Hát Aday là một trong các loại hình hát múa dân gian độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Tỉnh Hậu Giang đã và đang thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này, góp phần lưu giữ, phát triển nét văn hóa của đồng bào Khmer, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.
Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer
Chúng tôi đến chùa Pô Thi Vong Sa (ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ)-điểm sinh hoạt của Câu lạc bộ hát Aday ấp 4, xã Xà Phiên vào lúc Câu lạc bộ đang tổ chức sinh hoạt định kỳ.
Những lời hát, điệu múa hòa cùng các loại nhạc cụ dân tộc tạo nên giai điệu độc đáo của đồng bào Khmer, phần nào cho thấy nét đặc sắc của nghệ thuật hát Aday.
Hát Aday là nghệ thuật trình diễn dân gian tổng hợp, theo lối hát “nói” giữa hai bên trai và gái với nội dung hát giao duyên, ca ngợi quê hương, cảnh vật, cầu mong sự an lành, hạnh phúc cho cộng đồng, gia đình.
Loại hình nghệ thuật này được truyền vào tỉnh Hậu Giang cùng với công cuộc khai hoang mở đất, lập phum, sóc của đồng bào Khmer. Đặc biệt, loại hình nghệ thuật này được trình diễn trong dịp lễ hội như Tết Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta, lễ hội Ok Om Bok, dần dần hát góp vui trong các nghi lễ gia đình.
Theo thời gian, loại hình nghệ thuật này có nguy cơ mai một trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Do đó, tỉnh đã xây dựng, triển khai Đề án “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016-2020.”
Theo Đề án, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ được chọn là địa bàn để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung, văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer nói riêng.
[Công bố nghệ thuật hát Aday là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia]
Anh Danh Sóc Khương, thành viên Câu lạc bộ hát Aday ấp 4, xã Xà Phiên cho biết, Câu lạc bộ thường tổ chức sinh hoạt vào các dịp lễ của bà con Khmer tại địa phương. Những lúc rảnh rỗi, các thành viên tập trung lại hát với nhau, vừa tạo sân chơi vừa để luyện tập kỹ năng biểu diễn. Nhờ đó, bản sắc dân tộc và tính đoàn kết của đồng bào Khmer được duy trì.
Từ năm 2018, tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghệ thuật hát Aday tại Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh và tại chùa Bhodhivanavansa (ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ).
Mỗi lớp tập huấn có khoảng 50 học viên, là học sinh và người Khmer biết múa hát, mong muốn hiểu sâu hơn về nghệ thuật Aday của dân tộc mình để biểu diễn, truyền nghề.
Là người có hàng chục năm công tác tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc Khmer Cà Mau, Bạc Liêu và nhiều lần đến Hậu Giang truyền dạy nghệ thuật hát Aday, nghệ sỹ Thạch Si Phol chia sẻ,Hậu Giang tuy không có nhiều đồng bào Khmer sinh sống như một số tỉnh khác trong khu vực nhưng sự quan tâm để bảo tồn loại hình nghệ thuật hát Aday của tỉnh là điều đáng trân trọng.
Địa phương đã có những cách bảo tồn và phát huy rất hay, do đó, cần có sự đầu tư chuyên sâu, nhất là để Aday được biểu diễn trên sân khấu nhiều hơn.
Giữ gìn, phát huy nghệ thuật hát Aday
Với giá trị tiêu biểu về âm nhạc, múa dân gian, góp phần tạo nên cầu nối bền chặt trong cộng đồng đồng bào Khmer, hát Aday của người Khmer (xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ) được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1676/QĐ-BVHTTDL ngày 26/5/2021.
Ông Phan Hoàng Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, cho biết trên địa bàn xã có 1.097 hộ Khmer với 4.914 khẩu, chiếm trên 31% tổng số hộ dân của xã, đồng bào Khmer sống tập trung ở ấp 4 và ấp 5.
Có thể nói, Đề án “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016-2020” đã giúp giữ gìn nét văn hóa đặc sắc, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào thêm đa dạng, phong phú.
Sau khi hát Aday được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xã được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng hai sân khấu phục vụ giao lưu văn hóa, văn nghệ và biểu diễn ở chùa ấp 4, ấp 5.
Bên cạnh đó tiếp tục củng cố, phát triển thành viên, hỗ trợ nhạc cụ cho Câu lạc bộ hát Aday hoạt động hiệu quả và lựa chọn người có kinh nghiệm trong Câu lạc bộ để mở lớp đào tạo hát Aday tại địa phương, chú ý đào tạo loại hình này cho thế hệ trẻ.
Ông Danh Kỳ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Aday ấp 4, xã Xà Phiên, chia sẻ lúc đầu ông cũng biết múa, hát Aday nhưng không rành lắm. Khi thấy mở lớp tập huấn hát Aday, ông đăng ký ngay. Qua học tập, ông càng hiểu sâu hơn về loại hình nghệ thuật này.
Tuy nhiên, Câu lạc bộ đang thiếu nhạc cụ, trang phục biểu diễn, sân khấu đang xây dựng nên không thu hút nhiều bà con tham gia. Thực tế, số người biết đến nghệ thuật hát Aday còn khiêm tốn nên ông mong muốn địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư về nhạc cụ, mở lớp dạy đàn và hát Aday cho bà con.
Ngoài ra, địa phương tổ chức giao lưu giữa các xã, huyện với nhau để tuyển chọn người có thể biểu diễn thuần thục, giao lưu với tỉnh bạn.
Theo ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, thực hiện Đề án “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016-2020,” Sở đã tổ chức lớp tập huấn hát Aday từ cơ bản đến nâng cao cho học sinh, người Khmer, tập trung đầu tư nhạc cụ... Qua đó, làm cho nhiều người Khmer biết thêm về loại hình này.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết sắp tới, Sở lập kế hoạch phối hợp cùng cơ quan chuyên môn, địa phương xây dựng và củng cố các Câu lạc bộ hát Aday ở những xã có đông đồng bào Khmer.
Trước mắt, Sở vận động xây dựng các câu lạc bộ ở 15 ngôi chùa Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở tiếp tục mở lớp tập huấn về nghệ thuật hát Aday, tổ chức cho các câu lạc bộ giao lưu thường xuyên, tạo sân chơi lành mạnh, phát hiện nhân tố mới cũng như tạo nguồn xây dựng những tiết mục tham gia ngày hội dành cho người Khmer ở địa phương cũng như khu vực, toàn quốc./.