Trở lại Việt Nam lần thứ 37 kể từ chuyến thăm đầu tiên năm 1998, phóng viên ảnh tự do người Nhật Bản Murayama Yasufumi gần như mất hết hy vọng mình sẽ được đến Trường Sa hoặc được tác nghiệp cùng các phóng viên quốc tế khác trên tàu cảnh sát biển Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa, nhưng Murayama Yasufumi đã không không hề nản chí và quyết tâm làm một điều gì đó cho Việt Nam.
Bất chấp phản đối của người thân, ông mượn tiền và đến Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội để chụp ảnh và trò chuyện tìm hiểu tâm trạng của người Việt Nam khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ông đến Đà Nẵng và lưu lại nhiều ngày để chụp ảnh, trò chuyện để tìm hiểu về đời sống của ngư dân trong lúc này. Theo ông, đó là cách để chia sẻ với nhân dân Việt Nam trong lúc này.
“Với tư cách là bên thứ ba nên thông tin của tôi sẽ khách quan hơn. Tôi muốn người Nhật Bản và thế giới biết về hành động sai trái của Trung Quốc. Ở Nhật Bản, không phải ai cũng biết và quan tâm đến sự kiện này.”
“Đến Việt Nam trong lúc này, tôi thấy người dân Việt Nam đoàn kết với nhau hơn bao giờ hết. Tôi đã gặp nhiều ngư dân chứng kiến họ nỗ lực vượt qua khó khăn. Mặc dù đương đầu với bao khó khăn, tôi nhận thấy cuộc sống của họ thật thanh bình.”
Ông Murayama Yasufumi là một trong những người Nhật Bản phản đối rất mạnh mẽ hành động của Trung Quốc. Những người được ông phỏng vấn gồm rất nhiều tầng lớp khác nhau: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, học sinh, sinh viên, người lao động, ngư dân, nhà nguyên cứu...
Trong vòng hai tuần phóng viên ảnh người Nhật Bản đã hoàn thành hơn 40 bức ảnh đẹp, ghi lại những khoảnh khắc của ngư dân Hoàng Sa vươn khơi bám biển, cảm xúc người dân phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Cũng như những chuyến đi đến Việt Nam để chụp ảnh về nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam mà ông đã thực hiện trước đây, Murayama Yasufumi tự lo chi phí cho chuyến đi của mình bất chấp sự phản đối của người thân.
Ông đã phải vay mượn hơn 200 triệu đồng cho chuyến đi và tổ chức triển lãm ảnh. Điều mà mọi người cảm nhận được từ ông là trái tim giàu tình cảm và lòng yêu thương đối với đất nước và con người Việt Nam.
Tâm sự với Vietnam+, ông cho biết: “Trước khi sang Việt Nam, tôi có vay nhiều tiền từ vợ. Nếu không làm được việc thì còn mặt mũi nào mà trở về Nhật Bản nữa.”
Trong một lần trò chuyện với một sinh viên của trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II, ông bày tỏ ý định tổ chức triển lãm ảnh về ngư dân Hoàng Sa, và nhờ sinh viên này liên hệ ban giám hiệu trường giúp xin giấy phép tổ chức triển lãm.
May mắn, Murayama được đề nghị tổ chức triển lãm tại trường. Trước đó, ông đã liên hệ rất nhiều nơi để được trưng bày những bức ảnh của mình nhưng không thành công vì chi phí khá đắt.
Murayama tâm sự trước mỗi chuyến đi đến Việt Nam, vợ ông đều can ngăn vì bà lo cho sự an toàn của ông, nhưng cuối cùng bà buộc phải đồng ý vì quyết tâm của ông rất cao.
“Tình yêu của tôi với Việt Nam rất lớn đến mức vợ tôi phải ghen... Điều đó cũng đơn giản vì tôi gặp vợ tôi mới 6 năm, nhưng tôi biết Việt Nam đã 16 năm rồi.”
Triển lãm ảnh “Cảm xúc Hoàng Sa 2014” sẽ diễn ra tại Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình II (số 75 Trần Nhân Tôn, phường 9, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) từ ngày 20 đến 27/7./.