Múa cổ và cuộc sống hiện đại, mới nhắc đến đã thấy có sự mong manh, dễ bị tổn thương cho loại hình nghệ thuật truyền thống, vốn là một phần của hồn cốt Thăng Long xưa.
Để tồn tại đến ngày nay, bản thân các điệu múa cổ phải có sức sống lâu bền (thường gắn với sinh hoạt văn hóa tâm linh) và cộng đồng cùng chung tay gìn giữ. Tuy vậy, trong dòng chảy hiện đại, múa cổ Hà Nội khó tránh khỏi tác động của cuộc sống, việc bảo tồn và phát huy giá trị cần sự hợp sức của cả cộng đồng lẫn các cơ quan chức năng.
Nỗi lo trong niềm tự hào
Từ xa xưa, trong các cộng đồng xã, phường ở Hà Nội tồn tại nhiều điệu múa cổ đặc sắc gắn liền với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhất là trong các lễ hội. Tuy vậy, sau một thời gian dài chịu những tác động của yếu tố khách quan và chủ quan, nhiều điệu múa cổ bị mai một.
Dành công sức đáng kể làm hồi sinh và phát huy các điệu múa cổ Thăng Long chính là đề án Phục hồi múa cổ truyền Thăng Long – Hà Nội do Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội thực hiện.
Đến nay, người ta có thể tự hào nhắc tới các điệu múa cổ Hà Nội đang ngày càng phát huy như: Múa Trống bồng và Chạy cờ ở làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì); múa Giảo long làng Lệ Mật và múa Rắn lột làng Trường Lâm, múa Lục cúng chùa Đào Xuyên (quận Long Biên); múa Trống, múa Sênh tiền làng Nhật Tân (quận Tây Hồ); múa Tứ linh làng Lỗ Khê (huyện Đông Anh)…
Mỗi dịp hội làng, các điệu múa cổ là một trong các nghi lễ quan trọng của lễ hội, tăng thêm phần trang nghiêm của sinh hoạt tín ngưỡng, tạo sự vui tươi, phấn khích trong nhân dân.
Cũng do nhiều điệu múa cổ bị mai một quá lâu nên trong quá trình phục dựng không tránh khỏi việc không chuẩn khớp với nguyên bản. Điều đó cũng dễ hiểu bởi các điệu múa cổ được khôi phục theo trí nhớ của những người cao tuổi, có chi tiết họ nhớ, có chi tiết bị quên. Đó là chưa kể trang phục cho người tham gia múa rất khó để thiết kế đúng kiểu truyền thống.
Điệu múa Bài bông, xã Quang Trung (huyện Phú Xuyên) là một ví dụ cụ thể. Quy định về cấp độ sử dụng diễn viên theo mô hình quản lý của triều đình thời xưa, từ cấp quốc gia tại cung đình, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Như vậy, diễn viên múa ở cấp xã chỉ có 8 người, thậm chí chỉ 4 người nếu ở các tư gia quan lại địa phương.
Nhưng tại xã Quang Trung, đội hình múa có 22 diễn viên và được giải thích, số người vận động ra tập là 20 diễn viên múa và 2 người hát. Khi biểu diễn, số người này chia làm hai hàng. Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Thắng, dù ở đâu, khi ra biểu diễn trước công chúng, nhất định phải tuân thủ những gì mà tiền bối đã quy định, không được tùy tiện thêm bớt, như thế mới trung thành với ngọn nguồn của múa Bài bông.
Bên cạnh đó, người ta vẫn đang lo nhiều về sức sống của các điệu múa cổ Hà Nội, đang chịu tác động của nhiều yếu tố. Dù tại các làng xã, người dân đang tự hào, gìn giữ các điệu múa cổ song đa phần là những người lớn tuổi, lớp trẻ rất ít tham gia.
Nhiều nơi bằng cách này, cách khác vận động thanh niên tham gia, nhưng số lượng cũng không nhiều. Người tham gia trình diễn đã vậy, còn việc quán xuyến, duy trì, phát huy chỉ có thể là người lớn tuổi. Trong khi đó, những người nắm giữ di sản đa phần đã cao tuổi.
Ông Âu Xuân Kiên, Trưởng ban di tích đình Trường Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên, người dành trọn nhiệt huyết với điệu múa Rắn lột trong lễ hội làng chia sẻ, các bậc tiền nhân khai sáng ra di sản quý thì thế hệ như ông phải có công gìn giữ.
[Múa lân - nét văn hóa đặc sắc dịp Tết của người Việt Nam]
Nhưng ông lo lắng bởi tuổi ông đã cao, những người sau này có đủ đam mê và trách nhiệm để duy trì tốt nghi lễ múa cổ hay không? Vận động thanh niên tham gia trình diễn múa trong dịp hội làng có thể được, nhưng tìm người quán xuyến việc chung cũng không dễ.
Mặt khác, không gian diễn xướng của múa cổ đang dần bị thay đổi do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, sự hỗ trợ của địa phương và các cơ quan chức năng cho việc bảo tồn, phát huy múa cổ chưa tương xứng, khiến múa cổ Hà Nội chưa lan tỏa mạnh trong đời sống tinh thần của người dân.
Nuôi dưỡng và phát huy múa cổ
Hiếm có địa phương nào ở vùng đồng bằng Bắc Bộ còn bảo lưu được nhiều hình thức múa dân gian cổ truyền như Hà Nội. Đó là sản phẩm sáng tạo của quá khứ, mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện thế giới quan của con người; đặc biệt là những quan niệm trong đời sống tâm linh.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh, những gì chúng ta đang mục kích là tinh hoa được sàng lọc qua tiến trình lịch sử, được tồn tại đến ngày hôm nay. Chính vì thế, chúng ta cần tôn trọng và tôn vinh những giá trị của múa cổ.
Sau những nỗ lực của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội trong sưu tầm, tổng hợp, lý giải nghệ thuật múa cổ và bước đầu đã hệ thống được những giá trị nghệ thuật, giá trị truyền thống với ý nghĩa văn hóa và xã hội, tổ chức này còn phục dựng rất nhiều điệu múa cổ, số hóa được 8 điệu múa tiêu biểu, để làm tư liệu giảng dạy, lưu truyền và quảng bá di sản.
Nhưng với rất nhiều điệu múa cổ trên toàn địa bàn thành phố, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội không thể lúc nào cũng đồng hành với cộng đồng làng xã để nuôi dưỡng, phát huy. Điều cốt yếu, chính cộng đồng phải gìn giữ, nuôi dưỡng và phát huy. Thực tế, thời gian qua, nhiều cộng đồng làm rất tốt điều này nhưng để các giá trị múa cổ lan tỏa xa hơn, hay với các cộng đồng khác chưa gìn giữ, phát huy tốt thì rất cần sự hợp sức của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị quản lý văn hóa.
Theo Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Quốc Minh, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội, thành phố cần lập kế hoạch thống kê toàn bộ, tiến tới lập di sản múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội; tổ chức nghiên cứu chuyên sâu các thư tịch, điển tích, văn bia cùng các nguồn sử liệu có liên quan làm cơ sở khoa học cho quá trình nghiên cứu, sưu tầm.
Cũng theo ông, các cơ quan chức năng cần xây dựng đề án liên kết với địa phương, nơi nghệ nhân, cộng đồng dân cư, nơi đang bảo tồn, lưu giữ di sản múa cổ Thăng Long; đồng thời thống nhất các phương pháp bảo tồn và phát huy di sản múa cổ Thăng Long, tham gia trực tiếp cùng các nghệ nhân, cộng đồng trong quá trình thực hiện phương pháp bảo tồn “sống.”
Còn Thạc sĩ Thanh Hoa cho rằng, bên cạnh việc sưu tầm và phục dựng múa cổ, thành phố cũng tính đến phương thức tuyên truyền, vận động, giới thiệu để các bạn trẻ hiểu và yêu múa cổ, bước đầu gây dựng cho họ ý thức học hỏi, tiếp nhận các điệu múa cổ của làng mình thông qua việc truyền dạy của các nghệ nhân, cộng đồng các làng xã.
Bên cạnh việc đầu tư kinh phí, nhiều người cũng đề xuất chính quyền địa phương cần đưa múa cổ vào hoạt động ngoại khóa trong trường học, quy hoạch một số điểm trình diễn múa cổ, tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy múa cổ Hà Nội…
Việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội trong thời điểm hiện nay là việc làm quan trọng nhằm giữ gìn truyền thống cha ông để lại. Điều này không chỉ góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư, mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc hướng người ta tới chân - thiện - mỹ trong đời sống đương đại./.