Các chuyên gia y tế khẳng định rằng khẩu trang là công cụ quan trọng trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, song hiện vẫn còn ít nghiên cứu về sự khác nhau giữa các loại khẩu trang.
Một nghiên cứu mới đã phân ra 14 loại khẩu trang hiện đang được sử dụng rộng rãi và phát hiện rằng khẩu trang y tế bảo vệ chống lại các giọt dịch tốt hơn so với các loại khẩu trang vải, trong khi các loại khăn rằn và khăn trùm đầu có rất ít hiệu quả.
Trong nghiên cứu của nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Duke, bang Carolina Bắc (Mỹ), các tình nguyện viên đeo các loại khẩu trang khác nhau ngồi trong một phòng tối, hướng về phía một máy bức xạ laser và nói to 5 lần câu "Mọi người hãy giữ gìn sức khỏe."
[Chiếc khẩu trang và thông điệp thay đổi tích cực đối phó dịch COVID-19]
Sau đó, một thuật toán máy tính được sử dụng để tính lượng giọt bắn so với khi không dùng khẩu trang. Kết quả nghiên cứu cho thấy loại khẩu trang N95 - loại chuyên dụng cho các nhân viên y tế tuyến đầu trong các bệnh viện - có thể giảm 99,9% giọt bắn.
Khẩu trang phẫu thuật hoặc loại bằng chất liệu polypropylene cũng có tác dụng gần tương đương, có thể ngăn 90% giọt bắn. Trong khi đó, khẩu trang vải có thể giúp giảm 70-90% giọt bắn, tùy thuộc vào số lớp vải và các nếp gấp.
Tuy nhiên, các loại khăn rằn hoặc khăn trùm đầu chỉ giúp giảm khoảng 50% giọt bắn, trong khi khăn lông cừu thậm chí còn làm gia tăng số giọt bắn bằng cách phân chia giọt lớn thành nhiều giọt nhỏ hơn.
Cuối cùng, loại khẩu trang N-95 có van thở có khả năng tương đương khẩu trang vải xét về ngăn giọt bắn.
Đồng tác giả nghiên cứu trên, ông Eric Westman kết luận đeo khẩu trang vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ mọi người tránh khỏi virus SARS-CoV-2 hơn là không đeo.
Khẩu trang rất quan trọng vì khoảng 30-40% người nhiễm virus không có biểu hiện triệu chứng bệnh, nhưng vẫn có thể lây truyền virus cho người khác khi ho, hắt hơi hoặc khi nói chuyện./.