đi làm công nhân ở các công ty ngoại tỉnh, nhiều hộ ở nhà biết đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập.

Theo tiêu chí nghèo đa chiều, nhiều tiêu chí được cải thiện do các bản đã có điện, đường, nước sinh hoạt, sóng điện thoại, học sinh được đi học…

Theo thống kê đến nay có 82/146 hộ người Đan Lai chưa được di dời ra khỏi vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát để đến điểm tái định cư mới. Nguyên nhân huyện Con Cuông đưa ra do nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ hàng năm đạt tỷ lệ thấp nên không đủ nguồn vốn thực hiện, đáp ứng đúng tiến độ đã đề ra.

Điểm tái định cư số 3 bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn do quỹ đất không đủ điều kiện để lập dự án và thiếu nguồn nước sinh hoạt nên không được triển khai.

Ngoài ra, việc lập quy hoạch tái định cư chưa sát, đúng, phù hợp điều kiện thực tế, quỹ đất và nguồn nước chưa đảm bảo điều kiện tái định cư. Đồng bào Đan Lai phần đông còn ngại xa rời nơi ở cũ, quen tập quán sống khép kín lâu đời trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát.

Nhằm tiếp tục bảo tồn, phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Đan Lai, ngày 19/12/2006 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 280/2006/QĐ- TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An” (gọi tắt là Đề án 280).

Tộc người Đan Lai sẽ được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu phục vụ phát triển cộng đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ khai hoang cải tạo đất sản xuất, giống, vật tư sản xuất; hỗ trợ về giáo dục, văn hóa, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tộc người Đan Lai.

Theo ông Hoàng Sỹ Kiện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Con Cuông, huyện đang đề nghị Trung ương xem xét công nhận tộc người Đan Lai là một dân tộc riêng biệt để được hưởng chính sách đặc thù của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, hỗ trợ nhân rộng mô hình sinh kế nhằm tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục