Hơn 10 năm qua, nhiều hộ dân tại xóm 4, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã phải sống trong cảnh lo sợ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tính mạng do nhà ở đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng nhưng không thể xây mới bởi nằm trong vùng giải phóng mặt bằng của dự án đường N5.
Bất an khi sống trong những ngôi nhà xuống cấp
Có mặt tại căn nhà cấp 4 được xây dựng cách đây 35 năm của gia đình ông Nguyễn Kế Thọ (72 tuổi, trú tại xóm 4, xã Nghi Xá), ít ai có thể ngờ tới đây là chỗ ăn ở, sinh hoạt của cả một gia đình có 3 thế hệ cùng sinh sống suốt nhiều năm qua.
Ngôi nhà hai gian, chỉ rộng khoảng hơn 50m2, tường bốn phía và mái ngói đã mục nát, mọt ăn sâu khiến những thanh xà chống đỡ ngôi nhà bị hư hỏng. Do ngôi nhà có dấu hiệu muốn đổ sập nên gia đình ông phải dùng thanh tre làm cột để chống ngổn ngang trong ngôi nhà.
Gia đình ông Thọ là một trong số 14 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường N5 phải di dời đến khu tái định cư. Thế nhưng, hàng chục năm qua tuyến đường này thi công dang dở khiến gia đình ông Thọ và hàng chục hộ gia đình khác phải sống trong cảnh thấp thỏm âu lo khi nhà xuống cấp nhưng không được sửa chữa, xây mới.
[Phú Thọ: Hơn 10 năm chờ dự án treo, dân mong được ổn định chỗ ở]
Ông Nguyễn Kế Thọ và nhiều hộ dân khác đã “kêu cứu” lên chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng, song chỉ nhận được câu trả lời là chờ nguồn vốn từ Trung ương thì dự án mới tiếp tục được triển khai.
Không thể sống trong cảnh sợ hãi trong căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào thêm được nữa, cuối năm 2019, gia đình ông Thọ đã báo cáo chính quyền địa phương, chụp ảnh hiện trạng ngôi nhà đã xuống cấp không thể ở được nữa và xây nhà mới bên cạnh ngôi nhà cũ, đến nay ngôi nhà đã gần hoàn thiện.
Ông Nguyễn Kế Thọ khẳng định việc xây nhà mới là để ở do nhà đã gần đổ sập, không phải xây dựng nhà mới để chờ đền bù. Hơn chục năm qua các hộ dân đã chấp hành theo đúng chủ trương của Nhà nước khi giữ nguyên hiện trạng, không xây mới, sửa chữa nhà ở do thuộc trong diện giải phóng mặt bằng cho tuyến đường N5.
Nhưng dự án dang dở nhiều năm nay, trong khi nhà cửa đã xuống cấp, mất an toàn, không thể ở được nữa, cuộc sống của người dân bị đảo lộn song chính quyền các cấp vẫn không có phương án giải quyết để ổn định cuộc sống cho người dân khiến người dân rất bức xúc.
Trước đó, năm 2008, người dân xã Nghi Xá nhận được thông báo xây dựng tuyến đường N5 đi qua khu dân cư và 14 hộ dân xóm 4 thuộc trong diện phải chuyển đến khu tái định cư để bàn giao mặt bằng cho dự án.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, sau khi đền bù phần diện tích hoa màu, đo đạc đất, tài sản trên đất để có phương án đền bù cho người dân thì dự án dừng thi công cho đến nay.
Ông Nguyễn Kế Lợi (48 tuổi, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bức xúc cho biết, theo đo đạc, nhà ông đúng giữa tim đường N5 và phải giữ nguyên hiện trạng từ năm 2008.
Trong khi dự án chậm triển khai hơn chục năm nay nên đa số nhà cửa của các hộ gia đình trong diện giải tỏa mặt bằng đã xuống cấp nghiêm trọng, chỗ ở chật hẹp, rất bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, chúng tôi không thể yên tâm để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
“Bên cạnh đó, nhiều hộ con cái đã lớn và có gia đình, nhưng muốn tách thửa để cho con ở riêng cũng không được. Mong muốn lớn nhất của 14 hộ dân xóm 4 là chính quyền các cấp cần có câu trả lời khi nào dự án tiếp tục triển khai, khi nào người dân có thể chuyển đến khu tái định cư để ổn định cuộc sống?” ông Lợi cho biết thêm.
Chờ đợi nguồn vốn từ Trung ương
Dự án xây dựng đường N5 do Ban Quản lý các dự án Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2008 với số vốn giai đoạn 1 là hơn 760 tỷ đồng.
Công trình quy mô dài gần 7km, rộng 56m, tuyến đường thiết kế đi qua các xã: Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Xá và Nghi Hợp của huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
Hiện nay, dự án đã thi công xong 4,3km đoạn qua các xã Nghi Thuận và Nghi Long. Tuy nhiên, cuối năm 2009, dự án thi công đến khu nghĩa trang Đồng Vông, thuộc xã Nghi Xá thì bất ngờ tạm dừng cho đến thời điểm hiện nay.
Ông Phùng Mạnh Hồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghi Xá, cho biết dự án đường N5 qua xã khoảng 3km, hiện đất nông nghiệp, đất mặt nước đã đền bù cho dân.
Tuy nhiên, đất ở và tài sản trên đất của 14 hộ dân xóm 4 chưa đền bù và bị “treo” cùng dự án suốt nhiều năm nay khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Nhiều năm qua, 14 hộ dân đã chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước khi vẫn giữ nguyên hiện trạng nhà ở và tài sản trên đất nhưng do thời gian chậm thi công kéo dài đã khiến nhà cửa của người dân ngày một xuống cấp, nhiều nhà không thể ở được nữa vì nguy cơ đổ sập.
Giải pháp ổn định cuộc sống cho người dân vượt mức thẩm quyền của địa phương, nhiều lần tiếp xúc cử tri, địa phương đã kiến nghị lên cấp trên sớm giải quyết để người dân ổn định cuộc sống, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được tiếp tục triển khai và chưa có phương án đền bù cho người dân để chuyển đến khu tái định cư, ông Phùng Mạnh Hồng cho biết.
Cùng với sự xuống cấp của nhà dân, khu tái định cư để cho người dân chuyển đến cũng đã được bàn giao cho chính quyền xã Nghi Xá, song do nhiều năm chưa sử dụng nên các hạng mục cũng xảy ra tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, việc chậm triển khai dự án cũng ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của địa phương, các tuyến đường liên xã đấu nối với tuyến đường N5 đoạn qua xã Nghi Xá đã xuống cấp, việc đi lại của bà con nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Cảnh Thịnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Khu kinh tế Đông Nam cho biết, nguyên nhân tuyến đường N5 tạm dừng là do chưa có nguồn vốn bố trí từ Trung ương gửi về, đến nay đoạn đường N5 giai đoạn 1 mới chỉ giải ngân được 298/760 tỷ đồng.
Việc 14 hộ dân tại xóm 4 xã Nghi Xá nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng kiến nghị được xây dựng nhà mới, Ban Quản lý các dự án Khu kinh tế Đông Nam đã có văn bản đề nghị chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền và cho phép các hộ dân được cải tạo, sửa chữa nhà để đảm bảo đời sống, an sinh, an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, việc xây mới nhà ở mới sẽ gây ảnh hưởng đến bồi thường giải phóng mặt bằng và kinh phí đầu tư xây dựng dự án cũng như tài sản của người dân sau khi dự án tiếp tục triển khai.
Ban Quản lý các dự án Khu kinh tế Đông Nam đã xây dựng kế hoạch bố trí vốn trung hạn cho dự án là 462 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 2021-2026 và đang trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Hy vọng trong thời gian sớm nhất dự án tuyến đường N5 sẽ đươc tiếp tục triển khai, hoàn thiện nhằm tạo động lực phát triển kinh tế cho tỉnh Nghệ An và ổn định đời sống cho người dân ảnh hưởng từ dự án./.