Trước việc tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn quá ảm đạm, tại buổi họp báo do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chiều 16/12, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết thành phố đã giao quận Tây Hồ nghiên cứu các giải pháp để thu hút khách du lịch và người dân đến với tuyến phố này.
Thông tin thêm, theo bà Oanh, trong thời gian qua thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố. Nổi bật là kinh tế ban đêm đã được hình thành ở quận Hoàn Kiếm và diễn ra dưới các loại hình, như không gian đi bộ của khu phố cổ, không gian đi bộ Hoàn Kiếm và phụ cận như: chợ đêm Đồng Xuân và các tuyến phố ẩm thực Tổng Duy Tân, Hàng Buồm, Tạ Hiện...
Cùng với đó là các cửa hàng tiện lợi, quán càphê, quán bar và các sự kiện chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí trong nhà và ngoài đường, cùng các tour du lịch khám phá vào ban đêm.
Bà Oanh cho rằng, đối với khu vực này hoạt động rất hiệu quả và từ mô hình này, thành phố cũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã như: Tây Hồ, Hoàng Mai, Sơn Tây tổ chức phố đi bộ xung quanh thành cổ Sơn Tây cũng như phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) và tuyến phố đi bộ Bitexco của quận Hoàng Mai.
Cũng theo đại diện Sở Công Thương, lượng khách trong và ngoài nước tham gia mua sắm tại các tuyến phố đi bộ thời gian đầu rất đông, trung bình ban ngày có từ 3.000-5.000 người và buổi tối có từ 1,5- 2 vạn người đi trên các tuyến đi bộ (đặc biệt là khu vực Hồ Hoàn Kiếm).
“Hiệu quả hoạt động của kinh tế ban đêm nói chung và các tuyến phố đi bộ nói riêng đã góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa nguồn lực tại chỗ để thu hút du khách du lịch và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế,” bà Oanh nói.
Về tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương, thời gian đầu hoạt động khá tấp nập và hiệu quả, nhưng đến giờ phút này đã vắng khách và vắng người đi bộ ở đây. Nguyên nhân là do người đi bộ vẫn tập trung chủ yếu ở tuyến phố đi bộ khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm.
Trước thực tế trên, thành phố đã chỉ đạo giao cho quận Tây Hồ nghiên cứu để đề xuất các mô hình, các hình thức để thu hút người đi bộ vào dịp cuối tuần, trong đó cần có bản sắc riêng (mang tính biểu diễn nghệ thuật riêng) để thu hút người tham gia đi bộ tuyến phố này.
“Quận Tây Hồ đang nghiên cứu và trong thời gian tới, đặc biệt vào dịp Lễ, Tết sắp tới, quận Tây Hồ sẽ tổ chức các hoạt động sự kiện để thu hút khách đi bộ ở đây,” bà Nguyễn Kiều Oanh nói./.