Nghệ thuật đương đại phương Tây qua triển lãm “Hội họa mới từ Đức”

Triển lãm trưng bày những tác phẩm thể hiện phong thái và cách nhìn riêng biệt về nghệ thuật đương đại đồng thời đề cập đến lịch sử nghệ thuật theo những cách khác nhau của 6 họa sỹ trẻ người Đức.
Tác phẩm của Uwe Henneken. (Ảnh: BTC)

Các tác phẩm chọn lọc của thế hệ các nghệ sỹ trẻ Đức sẽ được quy tụ và giới thiệu đến công chúng thủ đô Hà Nội trong không gian triển lãm “Hội họa mới từ Đức,” khai mạc vào 17 giờ ngày 14/05 và trưng bày tới hết ngày 31/05, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học.

Trước khi đến Việt Nam, triển lãm này đã được trưng bày tại Viện Goethe Hong Kong đầu tháng Tư vừa qua.

Trong tác phẩm của mình, sáu nghệ sỹ, sáu gương mặt có tên tuổi trong giới hội họa quốc tế, đã thể hiện phong thái và cách nhìn riêng biệt về nghệ thuật đương đại đồng thời đề cập đến lịch sử nghệ thuật theo những cách khác nhau, và tạo ra những thành quả khác nhau: từ các bức tranh biểu hình khổ lớn và các hình khối kiến trúc cho tới những miếng ghép cỡ nhỏ bằng gỗ cắt từ tủ.

Christoph Ruckhäberle (sinh năm 1972) được xem như đại diện của “trường phái Leipzig mới” nên tác phẩm của anh hầu hết đều biểu hình với các yếu tố trừu tượng và vô cùng rực rỡ. Trong khi đó, các bức tranh của Stefanie Gutheil (sinh năm 1980) lại đưa sự biểu hiện vào một thế giới nội tâm huyền ảo. Cô đã gợi nhớ về Chủ nghĩa Biểu hiện Đức truyền thống trong một số tác phẩm.

Florian Meisenberg (sinh năm 1980) vẽ những vật thể không trọng lượng trên những tấm toan hình lá cờ vẫn thường được treo trên tường hoặc giăng trên các gờ mái, sau cùng đảo lộn hình tượng của chúng. Còn Uwe Henneken (sinh năm 1974) pha trộn các môtíp tranh lãng mạn cổ điển với các yếu tố của “văn hóa rác.”

Tác phẩm của Stefanie Gutheil. (Ảnh: BTC)

Cũng sinh năm 1980, Sebastian Neeb chọn dùng nhiều chất liệu khác nhau để vẽ, chụp ảnh và cấu trúc vật thể. Anh trích dẫn những môtíp nổi tiếng của lịch sử nghệ thuật, dùng các bức hình cá nhân, từ đó phát triển những sự kiện và các mối liên hệ mới. Tranh trừu tượng và đồ họa là trọng tâm của Tanja Rochelmeyer (sinh năm 1975) lại thể hiện những bố cục hình học nghiêm ngặt được làm trên máy tính trước khi cô đưa chúng lên toan.

Giám tuyển cho triển lãm này là nhà sử học nghệ thuật Marc Wellmann, Giám đốc Nghệ thuật của Haus am Lützowplatz (HaL) ở Berlin. Ban tổ chức cho biết, ông cũng sẽ có mặt trong buổi khai mạc và giao lưu với khán giả Việt Nam.

Triển lãm nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Đức và Việt Nam, do Viện Goethe phối hợp với Hiệp hội nghệ thuật Haus am Lützowplatz (HaL) tại Berlin và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục