Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đang là giải pháp tối ưu tỉnh Nghệ An hướng tới để hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Giải pháp này cũng khắc phục tình trạng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, mất cân đối cung-cầu cũng như ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư để giành những vụ mùa bội thu, vừa tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng thị trường.
Liên kết tiêu thụ nông sản
Những ngày này, bà con xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn đang tất bật vào vụ thu hoạch dưa hấu, những chiếc xe tải từ Bắc vào thu mua tạo nên khung cảnh nhộn nhịp. Đầu vụ, giá dưa 6.000 đồng/kg nay rộ vụ thu hoạch, giá dưa tăng thêm 500-700 đồng/kg bán sỉ cho thương lái, còn bán lẻ thì 10.000 đồng/kg.
Các năm trước, đầu mùa giá dưa cao hơn, rộ mùa, nguồn cung nhiều nên giá dưa giảm nhẹ thì năm nay, giá dưa lại tăng, do đó, người dân có lãi khá.
Trồng 1 mẫu dưa hấu sọc và dưa Thái trên đất bãi, gia đình chị Nguyễn Thị Nga, xóm Minh Tân, xã Thượng Tân Lộc lựa những quả dưa chín để cắt bán cho thương lái đã đặt hàng từ trước.
“Mỗi sào thu hoạch khoảng 1,4 tấn dưa, giảm so với năm ngoái, song vẫn được giá. Điều đáng nói, gia đình chị Nga đã liên kết với nhau, cùng ra đồng thu hoạch sản phẩm để xuất bán được số lượng lớn. Thế nên, thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua hết đến đó,” chị Nga vui mừng chia sẻ.
Anh Trần Thế Trung, một thương lái đến từ Hải Phòng thu mua dưa ở xã Thượng Tân Lộc, cho biết: "Mỗi ngày, 2 xe tải của chúng tôi thu mua khoảng 30 tấn dưa cho người dân địa phương. Năm nay, giá dưa tăng khoảng 700-1.200 đồng/kg so với năm ngoái và ổn định từ đầu vụ đến nay. Người dân thu hoạch đến đâu, chúng tôi thu mua đến đó chứ không có tình trạng đọng hàng.”
Hiện nay, ngoài giống dưa hấu vỏ xanh đen truyền thống, người dân huyện Nam Đàn đã đưa vào trồng các giống dưa hấu chất lượng: dưa hấu không hạt, dưa hấu sọc, dưa hấu ruột vàng... đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Năng suất dưa ước đạt khoảng 25 tấn/ha, giảm so với các năm trước.
Song giá dưa vào chính vụ khá ổn định, trung bình, mỗi ha dưa hấu mang lại cho người dân 50-60 triệu đồng tiền lợi nhuận.
Ông Nguyễn Đình Thế, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn, cho biết toàn huyện hiện có gần 300ha dưa hấu, người dân cũng đã có kinh nghiệm trồng rải vụ, đưa các giống mới, chất lượng vào trồng nên thị trường ưa chuộng hơn, dưa không thu hoạch đồng loạt nên áp lực tiêu thụ cũng được kéo giãn.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp tiêu thụ như liên kết nhóm, vận dụng mạng xã hội như zalo, Facebook đang giúp bà con tiêu thụ nông sản mùa hè thuận lợi hơn.
Sau vụ ngô, lạc Xuân, bà con các địa phương như Nghi Lộc, Diễn Châu, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn chuyển sang trồng các loại dưa phục vụ tiêu dùng mùa hè như dưa hấu, dưa lê, dưa bở với diện tích lên tới hơn 1.000 ha; bên cạnh đó số lượng lớn diện tích dưa lưới, dưa kim hoàng hậu được trồng trong các nhà màng cũng được tiêu thụ trong mùa hè này.
Do đó, để tránh ứ đọng sản phẩm, bà con nhiều địa phương đã chia thành nhiều trà, cách nhau 1-2 tuần để sản xuất. Thời điểm này, mận tam hoa - một trong những đặc sản của huyện Kỳ Sơn cũng vào vụ thu hoạch.
Thời gian qua, huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây mận hợp lý, nhằm mục đích tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo những vườn mận đẹp làm sản phẩm OCOP đặc trưng để phục vụ khách du lịch mỗi khi đến với địa phương.
Hiện tại, mận ở huyện Kỳ Sơn được trồng nhiều nhất ở xã Mường Lống, ngoài ra, còn được trồng ở các xã: Tây Sơn, Nậm Cắn, Na Ngoi, với tổng diện tích khoảng 40-45 ha.
