Vào đêm 16/7, khi bão số 2 bắt đầu vào đất liền, Cảng vụ Hàng hải Nghệ An nhận được tin báo ở khu vực neo đậu gần đảo Hòn Ngư có tàu VTP 26 chở than từ Quảng Ninh vào Cửa Lò (Nghệ An) gặp nạn và mất tích.
Ngay khi nhận được tin báo, các lực lượng chức năng của Trung ương và tỉnh Nghệ An đã khẩn trương vào cuộc xác minh thông tin và thực hiện việc cứu nạn cứu hộ. Tuy nhiên, do đêm 16/7 có bão, gió to, mưa lớn, sóng to nên việc triển khai công tác cứu hộ cứu nạn gặp khó khăn.
Thời điểm tàu bị mất tích, trên tàu có 12 thuyền viên và một hành khách. Cho đến sáng 17/7, các cơ quan chức năng vẫn chưa nhận được thông tin và chưa liên lạc được với tàu gặp nạn.
Trước đó, cũng ngày 16/7, do ảnh hưởng của bão số 2, tàu công suất 40 CV chở 7 cán bộ của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ ra đảo Hòn Ngư khắc phục sự cố của Trạm Thủy văn Hòn Ngư, khi trên đường vào bờ thì tàu bị hỏng máy trôi dạt trên biển.
Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã điều tàu cứu hộ ra lai dắt và đưa 7 cán bộ vào bờ an toàn.
Đời sống người dân thành phố Vinh bị báo số 2 làm ảnh hưởng
Theo ghi nhận của phóng viên tại địa bàn, bão số 2 đổ bộ vào tỉnh Nghệ An vào rạng sáng 17/7 khiến hàng trăm cây xanh trên các tuyến đường chính của thành phố Vinh (Nghệ An) bị gãy đổ.
Tại các tuyến đường Lê Mao, Ngư Hải, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Bội Châu... nhiều cây xanh gãy đổ chắn ngang đường khiến giao thông tắc nghẽn.
[Các địa phương cấp bách triển khai phòng, chống cơn bão số 2]
Nhiều ngôi nhà của người dân tại thành phố Vinh bị tốc mái, các tấm panô, ápphích lớn trên một số trục đường cũng bị gió thổi bay.
Theo bà Lê Thị Tâm ở khối 8, phường Trung Đô, thành phố Vinh: “Đây là cơn bão lớn nhất trong 5 năm trở lại đây. Mưa to, gió lớn khiến ngôi nhà và tấm lợp ngoài sân của gia đình bà bị tốc mái."
Do ảnh hưởng của bão, toàn thành phố Vinh và một số huyện như Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc... đã bị mất điện.
Chính quyền và nhân dân chung tay "dọn bão"
Để khắc phục tình trạng do bão gây ra, vào sáng sớm 17/7, các lực lượng chức năng cùng người dân đã khẩn trương thu dọn, chặt đốn những cây bị gãy đổ, tạo thuận lợi cho người dân tham gia giao thông. Người dân cũng thu dọn những vật dụng trong nhà bị cơn bão làm hư hỏng để ổn định cuộc sống.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã tới kiểm tra tại các huyện ven biển của tỉnh và bàn biện pháp khắc phục hậu quả bão số 2.
Trước đó, để chủ động phòng chống bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã tập trung kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm và tìm nơi tránh trú bão an toàn; chú trọng công tác phòng chống lũ ống; tập trung chỉ đạo tiêu úng, bảo vệ diện tích lúa mùa; đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và phòng tránh những sự cố vỡ đập có thể xảy ra.
Đến sáng nay, 17/7, thời tiết Nghệ An mưa đã ngớt, trời tạnh ráo./.