Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho quê hương Nghệ An những tình cảm thiêng liêng và sâu nặng.
Trong bức thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An ngày 21/7/1969, Người đã căn dặn “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào, đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc.”
Khắc ghi lời Bác dặn, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã và đang nỗ lực vượt khó, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới
Những cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha nay đã không còn xa lạ với người dân xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An kể từ khi xã có chủ trương chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu, cây trồng vật nuôi.
Một trong những thanh niên trẻ, dám nghĩ, dám làm và đã thành công đó là anh Lê Cảnh Hiểu ở xóm 5. Anh là một trong những người tiên phong, mạnh dạn đầu tư nhà lưới vào sản xuất nông nghiệp sạch và mang lại lợi nhuận gấp 3 so với cách trồng truyền thống.
Chỉ tính riêng thời điểm này, với 1.000m2 trồng dưa lưới, sau khoảng 3 tháng chăm sóc anh đã thu lãi khoảng 60 triệu đồng. Cùng với chuyển dịch cây trồng, người dân Nam Anh cũng đã tiên phong trong chuyển dịch kinh tế.
Từ nghề làm tương truyền thống của gia đình, 10 năm trước, chị Hồ Thị Xuân Hương ở xóm 2 đã mạnh dạn đầu tư sản xuất với quy mô lớn và trở thành hộ có số lượng tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của huyện Nam Đàn với khoảng 400 lít tương/ngày.
Đặc biệt, hiện cơ sở sản xuất tương của gia đình chị đã được công nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa đảm bảo Tiêu chuẩn cơ sở, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và là một trong tám sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện Nam Đàn với hạng 4 sao.
[Sâu lắng cầu truyền hình Hồ Chí Minh, Sáng ngời ý chí Việt Nam]
Hiện Nam Anh là đơn vị dẫn đầu toàn huyện Nam Đàn về xây dựng thành công mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có ba mô hình nhà lưới khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.
Song song với phát triển kinh tế, Nam Anh cũng vận động nhân dân thực hiện xây dựng các thiết chế văn hóa, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Hệ thống trường học, trạm y tế, hệ thống truyền thanh cơ sở cũng đã được quan tâm, đầu tư với 3/3 trường đều có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.
Ông Hồ Viết Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Nam Anh cho biết, trong nhiệm kỳ tới, xã tiếp tục phát huy những thành công và tập trung đổi mới trong quá trình chỉ đạo điều hành để tiếp tục thực hiện tốt cải cách hành chính, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Nam Anh dồn lực vào xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa gắn với du lịch.
Tại huyện Yên Thành, so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, huyện đã về đích nông thôn mới trước một năm, đây là một thành quả nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo gắn với cách làm sáng tạo của cấp ủy các cấp cùng với sự đồng thuận của nhân dân trong thời gian dài.
Từ năm 2012, xã Yên Thành đã chỉ đạo toàn diện về chuyển đổi ruộng đất thành các ô thửa lớn để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cải thiện hệ thống tưới, tiêu trên các cánh đồng; đồng thời tạo điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất xấu và để có quỹ đất công ích nhất định xây dựng các công trình phúc lợi.
Năm 2013, huyện tổng chỉ đạo, phát động phong trào mở rộng đường giao thông nông thôn đến tận từng ngõ xóm với khẩu hiệu: “Mở rộng đường hôm nay là món quà cho tương lai.” Quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Thành cũng đồng thời chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, chỉ đạo các đoàn thể vào cuộc như Hội Liên hiệp phụ nữ với vấn đề đảm bảo môi trường…
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên cho biết huyện luôn coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất và yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách thực chất. Xây dựng nông thôn mới không được để nợ đọng, không làm cho nhân dân nghèo đi vì phải đóng góp quá sức - đó là tâm niệm trong mỗi bước đi của huyện Yên Thành.
Trong cách quản lý đầu tư, điểm được đánh giá sáng tạo của huyện Yên Thành là cho xã làm chủ đầu tư, như vậy, cấp xã sẽ lựa chọn được các công trình phù hợp và có khả năng cân đối các nguồn vốn khác đối ứng để làm. Các chương trình nông thôn mới được đầu tư về cũng không thực hiện dàn trải mà lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm. Đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của huyện Yên Thành được xây dựng, nâng cấp khá hoàn thiện từ giao thông, thủy lợi, điện lưới quốc gia đến hệ thống thiết chế về giáo dục, văn hóa, công sở…
Nằm trong quy hoạch vùng nông nghiệp được tỉnh phê duyệt, huyện Yên Thành đang tập trung đổi mới toàn diện sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất; bên cạnh đó, kết hợp với công tác xuất khẩu lao động, phát triển du lịch… nhằm nâng cao đời sống nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Thành nhận định rằng để xây dựng nông thôn mới nâng cao, bên cạnh giữ vững các tiêu chí hạ tầng, tiếp tục phát triển kinh tế thì nội dung cốt lõi là hình thành lối sống, ý thức công dân của huyện nông thôn mới, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên trong mỗi người dân, mỗi làng xã; gìn giữ, phát huy bản sắc, giá trị cốt lõi, văn hóa vật thể, phi vật thể của Yên Thành lên tầm cao mới.
Xây dựng quê hương theo lời dạy của Bác
Thực hiện những lời căn dặn của Bác, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường… xây dựng quê hương ngày càng phát triển xứng với tiềm năng và lợi thế.
Đến nay, một số chỉ số phát triển của Nghệ An đã đạt tiệm cận khá, tạo cơ sở quan trọng để có thể sớm hoàn thành Di nguyện thiêng liêng của Bác. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức khá cao, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 8,47%, riêng năm 2019 đạt 9,03%; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh hàng năm đạt và vượt so với dự toán được giao, năm 2019 đạt trên 16.300 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân có nhiều khởi sắc, là điểm sáng của cả nước về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 265 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 5 xã thuộc địa bàn huyện nghèo theo Nghị quyết 30a), chiếm 61,4% tổng số xã, cao hơn mức bình quân chung cả nước; có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được quan tâm, nâng cao; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được chú ý toàn diện trên các mặt; tinh thần đoàn kết, dân chủ được lan tỏa rộng rãi; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường, mở rộng, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè trong nước và quốc tế.
Nhiều tháng qua, hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Nghệ An làm theo lời Bác dặn”... tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể. Nhiều đơn vị, địa phương tiếp tục xây dựng và triển khai các công trình, phần việc “làm theo Bác” thiết thực, hiệu quả.
Để nỗ lực vươn lên thành tỉnh “khá” của miền Bắc như Bác hằng mong muốn, trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định: Nghệ An tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng; chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực và đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Cùng với đó, Nghệ An hướng đến phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh; tích cực, chủ động hội nhập, hợp tác, huy động hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh cũng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực phát triển mới.... Đặc biệt, thời gian tới, Nghệ An tập trung tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.