Mới đây, huyện Kỳ Sơn đã tổ chức “Ngày hội hái mận” với nhiều hoạt động hấp dẫn như thi hái quả, thưởng thức mận, thi tìm hiểu, giới thiệu kiến thức về quả mận; các hoạt động thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, thi chọi bò…
Tham gia ngày hội, du khách đã được tham quan, trải nghiệm công việc hái quả cùng với người dân và thưởng thức mận tam hoa ngay tại những vườn mận hàng trăm cây.
Đây cũng là cơ hội để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tạo cơ hội hợp tác giữa người trồng mận với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm có giá trị cao từ quả mận, góp phần tạo việc làm cho người lao động và tăng thu nhập cho người nông dân trồng mận huyện Kỳ Sơn.
Đồng thời, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn, cho biết tiếp nối sản phẩm Gừng Kỳ Sơn của Nghệ An là một trong những đặc sản vùng, miền được Tập đoàn Masan lựa chọn để tạo ra sản phẩm nước mắm Nam Ngư ớt gừng Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn đang hướng tới tạo ra sản phẩm có giá trị cao từ quả mận tam hoa.
Vì vậy, huyện cũng kêu gọi các doanh nghiệp, Hợp tác xã liên kết cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân đối với sản phẩm mận tam hoa.”
Hình thành chuỗi giá trị
Vùng trồng dứa hàng hóa ở Nghệ An tập trung chủ yếu ở huyện Quỳnh Lưu với diện tích 1.350 ha đang bước vào mùa thu hoạch đại trà. Vụ dứa năm nay, bà con nông dân ở các xã trồng nhiều dứa ở huyện Quỳnh Lưu rất phấn khởi, vì dứa được mùa, được giá hơn so với nhiều năm trước đây.
Điều đáng nói, hiện bước đầu đã hình thành được một số cánh đồng canh tác theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đạt chuẩn VietGAP.
Tất cả các biện pháp sản xuất thâm canh đều có quy trình thực hiện rõ ràng, đúng quy định, có ghi chép để theo dõi và khi cần có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều đồi dứa, cánh đồng dứa được đầu tư hệ thống tưới nước hiện đại, như tưới phun, tưới nước tự động kết hợp với chăm sóc, bón phân, nên đã có nhiều vùng dứa rất tốt, rất đẹp, sai quả, quả to…
Ông Bùi Xuân Trúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, cho biết bước đầu các xã, hợp tác xã, tổ đội sản xuất trong vùng trồng dứa hàng hóa ở Quỳnh Lưu đã có sự hợp tác liên kết rất chặt chẽ trong sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm với các nhà máy chế biến dứa, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh, hình thành nên chuỗi giá trị.
Đồng thời, các xã, hợp tác xã người sản xuất đã sử dụng khá thành thạo điện thoại thông minh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm dứa quả của địa phương trên các phương tiện thông tin, trang mạng, sàn giao dịch thương mại điện tử… nên đã góp phần tiêu thụ nhanh sản phẩm dứa Quỳnh Lưu hiện nay.
Thực tế cho thấy những mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như sản phẩm dứa trên địa bàn tỉnh Nghệ An không nhiều.
Hiện nhiều mô hình quy mô còn nhỏ, chưa bền vững; vẫn còn tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Do đó, Nghệ An đang có những giải pháp hữu hiệu để mô hình liên kết phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị nông sản.
Để tìm đầu ra cho nông sản, ngành chức năng trong tỉnh đã mời gọi các doanh nghiệp thu mua nông sản, có cam kết tiêu thụ cho nông dân thông qua hợp đồng với giá thỏa thuận, giúp nông dân không bị thương lái ép giá, góp phần tăng nguồn thu nhập và phát triển ổn định, bền vững.
Tỉnh cũng có chủ trương xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu; kêu gọi các công ty, doanh nghiệp và Hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu giúp nông dân đảm bảo đầu ra, tránh tình trạng được mùa-mất giá.
Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An cho biết, để tạo chuỗi giá trị sản phẩm có hiệu quả cao, các đối tượng tham gia chuỗi phải có sự phối hợp đồng đều và chặt chẽ với nhau.
Việc liên kết sẽ trở nên bền vững khi nông dân thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia hợp tác xã, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần hoặc phá vỡ liên kết.
Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, góp phần giảm bớt nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm.
Nghệ An cũng khuyến khích và hỗ trợ bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản; ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển đổi số, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản và phục vụ xuất khẩu; tham gia chuỗi giá trị sản xuất, nghiên cứu xây dựng thương hiệu giúp bà con sản xuất hướng đến thị trường; đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại các cửa hàng thương mại dịch vụ có liên kết với sản xuất gắn với thực hiện chương trình OCOP./.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm kích cầu tiêu thụ nông sản Việt
Nhiều địa phương đang kết hợp giữa thương mại điện tử và truyền thống nhằm phát huy tối đa lợi thế, tăng hiệu quả, giúp nông sản Việt vươn xa.