Nghệ An đã có 10 người thương vong và mất tích do mưa lũ

Hiện nay, tỉnh Nghệ An vừa tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ, vừa đồng thời khẩn trương triển khai công tác phòng chống siêu bão Goni đang có nguy cơ đổ bộ vào một số địa phương trong nước.
Nước lũ dâng cao khiến hàng ngàn hộ dân vũng trũng xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An bị cô lập hoàn toàn. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Nước lũ dâng cao khiến hàng ngàn hộ dân vũng trũng xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An bị cô lập hoàn toàn. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 9 kết hợp với không khí lạnh tăng cường, từ ngày 28-31/10 đã có mưa to đến rất to, có nơi mưa đặc biệt to, gây thiệt hại nặng tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Tính đến chiều 1/11, trên địa bàn tỉnh đã có 5 người chết (gồm 2 người ở huyện Nam Đàn, 3 người ở huyện Anh Sơn); 2 người ở huyện Thanh Chương và huyện Anh Sơn bị mất tích. Ngoài ra có 3 người ở huyện Thanh Chương và huyện Tân Kỳ bị thương.

Mưa lũ cũng làm ngập lụt tại 94 xóm trong tỉnh, cô lập 27 xóm, 14.511 nhà bị ngập, 4.447 hộ dân phải di dời do ngập lụt và ảnh hưởng của sạt lở đất; 45 điểm trường bị ngập lụt; 885 ha lúa, 6.354 ha nuôi thủy sản, 9.215 ha ngô và rau màu các loại bị ngập, 132.992 con gia cầm, 457 con gia súc bị cuốn trôi; 51 km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng, 13 cầu, cống bị cuốn trôi hoặc hư hỏng.

[Nghệ An: Thanh Chương nước đã rút, Hưng Nguyên bị cô lập hoàn toàn]

Đến chiều 1/11 nhiều tuyến đường trong tỉnh vẫn chưa thể đi lại do bị sạt lở, hư hỏng, ngập nước. Quốc lộ 48E có 3 vị trí đang bị ngập chưa thể đi lại, quốc lộ 46C có một đoạn tuyến đang bị ngập tại Km107+200 - Km108+900; đường tỉnh 534B đang bị ngập tại Km32+190, đường tỉnh 539B ngập tại Km3+600 - Km5+800.

Ngoài ra còn có rất nhiều các tuyến đường liên xã, liên thôn hoặc nội xã đang bị ngập nước, sạt lở, hư hỏng, người và xe chưa thể qua lại.

Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đang được các địa phương và các ngành chức năng triển khai khẩn trương, trong đó có việc huy động mọi lực lượng, phương tiện trên địa bàn để giúp đỡ, động viên, hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại; huy động lực lượng, phương tiện để xử lý các vị trí sạt lở, ách tắc; phân luồng giao thông, cắm biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người và phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi đang còn có nguy cơ sạt lở.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An vừa tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ, vừa đồng thời khẩn trương triển khai công tác phòng chống siêu bão Goni đang có nguy cơ đổ bộ vào một số địa phương trong nước.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu các ngành, địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Chiều 1/11, các đơn vị quản lý thủy lợi và thủy điện đang lập phương án vận hành, chủ động xả lũ để đảm bảo an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện và phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ

Ngành y tế Nghệ An đang khẩn trương triển khai công tác y tế sau mưa lũ. Đây là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay tại Nghệ An, nhất là tại các vùng lũ lụt khi nước đã bắt đầu rút dần, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh do gia súc, gia cầm chết trong mưa lũ, do rác thải và do mầm bệnh tồn lưu, môi trường bị ô nhiễm.

Sở Y tế Nghệ An giao Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An thiết lập mỗi đơn vị 2 đội cấp cứu ngoại viện, đảm bảo nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện sẵn sàng triển khai hỗ trợ các đơn vị.

Nghệ An đã có 10 người thương vong và mất tích do mưa lũ ảnh 1Người dân xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương dọn vệ sinh nhà cửa sau lũ. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Sở Y tế Nghệ An cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh khẩn trương rà soát, bổ sung dựng kế hoạch chăm sóc và điều trị bệnh nhân trong tình hình mưa bão, ngập lụt, không để tình trạng chậm trễ trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân, kể cả người dân vùng lũ lụt; thiết lập đội cơ động ứng phó với bão lụt, bảo đảm nhân lực, cung cấp đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị và cơ sở vật chất, phương tiện sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cấp cứu lưu động, hỗ trợ y tế cho người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn.

Các đơn vị triển khai hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lũ, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý các loại rác thải kịp thời tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm.

Đợt mưa lũ từ ngày 29/10 đến ngày 1/11, ngành y tế Nghệ An đã chịu nhiều thiệt hại. Tại một số địa phương ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương… đã có nhiều cơ sở y tế bị ngập lụt nghiêm trọng, nhất là các trạm y tế tuyến xã; các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng.

Tại những địa phương này, nhiều gia đình cán bộ y tế nhà bị ngập hư hỏng, trôi tài sản. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng hiện nay các cơ sở y tế vẫn đang nỗ lực cao trong việc khám chữa bệnh cho người dân.

Ngay sau khi nước rút, tại các vùng bị ngập lụt, ngành y tế tỉnh Nghệ An đang triển khai việc đảm bảo nhân lực, cung cấp cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Cùng với triển khai các giải pháp trong khám, chữa bệnh cho người dân vùng lũ, ngành y tế Nghệ An cũng phối hợp với các địa phương vùng dịch tổ chức giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh, thực hiện khống chế, không để dịch bệnh bùng phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục