Ngay khi có thông tin các nhà hát được mở cửa trở lại trên địa bàn Hà Nội, chị Đặng Ngân Hà sốt sắng theo dõi lịch biểu diễn để tìm mua vé xem kịch. Mẹ của chị Hà năm nay 70 tuổi và rất thích xem kịch. Vậy là sau hơn 9 tháng, nay mẹ con chị mới lại được đến với bộ môn nghệ thuật yêu thích.
Khán giả, nghệ sỹ hào hứng
Chị Đặng Ngân Hà chọn vở kịch “Làm vua” của Sân khấu Lệ Ngọc, do đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng, một tác phẩm hài hoà giữa lịch sử oai hùng của triều đình nhà Đinh và chuyện tình Đinh Tiên Hoàng-Hoàng hậu Dương Vân Nga-Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.
Giai đoạn sân khấu đóng cửa, chị Hà có theo dõi chương trình nhà hát online song chị khẳng định không gì có thể thay thế được cảm giác hào hứng khi được xem các nghệ sỹ biểu diễn trực tiếp.
“Ngồi ở hàng ghế khán giả, tôi có thể nghe thấy cả tiếng thở dài của người nghệ sỹ khi thể hiện nội tâm nhân vật. Từ đó, tôi được trải nghiệm vở diễn một cách trọn vẹn. Thưởng thức nghệ thuật ngay tại nhà hát là điều tuyệt vời nhất đối với cả nghệ sỹ và khán giả,” chị Hà chia sẻ.
Quả đúng là như vậy. Chủ trương mở cửa nhà hát là một tin vui đối với các nghệ sỹ ngành nghệ thuật biểu diễn.
Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc cho hay các diễn viên trong đoàn đều hết sức hân hoan, phấn khởi. Sân khấu Lệ Ngọc cũng là một trong những đơn vị nhanh chóng tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả ngay khi chủ trương được ban hành.
Trong năm 2021, đơn vị này đã linh hoạt ứng biến theo tình hình dịch bệnh để hoàn thành 3 vở kịch: “Làm vua,” “Nước mắt của mẹ” và “Herostratus-Vụ án người đốt đền.” Sẵn “của để dành,” Sân khấu Lệ Ngọc liên tục tổ chức nhiều suất diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ 21-25/2 và 14-24/3 tại Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đơn vị sẽ ra mắt vở “Vang bóng một thời” vào tối 1/3.
“Chúng tôi nhận được rất nhiều lời nhắn từ khán giả hỏi về lịch diễn chính thức. Họ chia sẻ tình yêu với kịch Lệ Ngọc và sự mong mỏi được đến nhà hát xem kịch. Đó là niềm vui và nguồn động viên vô hạn đối với cá nhân tôi và các nghệ sỹ của đơn vị,” Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc chia sẻ.
[Hà Nội sẽ mở cửa trở lại các rạp chiếu phim, nhà hát từ ngày 10/2]
Chị bật mí thêm rằng chỉ trong vòng một tuần mở bán, khán giả đã mua hết vé của 5 buổi diễn tại Hà Nội.
Cùng hòa chung dòng chảy của nghệ thuật sân khấu, thượng tá, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thị Thuý Hiền, Giám đốc Nhà hát Công an Nhân dân cho biết các nghệ sỹ của nhà hát vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng cho các hoạt động biểu diễn phục vụ các đơn vị, địa phương. Ngay từ đầu năm, nhà hát đã triển khai dàn dựng vở “Trả giá” của tác giả Nguyễn Đăng Chương. Đây cũng là vở diễn đặc biệt phục vụ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2022).
Những đơn vị khác cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày sân khấu sáng đèn. Theo kế hoạch, Nhà hát Múa rối Thăng Long sẽ duy trì biểu diễn rối nước truyền thống phục vụ khán giả vào các tối thứ 7 hàng tuần. Đến với Nhà hát Tuổi trẻ, khán giả sẽ được thưởng thức các vở diễn đã gây được tiếng vang như “Ông không phải là bố tôi,” “Ngược chiều gió,” “Trại hoa vàng,” “Cuộc chiến virus,” hài kịch mới “Cái ao làng” (ra mắt ngày 26/2), nhạc kịch “Sóng” (ra mắt tháng 3)...
Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ gửi tới khán giả vở hài kịch đặc sắc “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” diễn liên tiếp từ 4-8/3 tại sân khấu số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.
Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết dù thời gian qua dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng các nghệ sỹ vẫn không ngừng tập luyện vở bằng những cách khác nhau và luôn sẵn sàng chuẩn bị cho ngày sân khấu sáng đèn.
Còn đó nhiều nỗi lo
Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho hay bên cạnh niềm vui thì các nhà hát cũng đang đối mặt với nhiều nỗi lo khi mở cửa sân khấu trở lại.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, anh bày tỏ sự lo lắng vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, trong đoàn có nhiều nghệ sỹ đang là F0, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch luyện tập và biểu diễn.
“Không chỉ nghệ sỹ lo ngại tình hình dịch bệnh mà khán giả cũng còn tâm lý e dè, ngại chỗ đông người. Dù họ rất muốn đến nhà hát thưởng thức nghệ thuật, song họ cũng băn khoăn về nguy cơ lây nhiễm. Các nhà hát cần phải đảm bảo an toàn 5K thì mới tạo được tâm lý yên tâm cho khán giả,” nghệ sỹ chia sẻ.
Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng trăn trở rằng người dân cũng còn nhiều nỗi lo về kinh tế, đời sống, việc con em họ đến trường có an toàn không. Sau khi những tâm tư đó được giải tỏa thì họ mới nghĩ đến việc thưởng thức nghệ thuật.
“Hai năm vừa qua, dịch bệnh ảnh hưởng quá nhiều đến mọi ngành nghề, đời sống người dân trở nên khó khăn nên có thể nhiều người chưa sẵn sàng dành ra một khoản chi phí cho việc đi xem nghệ thuật. Đây là nỗi lo chung của các đơn vị kể từ khi dịch bệnh bùng phát chứ không chỉ ở thời điểm này,” nghệ sỹ Tiến Dũng nhận định.
Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ mở cửa trở lại vào tháng 3 để có sự chuẩn bị tốt nhất cho các buổi biểu diễn. Nhà hát đã xây dựng chương trình “Cùng trải nghiệm với nghệ thuật múa rối nước truyền thống” nhằm đưa bộ môn nghệ thuật đặc sắc này đến với trường học. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã dàn dựng chương trình “Múa rối du Xuân với 5K,” lồng ghép các trò múa rối với thông điệp phòng, chống dịch COVID-19 hướng tới đối tượng khán giả trẻ…
Tháng 3 cũng là thời điểm Việt Nam sẽ đón du khách quốc tế. Do đó, nhà hát đã kết nối với nhiều doanh nghiệp lữ hành để thiết kế chương trình phục vụ khán giả nước ngoài.
Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng mong cơ quan Nhà nước tiếp tục chỉ đạo, định hướng, giúp các nhà hát giảm áp lực về kinh tế trong bối cảnh nỗi lo giá xét nghiệm COVID-19 cho khán giả có thể “đội” giá vé lên cao.
Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng chia sẻ những nỗi lo lắng như trên. Anh cho biết vở ca kịch-xiếc “Thượng Thiên Thánh Mẫu” do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp dàn dựng đã ra mắt công chúng trong 3 đêm diễn vào ngày 6, 7, 8 Tết. Để đảm bảo giãn cách, Rạp Xiếc Trung ương chỉ đón 700 khán giả trên tổng số 1.300 ghế ngồi. Các khán giả đều được test nhanh COVID-19 trước khi vào rạp, chi phí này do doanh nghiệp tài trợ cho liên đoàn.
“Các đơn vị nghệ thuật đều gặp rất nhiều khó khăn trong hai năm vừa qua. Nay, muốn biểu diễn trở lại mà đảm bảo an toàn cho khán giả thì cần thực hiện các biện pháp phòng dịch như cung cấp nước rửa tay, khẩu trang và tiến hành test nhanh COVID-19, chi phí này trở thành một gánh nặng với các nhà hát,” Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng chia sẻ./.