Nghệ An xây 3 vùng kinh tế trọng điểm làm đầu tàu phát triển

Tỉnh Nghệ An có chủ trương xây dựng ba vùng kinh tế trọng điểm trở thành đầu tàu, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển.
Nghệ An xây 3 vùng kinh tế trọng điểm làm đầu tàu phát triển ảnh 1Một góc thành phố Vinh. (Nguồn: vinhcity.gov.vn)

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, tỉnh này có chủ trương xây dựng ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đó sẽ là những vùng làm nhiệm vụ trung tâm, đầu tàu, thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển.

Theo đó, ba vùng kinh tế trọng điểm được xác định là thành phố Vinh-Thị xã Cửa Lò-các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An-Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai-Quỳnh Lưu gắn với Nam Thanh Hóa-Bắc Nghệ An; vùng kinh tế miền Tây Nghệ An, trọng tâm là huyện Nghĩa Đàn-Thị xã Thái Hòa- huyện Quỳ Hợp.

Đến nay, tại các vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh Nghệ An đã xác định được chức năng, vị trí, nhu cầu đầu tư phát triển và đang tập trung thực hiện các quy hoạch được Trung ương và tỉnh phê duyệt.

Để thực hiện thành công mô hình các vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh Nghệ An đang nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến thuê đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ vốn, kỹ thuật... để mời gọi các nhà đầu tư đến thực hiện các dự án trong các vùng kinh tế trọng điểm; khuyến khích các doanh nghiệp và người dân khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung thực hiện tốt các chức năng của Nghệ An đối với vùng Bắc Trung bộ và cả nước; tận dụng các tiềm năng và thế mạnh của các địa phương khác; khai thác thị trường trong vùng tạo hiệu quả cho phát triển vùng , đồng thời phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh tạo liên kết vùng bổ sung cho nhau để phát triển.

Vùng kinh tế trọng điểm Thành phố Vinh-Thị xã Cửa Lò-các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An-Bắc Hà Tĩnh được tỉnh Nghệ An hình thành theo hướng xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo.

Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng và mũi nhọn; xây dựng các khu công nghiệp trong khu kinh tế Đông Nam phát triển đa ngành, đa chức năng , trọng tâm là các ngành công nghiệp điện tử, chế tạo ô tô, máy móc thiết bị công nghiệp công nghệ cao, sản xuất dược phẩm; phát triển các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc trở thành vệ tinh quan trọng kết nối với thành phố Vinh-Cửa Lò.

Vùng kinh tế trọng điểm Hoàng Mai-Quỳnh Lưu gắn với Nam Thanh Hóa-Bắc Nghệ An được hình thành theo hướng p hát triển các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi với các ngành công nghiệp động lực như ximăng, nhiệt điện, luyện thép, cơ khí, hoá chất, vật liệu xây dựng, cảng biển; xây dựng các cơ sở du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, phục vụ các khu công nghiệp và nhân dân các vùng lân cận và phát triển các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản, các vùng chuyên canh rau, các cơ sở đánh bắt, chế biến hải sản.

Vùng kinh tế miền Tây Nghệ An, trọng tâm là huyện Nghĩa Đàn-Thị xã Thái Hòa- huyện Quỳ Hợp sẽ có khu nông nghiệp công nghệ cao Nghĩa Đàn và phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An, với các sản phẩm có lợi thế (kinh tế rừng, cao su, chè, mía đường, chăn nuôi đại gia súc, chế biến thịt, thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản); phát triển các cơ sở khai thác, chế biến thiếc, đá ốp lát, bột đá trắng ở Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.