Nghệ An: Nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt

Tại một số bệnh viện trong tỉnh, nắng nóng khiến số trẻ em và người già nhập viện tăng cao hơn so với những ngày thường. Người nhập viện hầu hết mắc một số bệnh liên quan đến đường hô hấp, đột quỵ...
Nghệ An: Nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt ảnh 1Bãi tắm tự phát hạ nguồn sông Lam đoạn qua địa bàn phường Bến Thủy, thành phố Vinh (Nghệ An) trở thành nơi tắm mát, giải nhiệt cho người dân thành phố Vinh. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Sau nhiều ngày có mưa, nền nhiệt độ xuống thấp, từ ngày 16/5 đến sáng 17/5, nắng nóng gay gắt trên diện rộng đã xuất hiện tại tỉnh Nghệ An.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, ngày 17/5, nhiệt độ tại tỉnh Nghệ An phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Thời tiết nắng nóng gay gắt xuất hiện sẽ gây bất lợi cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Hiện, hồ đập thủy lợi, mực nước xuống thấp, nếu kéo dài sẽ gây thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao tại một số huyện như: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu… do có nhiều khu vực là rừng thông hoặc rừng dễ bắt lửa, gây cháy.

Tại một số bệnh viện trong tỉnh, nắng nóng khiến số trẻ em và người già nhập viện tăng cao hơn so với những ngày thường. Người nhập viện hầu hết mắc một số bệnh liên quan đến đường hô hấp, đột quỵ...

Trước thực tế nắng nóng gay gắt xuất hiện, chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong tỉnh đã có cảnh báo về những bất thường của thời tiết; hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản khi xuất hiện những bất thường của thời tiết.

[Bắc Bộ và Trung Bộ sắp bước vào đợt nắng nóng kéo dài nhất từ đầu năm]

Địa phương đang bước vào thời kỳ dùng nước cao điểm trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của ngành Nông nghiệp và các địa phương, mực nước sông Lam (sông lớn nhất tại Nghệ An) đang xuống thấp.

Một số trạm bơm dự báo không hoạt động được, dẫn đến tình trạng nhiều vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị thiếu nước. Nguy cơ cây trồng giảm năng suất, sản lượng rất lớn.

Để đảm bảo nguồn nước cho các trạm bơm dọc sông Lam hoạt động, Nghệ An đang đề nghị các nhà máy thủy điện vận hành điều tiết, xả nước các hồ chứa thủy điện phù hợp để cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục