Cách tính lương hưu đã được điều chỉnh theo hướng cân đối giữa mức đóng và hưởng, tình trạng “đóng ít, hưởng nhiều” sẽ giảm bớt. Đặc biệt là từ năm 2018, công thức tính lương hưu sẽ thay đổi, vì vậy nhiều người lao động đang “chạy hồ sơ" về hưu trước năm 2018 để không bị giảm lương hưu theo cách tính mới.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về những thay đổi trong cách tính lương hưu từ năm 2018.
- Thưa ông, xin ông cho biết những thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu từ 01/01/2018 theo Luật Bảo hiểm xã hội?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cách tính lương hưu sẽ tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% khi có đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam.
Từ 01/01/2018, lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ tương ứng 45% sau đó cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 2%, mức lương lưu tối đa không quá 75%.
Lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 thì phải có đủ 31 năm đóng bảo hiểm xã hội thì mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Tương tự, đối với các trường hợp lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019, 2020, 2021 và 2022 trở đi, người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tương ứng đủ 32-35 năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu mới đạt 75%..
- Như vậy, xin ông cho biết, theo cách tính mới thì lương hưu của người lao động sẽ bị giảm nếu về từ năm 2018, đặc biệt là lao động nữ?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi xin khẳng định, không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn so với người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, từ ngày 1/1/2018 trở đi tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Vì tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cao hơn nên lương hưu sẽ cao hơn.
Trong trường hợp nếu nghỉ hưu mà chưa đủ tuổi đời theo quy định thì còn phải giảm trừ tỷ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ 2% thay vì 1% như trước đây.
Lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố: Tỷ lệ hưởng, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bình quân, thời điểm hưởng lương hưu, thời gian hưởng lương hưu nên không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.
- Thưa ông, để không bị giảm trừ khi về hưu trước tuổi, hiện nay nhiều lao động đang muốn giám định y khoa để đủ điều kiện nghỉ hưu trước năm 2018 mà không bị giảm lương hưu. Ông đánh giá thế nào về cách để bảo toàn mức lương hưu này?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định tăng dần tuổi nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động theo giám định y khoa: Nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi (trước đây là 50 tuổi và 45 tuổi) và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Luật Bảo hiểm xã hội cũng đã điều chỉnh tăng tỷ lệ giảm từ 1% lên 2% tương ứng mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Luật đã có sự thay đổi về cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối với cả nam và nữ nếu về hưu trước tuổi.
Nếu người lao động nghỉ hưu sớm trước năm 2018 để 15 năm đầu đóng bảo hiểm xã hội được tính hưởng 45% thì cũng cần lưu ý luật cũng có quy định là nghỉ hưu sớm mỗi năm sẽ bị trừ tương ứng 2%, trước năm 2016 tỷ lệ giảm trừ chỉ là 1%. Trong khi đó, nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thêm 1 năm thì tỷ lệ lương hưu cũng tăng tương ứng 2%.
- Vậy chúng ta cần phải có giải pháp nào với việc người lao động sẽ bằng mọi giá "chạy hồ sơ" để đủ điều kiện hưởng lương hưu trước thời điểm 1/1/2018 thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo hiểm xã hội, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội cho người dân. Cơ quan Bảo hiểm Xã hội phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý bảo hiểm xã hội.
Việc người lao động bằng mọi giá "chạy hồ sơ" để được hưởng lợi nhất là với các trường hợp nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động. Khoản 2, Điều 117 Luật Bảo hiểm Xã hội đã quy định rất cụ thể việc khám giám định mức suy giảm khả năng lao động phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch. Hội đồng giám định khoa sẽ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả giám định của mình theo quy định của pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!