Nghị sỹ Italy chất vấn Ngoại trưởng về vấn đề Biển Đông

Một nghị sỹ Italy chất vấn Ngoại trưởng nước này, bà Federica Mogherini, xung quanh lập trường của Italy về căng thẳng ở Biển Đông.
Nghị sỹ Italy chất vấn Ngoại trưởng về vấn đề Biển Đông ảnh 1Ngoại trưởng Italy Federica Mogherini. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nguồn tin Thượng viện Italy cho biết một nghị sỹ Italy đã lên tiếng chất vấn Ngoại trưởng nước này, bà Federica Mogherini, xung quanh lập trường của Italy về những căng thẳng ở khu vực Biển Đông.

Cuộc chất vấn này diễn ra trong một phiên họp của Thượng viện Italy hôm 14/5, khi Thượng nghị sỹ Antonio Razzi, Thư ký thường trực Ủy ban đối ngoại Thượng viện đưa ra những vấn đề liên quan đến tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau khi chính quyền Bắc Kinh đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông và thái độ của Italy.

Thượng nghị sỹ Razzi cho rằng những bất đồng về lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã kéo dài từ nhiều thập kỷ nay, liên quan đến việc kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dẫn đến những cuộc chiến chớp nhoáng đẫm máu vào các năm 1974 và 1988.

Bằng những dẫn chứng và thông tin xác thực liên quan đến giàn khoan Hải Dương-981, Thượng nghị sỹ Razzi khẳng định Trung Quốc đang tìm cách thăm dò trên vùng lãnh hải Việt Nam, sử dụng các tàu hải quân và ngư chính để ngăn cản tàu Việt Nam đến gần, với mức độ gây hấn và đe dọa tăng dần có thể dẫn tới xung đột vũ trang.

Ông Razzi kết luận, những hành động của Trung Quốc gây bất ổn trong khu vực, đe dọa chủ quyền của một nước và có thể dễ dàng chuyển thành một cuộc xung đột thực sự.

Từ những quan điểm đó, Thượng nghị sỹ Razzi đã yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Italy Federica Mogherini phải nhanh chóng đưa ra những định hướng mà Chính phủ Italy dự định tuyên bố liên quan đến cuộc xung đột trên Biển Đông.

Ông cũng yêu cầu Chính phủ Italy phải có những biện pháp ngoại giao tích cực để "thể hiện sự hiện diện của Italy trong các vấn đề quốc tế nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng," nhằm khôi phục lại những nguyên tắc bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia liên quan tới chủ quyền lãnh thổ của mình.

Ông nêu rõ từ trước tới nay, Italy luôn đóng vai trò đi đầu trong những cam kết nhằm gìn giữ hòa bình và tăng cường hòa giải trên thế giới. Do đó, Italy cũng phải thể hiện điều đó trong vấn đề Biển Đông.

Hiện chưa rõ phản ứng của Ngoại trưởng Italy trong phiên chất vấn như thế nào. Cho tới nay, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia trong khối đã bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc" về các diễn biến trên Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng con đường đối thoại và hòa bình, đồng thời khẳng định luôn theo sát diễn biến, thì Bộ Ngoại giao Italy vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào.

Dự kiến, Thủ tướng Italy Matteo Renzi sẽ đi thăm cả Việt Nam lẫn Trung Quốc vào tháng 6 tới.

Trước đó, trong một tuyên bố trên trang web cá nhân của mình hôm 13/5, ông Razzi viết rằng, "những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc "đang gây ra mối quan ngại cho sự hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông.

Ông hy vọng rằng, hai nước sẽ tìm ra được giải pháp cho những tranh chấp bằng con đường hòa bình và tránh làm cho tình hình càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ông Razzi, nghị sỹ Quốc hội khác của Italy cũng đã lên tiếng về tình hình Biển Đông. Hôm 16/5, Hạ nghị sỹ Enzo Amendola, lãnh tụ phe đa số thuộc đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Matteo Renzi tại Ủy ban đối ngoại Hạ viện Italy, đã tuyên bố rằng, "mọi hành động đơn phương sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực, một trong những trung tâm phát triển kinh tế thế giới."

Do đó, để giải quyết những căng thẳng ở Biển Đông, "cần thúc đẩy các bên liên quan tìm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, nhằm tiếp tục bảo đảm tự do hàng hải."

Ông cũng hối thúc "Italy và châu Âu cần bày tỏ quan ngại hơn nữa đối với tình hình hiện tại tại Biển Đông," khi những căng thẳng đang xảy ra "có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của cả khu vực, và sẽ tác động đến cả khu vực châu Âu"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.