Nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân: ‘Mẹ gì mà… tệ và ác thế!’

“Sân khấu với mình cũng như con cái trong nhà, cũng có lúc khiến mình mệt mỏi, bực dọc nhưng tuyệt đối không thể buông bỏ được nhau,” nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân chia sẻ.
Diễn xuất ấn tượng của nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân trong phim "Gạo nếp gạo tẻ." (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Không chỉ là một “bà bầu” có “hạng” của sân khấu kịch Thành phố Hồ Chí Minh, Hồng Vân còn là một diễn viên có nghề với lối diễn mà như… không diễn, một gương mặt có uy khi ngồi “ghế nóng” của nhiều chương trình truyền hình thực tế.

“Người ta bảo tôi tham công tiếc việc. Ừ thì cũng đúng! Nhưng nếu không mải miết chạy show, đóng quảng cáo, bươn bả ngược xuôi với các dự án phim… thì lấy gì mà nuôi và giữ sân khấu,” chị chia sẻ.

“Con gái cũng ghét tôi!”

- Vai bà mẹ vợ thực dụng (bà Mai) do chị đảm nhận trong “Gạo nếp gạo tẻ” - bộ phim truyền hình đang gây sốt thời gian gần đây nhận nhiều phản ứng gay gắt từ khán giả. Người xem cho rằng đó là sự “làm quá,” ngoài đời không có người mẹ nào phân biệt đối xử và nói những lời cay nghiệt với con ruột của mình như vậy. Vì ghét nhân vật nên người xem ghét lây sang cả diễn viên. Chị cảm thấy thế nào khi liên tục bị “ném đá” như vậy?

Nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân: Lâu lắm rồi, tôi mới trở lại với phim truyền hình. Nhiều khán giả đã hét lên “bà Mai đáng ghét!” lên khi nhìn thấy tôi. Thậm chí, cô con gái út của tôi còn cau mày, nhăn nhó “Sao mà con ghét mẹ vậy!” khi coi phim; khiến tôi phải đính chính ngay: “Đó là bà Mai chứ con, không phải mẹ!”

Khi vai diễn của mình thu hút được sự chú ý của khán giả, nhất là lại khiến cho người xem cảm thấy bực bội, tức tối, thậm chí “ghét” ra mặt thì là đó là một sự thành công, một niềm vui với một diễn viên.

Chuyện phim xoay quanh gia đình bà Mai (do tôi thủ vai) với những mâu thuẫn trong các mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu, chị dâu-em chồng, bi kịch đến từ sự thiên vị trong cách đối xử với “con cưng” và “con ghẻ,” lối sống trọng giàu khinh nghèo…

Ban đầu, chính tôi cũng tranh cãi rất gay gắt với đạo diễn và biên kịch khi xây dựng nhân vật bà Mai tệ như vậy. Tuy nhiên, đạo diễn thuyết phục tôi rằng, phải đẩy mâu thuẫn lên cao trào như thế thì những diễn biến, sự chuyển đổi tâm lý nhân vật về sau mới hợp lý. Hơn nữa, nếu không làm vậy thì các nhân vật sẽ không có màu sắc rõ rệt. Khi tính cách nhân vật mà cứ nhợt nhạt, lờ nhờ na ná nhau thì phim sẽ rất chán!

Nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân bảo, bà Mai trong "Gạo nếp, gạo tẻ" là một bà mẹ vừa đáng giận vừa đáng thương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

- Bản thân chị cảm thấy thế nào về chân dung một người mẹ như vậy?

Nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân: Thực ra, với một người mẹ như bà Mai, là người ngoài cuộc quan sát, ta sẽ thấy vừa giận vừa thương.

Về làm dâu, bà vừa phải phụng dưỡng mẹ chồng, vừa chăm lo bốn đứa con và “nuôi báo cô” người em chồng không có việc làm, hàng ngày chỉ biết rong chơi. Cuộc sống của bà cứ quẩn quanh, ngày ngày mở mắt ra chỉ toàn thấy cây chổi lau nhà, thau giặt quần áo… Gánh nặng kinh tế và hàng núi việc nhà cứ đổ dồn lên vai người phụ nữ ấy từ ngày này qua tháng khác. Bởi vậy, bà luôn mong có một cuộc sống vật chất đủ đầy, sung túc hơn. Đó cũng là lẽ thường tình, dễ thông cảm.

Bà tỏ thái độ yêu-ghét ra mặt giữa hai cô con gái chỉ vì, khi sinh người con gái đầu lòng (nhân vật Hương), bà bị mẹ chồng hắt hủi vì “không biết sinh con trai.”Rồi khi lớn lên, do “trót dại” mang thai trước khi cưới nên Hương tiếp tục bị bà Mai coi là nỗi nhục của gia đình.

[Giải mã cơn sốt phim ‘Gạo nếp, gạo tẻ’ của cộng đồng mạng]

Sau khi sinh cô con gái thứ hai (nhân vật Hân), bà vô tình trúng sổ xố, có một món tiền để sửa sang lại căn nhà. Nhờ đó, mẹ chồng bớt hắt hủi bà. Đến tuổi trưởng thành, sau khi kết hôn với một doanh nhân, Hân có nhiều điều kiện giúp đỡ mẹ về vật chất. Bởi vậy, bà Mai luôn coi cô con gái này là người mang lại sự may mắn cho cuộc đời mình và rất mực cưng chiều.

