Nghiên cứu của Mỹ: Tầm quan trọng của tầm soát ung thư tuyến tiền liệt

Nghiên cứu của Bộ Cựu chiến binh Mỹ cho thấy việc đẩy mạnh tầm soát ung thư tuyến tiền liệt có thể góp phần giảm số trường hợp được chẩn đoán có khối u ác tính di căn.
Nghiên cứu của Mỹ: Tầm quan trọng của tầm soát ung thư tuyến tiền liệt ảnh 1Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ ở Washington, D.C., Hoa Kỳ. (Nguồn: Reuters)

Dữ liệu được Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) công bố ngày 24/10 cho thấy mối liên quan giữa sự sụt giảm tỷ lệ xét nghiệm tầm soát ung thư tuyến tiền liệt và sự gia tăng các trường hợp mắc ung thư tuyến tiền liệt di căn.

Theo kết quả một nghiên cứu mới, được thực hiện đối với hơn 5 triệu nam giới trên 40 tuổi tại 128 cơ sở của VA trên toàn nước Mỹ trong giai đoạn từ năm 2005-2019, tỷ lệ tầm soát thông qua xét nghiệm định lượng kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA) đã giảm từ mức 47,2% vào năm 2005 xuống còn 37,0% vào năm 2019.

Cũng trong khoảng thời gian này, tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt di căn tăng đáng kể. Nếu như trong năm 2005, tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt di căn là 5,2 trên 100.000 nam giới xét nghiệm, năm 2019 tỷ lệ này là 7,9 trên 100.000, trong đó đặc biệt là sự gia tăng ở các nhóm tuổi 55-69 và trên 70.

Tại các cơ sở y tế tư nhân, kết quả báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ tầm soát cao hơn có liên quan tới tỷ lệ chẩn đoán ung thư di căn thấp hơn. Cụ thể, nếu tỷ lệ tầm soát giảm 10%, số trường hợp ung thư tuyến tiền liệt di căn sẽ tăng 10% trong 5 năm sau đó.

Nghiên cứu trên cho thấy việc đẩy mạnh tầm soát ung thư tuyến tiền liệt có thể góp phần giảm số trường hợp được chẩn đoán có khối u ác tính di căn. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sỹ Brent Rose làm việc tại trường Đại học California (San Diego), cho biết: "Tỷ lệ xét nghiệm tầm soát có thể coi là căn cứ để xác định tỷ lệ ung thư di căn."

[Chuyên gia khám và tư vấn miễn phí bệnh ung thư tuyến tiền liệt]

Lợi ích của việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt vốn là vấn đề gây tranh cãi tại Mỹ. Năm 2012, Cơ quan dịch vụ y tế dự phòng Mỹ (USPSTF) khuyến nghị không nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt do bệnh này thường tiến triển rất chậm, trong khi các rủi ro từ việc tầm soát có thể lớn hơn lợi ích tiềm năng.

Một số chuyên gia lo ngại rằng việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt dựa trên xét nghiệm máu có thể dẫn đến những xét nghiệm sinh thiết gây đau đớn, tiềm ẩn rủi ro một cách không cần thiết.

Vào năm 2018, dựa trên những kết quả nghiên cứu mới, USPSTF đã sửa đổi khuyến nghị nêu trên, theo đó giới hạn độ tuổi nên thực hiện tầm soát ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới là 55-69. Sau đó, cơ quan này tiếp tục điều chỉnh khuyến nghị theo hướng chỉ thực hiện tầm soát "khi mong muốn và đã hiểu rõ những lợi ích, cũng như những rủi ro."

Báo cáo mới công bố của VA được cho là có thể sẽ khiến USPSTF một lần nữa điều chỉnh khuyến nghị về tầm soát ung thư tuyến tiền liệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.