Chính tôi cũng cảm thấy không thể chấp nhận được khi xem lại những tập cho thấy việc “quay ngoắt 180 độ” trong cách đối xử với con rể của nhân vật này. Khi còn là chủ doanh nghiệp, Kiệt (chồng của Hân) luôn được bà Mai chào đón niềm nở. Thế nhưng, khi rơi vào tình trạng phá sản, Kiệt ngay lập tức bị mẹ vợ mắng nhiếc và tỏ thái độ coi thường.

Thế nhưng, ở một góc độ khác, bà ấy là người rất yêu chồng, thương con, luôn hết lòng vì gia đình. Bà tiết kiệm tối đa những chi tiêu cá nhân, đến mức thèm một chiếc bánh giò nhưng cũng không dám ăn. Khi bị chồng mắng là người thực dụng, lúc nào cũng chỉ biết nghĩ đến tiền, khiến ông ta cảm thấy xấu hổ, bà đã bật khóc nức nở như một đứa trẻ, rơi vào trạng thái chán chường kéo dài…

Nghệ sỹ Hồng Vân trên ghế nóng "Sao nối ngôi nhí." (Ảnh" Nhân vật cung cấp)

- Liệu có điểm nào tương đồng giữa nghệ sỹ Hồng Vân và nhân vật ấy không?

Nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân: Chúng tôi đều là… phụ nữ! (cười lớn).

Là người vợ, người mẹ, tôi cũng luôn muốn gia đình được vẹn tròn, sung túc, ấm êm, con cái hạnh phúc. Thế nhưng, tôi không cho phép có những lối cư xử, suy nghĩ như bà Mai. Với ba cô con gái, tôi chẳng yêu hay chiều chuộng cô nào hơn cô nào.

Mệt nhoài vì cứ phải quát tháo om sòm!

- Lâu rồi mới trở lại với phim truyền hình nhưng lại vào vai một nhân vật có diễn biến tâm lý phức tạp như vậy, chị cảm thấy thế nào?

Nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân: Mệt và tốn sức quá trời luôn ấy chứ! Ở chặng đầu của phim, khi bà Mai còn ở thế thượng phong, lúc nào tôi cũng phải hò hét, quát tháo om sòm, để tỏ rõ sức mạnh, uy phong của một “nội tướng” trong gia đình.

Về sau, khi gia đình bà Mai gặp nhiều biến cố, xáo trộn tôi lại phải diễn cảnh khóc nhiều. Nhiều hôm, ghi hình xong mà hai mí mắt tôi sưng húp lên!

Hơn nữa, thời gian quay “Gạo nếp gạo tẻ” kéo dài tới hơn một năm. Trong thời gian ấy, tôi còn tham gia đóng phim điện ảnh “Cô Ba Sài Gòn,” sản xuất phim “Xóm trọ 3D” và cũng không được phép lơ là hai sân khấu kịch (Phú Nhuận và Superbowl)… Nhiều lúc, tôi cũng thấy mệt nhoài, như muốn đổ gục luôn!

- Vậy có khi nào chị nghĩ đến việc sẽ buông bỏ bớt trách nhiệm,không làm “bà bầu” hay giữ vai trò sản xuất,chỉ tập trung vào việc diễn xuất không? Bởi khi ấy, chị vẫn được sống với đam mê nghệ thật mà không phải quá tốn sức.

Nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân: Nếu chỉ nghĩ cho riêng mình thì tôi đã buông từ lâu. Gốc của tôi là sân khấu và dù đi đâu, làm gì, tôi cũng sẽ không bao giờ từ bỏ mảnh đất ấy.

Thú thực, tôi đi đóng phim, quay quảng cáo hay làm giám khảo… cốt cũng chỉ để giữ sân khấu. Tôi cười nói hi hi, ha ha, khóc lóc, quát tháo… đủ sắc thái trên sàn diễn hay trước ống kính máy quay, nhưng cứ hễ vào tới cánh gà, hậu trường là lập tức đầu óc phải “vận động” theo hướng khác ngay, tính toán, cân đối đủ thứ: nào tiền thuê rạp, tiền điện, tiền nước, tiền thù lao diễn viên… Trăm dâu đổ đầu tằm, nhưng tôi vẫn muốn là con tằm ấy.

Việc tạo dựng sân khấu, rạp hát đã khó. Việc duy trì, gìn giữ và phát triển còn khó hơn. Nếu chỉ vì lợi ích kinh tế, nói buông là buông thõng luôn một cách nhẹ tênh, không mảy may hối tiếc… thì tôi không làm được. Sân khấu là tâm huyết, sức lực bao năm của tôi và các thế hệ diễn viên. Nó như con cái mình, cũng có lúc khiến mình mệt mỏi, bực dọc nhưng không thể buông bỏ nhau.

Nghệ sỹ Hồng Vân (trái) trong "Cô Ba Sài Gòn." (Ảnh: Đoàn làm phim)

Sau thời kỳ huy hoàng, sân khấu miền Nam nói chung cũng đang có bước thoái trào. Các bầu show phải tính toán, bù lỗ nhiều lắm. Tôi sợ rằng, bây giờ, trong lúc khó khăn chung, nếu một nơi nghỉ thì sẽ tạo ra hiệu ứng domino, tất cả đồng loạt đóng cửa. Trời ơi, vậy thì sân khấu thành phố sẽ đi về đâu?

Bởi thế, còn gắng gượng được đến lúc nào thì tôi sẽ gắng hết sức. Tôi tin, ông trời sẽ không phụ lòng người! Tất nhiên, đến lúc khó quá, không thể cân đối, không thể bù lỗ, gồng gánh nhau được nữa thì tôi sẽ tính…

- Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục