"Vân biết giới hạn làm phim Fantasy ở Việt Nam còn rất lớn và đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Có thể phim Vân làm ra chưa hoàn hảo, có thể Vân gặp chỉ trích của người xem hay đáp ứng được khát vọng của họ, nhưng Vân sẽ vẫn phải làm. Bắt buộc mình phải làm, ở một thời điểm nào đó. Nếu mình không làm thì ai là kẻ mở đường?" - "Mẹ ghẻ" Ngô Thanh Vân chia sẻ.
Tháng 5 năm ngoái, giữa những ngày phía Bắc nóng điên cuồng, nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C, tôi tình cờ cùng chuyến bay với Ngô Thanh Vân ra Hà Nội. Lúc đó, trừ những lúc phải ra đường, dân công sở Hà Nội hầu như trốn trong các phòng máy lạnh. Nhưng ngôi sao xinh đẹp cùng chuyến bay với tôi, đáng ra ở khách sạn 5 sao để… tắm trắng thì vừa xuống sân bay là lên xe về thẳng Ninh Bình và suốt 5 ngày sau đó, cô cùng 11 người liên tục di chuyển ngoài trời, thậm chí leo 500 bậc tam cấp lên núi dưới cái nóng khủng khiếp để chọn cảnh cho bộ phim do cô sản xuất, đạo diễn và đóng một vai quan trọng. Một năm sau, teaser trailer của “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” ra đời và lập tức tạo được “viral” lan tỏa nhanh chóng trên mạng xã hội.
Có lẽ sau trailer “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Victor Vũ, mới có một bộ phim Việt Nam vừa tung ra trailer đã lập tức viral như vậy, Lại là bộ phim đầu tay của một nữ diễn viên chuyển sang làm đạo diễn. Đấy là lý do Thể thao Văn hóa & Đàn Ông chọn Ngô Thanh Vân và hai nàng Tấm - Hạ Vi, Cám - Lan Ngọc để lên bìa cùng bài phỏng vấn dài hơi chủ đề “Woman Power” này. Dù rất bận rộn trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị tung official trailer vào giữa tháng 7 cũng như ra mắt bộ phim vào nửa cuối tháng 8, Ngô Thanh Vân vẫn dành cho tôi hai buổi phỏng vấn, để nói về những “Chuyện chưa kể” của Tấm Cám và quan trọng hơn, về hành trình gần 20 năm cô từ NaUy trở về, sống trong làng showbiz Việt, đồng thời xác lập con đường mà cô đã và đang đi…
- Thực ra không phải đợi đến “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” mà ngay từ “Ngày nảy ngày nay”, hình như Ngô Thanh Vân đã muốn “tiếm quyền” đạo diễn? Trong buổi ra mắt phim dành cho báo chí, tôi cảm giác như đó hoàn toàn là một bộ phim của Ngô Thanh Vân?
- “Ngày nảy ngày nay” là bộ phim mà Vân nắm giữ vai trò tổng quát, từ lên ý tưởng, kịch bản đến sản xuất. Trong quá trình quay thì anh Cường Ngô giữ vai trò đạo diễn nhưng khi dựng phim thì anh Cường về nước, không còn cách nào khác, Vân phải “xắn áo” để lao vào phòng dựng. Thực ra quá trình dựng bộ phim này như viết lại kịch bản một lần nữa bởi có những điều phi logic và một vài hướng đi của Vân không chung hướng với đạo diễn. Vân hầu như nhúng tay vào tất cả các khâu nên cuối cùng như mọi người thấy, dấu ấn của Vân hơi đậm nét trong bộ phim đầu tay này. Nhưng đạo diễn chưa bao giờ là một ước mơ cháy bỏng của Vân, cho đến lúc này, sau khi đã thử vai trò đó ở “Tấm Cám: Chuyện chưa kể.”
- Vậy thì điều gì đẩy Vân vào chiếc ghế đạo diễn, một vai trò quá khắc nghiệt với phụ nữ đẹp, mà người ta thường ví là “nữ tướng trên trường quay”?
- Thực ra “Ngày nảy ngày nay” là một bước đệm, một bài tập của Vân. Và thường trong cái rủi có cái may (cười). Khi buộc phải làm một công việc bất đắc dĩ và không liên quan lắm đến mình, Vân học được rất nhiều thứ, đặc biệt là kỹ thuật, kỹ xảo, sử dụng âm thanh, âm nhạc trong phim như thế nào và nhất là CGI. Khi mang kịch bản Tấm Cám đi gặp các nhà đầu tư và tìm đạo diễn, tìm mãi không ra, cuối cùng các nhà đầu tư thuyết phục Vân thử sức với vai trò này, vì hơn ai hết, Vân là người lên ý tưởng và tạo concept cho nó từ đầu tới cuối. Lúc đó Vân hơi hoảng nhưng cuối cùng không còn giải pháp nào khả thi hơn nên đành phải… chơi luôn chứ biết làm sao giờ?
- Vậy thì sao không tiếp tục vai trò này? Vì sau khi đoạn teaser tung ra, rất nhiều người, thậm chí cả giới chuyên môn đều ngạc nhiên ở khả năng đạo diễn của Vân, đặc biệt là bối cảnh, dàn dựng và cả đoạn “twist” ăn tiền khi mẹ Cám xuất hiện.
- Vì như đã nói, đạo diễn không phải là một ước mơ cháy bỏng của Vân, đó chỉ là điều đến bất chợt và Vân phải làm tốt nhất có thể. Sau khi tung ra teaser, Vân có rất khá nhiều kịch bản đặt hàng, nhưng Vân từ chối hết. Công việc này tốn quá nhiều thời gian và tâm sức, trong khi Vân là nhà sản xuất nên chỉ muốn đi gây quỹ đầu tư và lấy tiền về cho những bạn trẻ được đào tạo bài bản nghề này làm. Sau Tấm Cám, Vân không ngại làm đạo diễn. Nhưng một dự án như thế này tốn mất của Vân gần 2 năm, trong khi từng đó thời gian Vân có thể đi tìm kinh phí sản xuất được 4, 5 bộ phim cho các đạo diễn trẻ khác. Quá phí. Có lẽ đầu óc của Vân thiên về kinh doanh hơn là nghệ sĩ chăng?
- Công thức chung của các bộ phim điện ảnh bây giờ ở Việt Nam chỉ gói gọn trong khoảng nửa năm, thậm chí ba tháng: một tháng chuẩn bị, một tháng quay và một tháng dựng. Điều gì ở dự án này lấy mất của Vân đến 2 năm?
- Quay trở lại những ngày đi chọn cảnh cho bộ phim này. Êkíp của Vân 12 người, chỉ có Vân là nữ. Mỗi ngày bọn Vân phải đi từ 12 tiếng, thậm chí 14 tiếng trong cái nóng kinh khủng để tìm bối cảnh từ Ninh Bình lên đến Mộc Châu và thậm chí sát biên giới, chỉ để tìm được những cảnh đẹp mà người ta chưa từng đưa lên phim. Lúc đó không hiểu tại sao Vân lại đày đọa bản thân như thế, nhưng có lẽ khát vọng của Vân lúc đó là phải tạo ra một điều gì đó khác biệt.
Khi cùng êkíp cả trăm người của dự án này, Vân nói đây là thời điểm mà mình phải làm một cái gì đó khác biệt, đừng đi theo lối mòn nữa vì thế giới người ta đã đi quá xa rồi, không thể cứ bám vào cái khuôn khổ quá cũ kỹ của mình. Và nếu mình không làm, không thử thách thì không biết được giới hạn của mình ở đâu cả. Vân muốn thử thách toàn bộ êkíp của mình, và Vân là người lĩnh xướng nên phải đưa đầu chịu báng đầu tiên. Êkíp biên kịch 5 người, êkíp làm phục trang cho diễn viên cũng lên tới 4, 5 nhà thiết kế, êkíp quay phim, và đặc biệt CGI lên đến hàng chục người, tất cả đều cùng Vân chấp nhận “challenge” này để vượt qua giới hạn mà bọn Vân đặt ra.
Vân xác định, Tấm Cám là “action fantasy”, thần thoại hành động. Khi Vân lên concept xong thì phải hiểu genre (thể loại) của nó là gì để đi theo. Cảnh đẹp là tiên quyết, nó phải có phép thuật, nó phải có những trận đánh lớn và nó phải lồng được các triết lý dân gian. Đây là câu chuyện cổ mà mọi người đều biết tới và hầu như người Việt Nam nào cũng yêu thích. Dù đã được dựng kịch, nhạc kịch nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên Tấm Cám lên màn ảnh rộng. Áp lực rất lớn. Bởi bản thân câu chuyện không còn gì mới mẻ cả và thiên về cổ tích hơn hành động. Còn Vân, trong người bản chất “đả nữ” còn nhiều, nên Vân bắt buộc phải tìm ra điểm cao trào, bắt buộc phải có một trận đánh lớn cuối cùng…
Khi teaser tung ra, nhiều người nói không nghĩ Vân làm được như vậy, vì vẫn nghĩ đó chỉ là một bộ phim đầu tay kiểu fantasy của một cô diễn viên đi làm đạo diễn. Nhưng ai từng chứng kiến hai năm vừa rồi của Vân thì có lẽ không mấy ngạc nhiên. Đó là hai năm tập trung tuyệt đối, hầu hết là sử dụng 100% nguồn năng lượng mà Vân có, đôi lúc phải sử dụng đến 200% cho đến lúc ngã quỵ. Những ngày đi chọn cảnh trong thời tiết nắng bể đầu, 2 tháng quay lại rơi vào mùa mưa bão, rồi tất cả mọi thứ đều đến tay trong cùng một thời điểm. Cảm giác lúc đó Vân có 10 bộ não cùng hoạt động một lúc vậy.
- Như não bộ của Lucy phải không?
- Đúng rồi, nhưng não bộ của Lucy được kích hoạt lên 100% là nhờ viên thuốc thần thánh, còn Vân thì chẳng có viên thuốc nào cả. Có chăng là khả năng chịu thử thách của Vân. Bởi Vân rất thích sáng tạo và đặt ra các giới hạn để phá bỏ nó.
- Vậy giới hạn mà Vân muốn phá bỏ sau “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” là gì?
- Sau bộ phim này, Vân đặt ra một ranh giới mới cho việc làm phim. Nhóm CGI còn rất trẻ, nhưng họ làm kỹ xảo cho fantasy rất đẹp và rất thật. Vân rất mong cho khán giả xem để chứng minh cho họ thấy thực ra người Việt rất có tài, có thể làm được những điều không thể. Rất nhiều người làm CGI của Tấm Cám từng tham gia trong các dự án lớn của quốc tế, và đã từng làm cho những bộ phim lớn như “Batman” hay “Pacific Rim”… nên nếu điện ảnh Việt không sử dụng họ thì quá phí. Bản thân Vân sẽ tạo điều kiện tối đa cho những người trẻ được thỏa mãn đam mê và tham vọng điện ảnh của họ. Và chắc chắn, các dự án sắp tới của công ty Vân cũng sẽ sử dụng gần như 100% các tài năng người Việt.
Còn về hướng đi, Vân muốn tạo dựng cái mới, không thích đi “remake” của nước ngoài vì nó chuyển thể từ một cấu trúc đã có sẵn và quá an toàn. Vân cũng muốn an toàn nhưng dựa trên ý tưởng của mình. Vân có thể nói rằng trong vòng 5 năm tới, Vân sẽ chỉ sản xuất các kịch bản gốc thôi. Chỉ có các câu chuyện Việt Nam và nói về người Việt Nam. Và Vân hướng đội ngũ đi theo hướng đó.
- Những đạo diễn giỏi luôn tìm ra triết lý hoặc vision (tầm nhìn) của mình cho mỗi bộ phim. Còn những nhà sản xuất giỏi thì thường hay đưa ra các “core value” (giá trị cốt lõi). cho sản phẩm của họ. Vân thì sao?
Tầm nhìn của công ty của Vân 5 năm tiếp theo làm sao để cho thế hệ trẻ Việt Nam thấy được phim Việt có “value” (giá trị). Vân muốn giới trẻ quay lại với điện ảnh Việt, có một cái nhìn tin tưởng hơn vào những tài năng mới. Trong thị trường một năm sản xuất 60 phim thì có đến 50 phim ra rạp rồi biến mất, không ai nhắc tới, “value” không có. Nhưng Vân vẫn phải muốn giữ quan điểm của mình. Thà rằng đi chậm mà chắc và tạo được niềm tin dần dần cho giới trẻ. Vân còn làm nhiều phim cổ tích Việt Nam và muốn đầu tư cho những dự án tử tế và tâm huyết.
- Có quá sớm không? Không thiếu những dự án lớn, tử tế và tâm huyết của điện ảnh Việt Nam gần đây bị ngã ngựa, như “Lửa Phật” của Dustin Nguyễn, như “Siêu trộm” của Hàm Trần, như Charlie Nguyễn chọn con đường dễ hơn để đi. Không ai nói được điều gì ở một thị trường điện ảnh quá mong manh như Việt Nam cả - tôi nghĩ vậy.
- Như Vân nói, có thử và có sai. Vân nghĩ dù phim của các đạo diễn anh nhắc tới có thể thành công hay thất bại, có thể chuyển hướng…, nhưng Vân đều nhìn thấy được “màu”, thấy được “chữ ký” của các anh ở mỗi bộ phim, mỗi thể loại mà họ thực hiện. Đấy cũng là “core value” mà họ theo đuổi vậy.
Còn việc “ăn” hay không “ăn” thị trường còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Và điều này đòi hỏi bên cạnh họ phải có một nhà sản xuất giỏi biết nắm bắt được các xu hướng mới của thị trường.
- Vậy “nhà sản xuất giỏi” Ngô Thanh Vân đã dụng người như thế nào trong dự án của mình?
- Vân không dám nhận mình giỏi, vì Vân vẫn đang phải tìm đường để đi. Nhưng chắc chắn một điều là Vân không bao giờ tự nhận đây là dự án của cá nhân mình mà của cả một ê kíp có lúc lên đến 160 người. Để chuẩn bị kịch bản, Vân có tới một ê kíp lên tới 5 người và lấy những gì tốt nhất và tinh túy nhất của họ. Có người giỏi về cấu trúc 3 hồi, có người có óc khôi hài và giỏi về thoại, có người khai thác chất mơ mộng, ngôn tình của họ. Trong ê kíp thực hiện, có lẽ Vân là người “già” nhất, cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Nhưng với nhóm cố vấn, Vân chọn những “expert” (chuyên gia) giỏi và kinh nghiệm hơn Vân, đó là ba anh đạo diễn mà Vân từng cộng tác: Charlie Nguyễn, Lê Thanh Sơn và Hàm Trần.
- Sao Vân khôn quá vậy?
- Biết dùng người là khôn sao? (cười)
Muốn phá cái khung đàn ông trong Tấm Cám
- Ngoài các “cố vấn” tài năng nói trên, rõ ràng Vân có một lợi thế khi kế thừa trào lưu “chuyện cổ tích viết lại” qua những bộ phim “action fantasy” bom tấn thành công lớn của Hollywood gần đây như “Maleficent”, “Cinderella” hay “Snow White and the Huntsman”… nhưng có lẽ điều khác biệt là “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” là bộ phim được kể bởi một đạo diễn nữ. Góc nhìn của đạo diễn nữ được phát huy tác dụng như thế nào?
- Anh nói một điều rất đúng mà Vân rất tâm đắc, đó là góc nhìn nữ, tính nữ quyết định màu sắc của bộ phim này. Mặc dù Vân là một người có cá tính mạnh và hầu như không có mấy… tính nữ trong người, nhưng chắc chắn con mắt nhìn của Vân vẫn là phụ nữ. Nghĩa là mọi thứ đều phải đẹp, phải duy mỹ, phải hoàn hảo từ hình thức đến nội dung. Những ngày đầu ở trường quay Vân gặp rất nhiều khó khăn với các cộng sự của mình. Vân không giỏi về kỹ thuật và không hiểu mấy về góc máy, nhưng những góc máy Vân đưa ra đều từ góc nhìn của một người phụ nữ, nó mềm mại hoặc khác biệt với các đạo diễn nam.
Điều đó dẫn đến Vân và êkíp quay phim không tìm được tiếng nói chung vì họ đã quá quen với những cái khung do các đạo diễn nam đặt ra. Nhưng cuối cùng Vân vẫn bảo vệ quan điểm của mình và thuyết phục họ rằng: đây là một câu chuyện cổ được kể bởi một đạo diễn nữ, từ góc nhìn của một người nữ nên không cần phải đi theo cấu trúc của một bộ phim được chỉ đạo bởi một đạo diễn nam. Vân muốn phá cái khung chuẩn “đàn ông” trong bộ phim này và thuyết phục họ theo. Chưa ai biết có bao nhiêu ranh giới bị phá vỡ trong bộ phim này, nhưng chắc chắn đây là một bộ phim khác biệt và rất “nữ quyền”, cho dù nó không hẳn là thuộc dòng phim “chick-flick”.
- Tấm Cám là câu chuyện cổ tích chứa đựng rất nhiều triết lý dân gian, như chuyện “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo” hay triết lý luân hồi kỳ lạ của Tấm. Trong những “Chuyện chưa kể”, Vân giữ được bao nhiêu phần “cốt” của Tấm Cám trong bộ phim này?
- Chắc chắn là Vân không bỏ sót bất cứ một chi tiết xương sống nào của Tấm Cám, tất cả được giữ nguyên. Vân chỉ mang đến cho chúng những lý do và giải thích tại sao nó lại như vậy. Về triết lý dân gian, Vân thích câu hát trong ca khúc chủ đề mà nhóm 365 đang thu cho phim: “Hạnh phúc sẽ đến với người thật thà”. Đó là một triết lý dân gian rất gần với người Việt và nó dễ kết nối mọi người. Nhưng với những “Chuyện chưa kể”, Vân muốn mang đến một thông điệp lớn hơn, từng được lồng ghép trong poster trước đây: “Thiếp chỉ cần giữ một lời hứa. Chàng phải giữ cả một giang sơn”. Vân thích hai câu tagline này vì nó nói lên câu chuyện Vân muốn kể và hàm chứa cả một bức tranh lớn mà bộ phim muốn mang đến.
Muốn thống lĩnh dòng phim Fantasy trong 5 năm tới!
- Tại sao từ một hình tượng “đả nữ” đã rất thành công, Vân lại chuyển hướng sang fantasy, lại là action fantasy? Dòng phim này tốn kém thì rõ ràng rồi, nhưng nếu làm không tới, sẽ rất giả và sẽ khó được người xem chấp nhận.
- Dù bỏ ra gần 2 năm nhưng khi ngồi mỗi ngày 12-14 tiếng trong bản dựng, Vân vẫn thấy còn nhiều lỗi và biết chắc khi xem khán giả sẽ nhận ra. Vân biết giới hạn làm phim Fantasy ở Việt Nam còn rất lớn và đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Có thể phim Vân làm ra chưa hoàn hảo, có thể Vân gặp chỉ trích của người xem hay đáp ứng được khát vọng của họ, nhưng Vân sẽ vẫn phải làm. Bắt buộc mình phải làm, ở một thời điểm nào đó. Nếu mình không làm thì ai là kẻ mở đường? Khi mình là người đầu tiên thì chắc chắn búa rìu dư luận không nể tha gì mình rồi. Có thể bây giờ Vân chưa tốt, nhưng từ bước một mới có bước hai, và chắc chắn đến bước thứ năm thì sẽ rất tốt. Quan trọng nhất là sự kiên định của Vân và ê kíp.
- Và đó là con đường Vân tiếp tục đi trong thời gian tới?
- Chắc chắn. Vân tin rằng “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” đã đi xa hơn những bộ phim Việt trong thể loại này. Lựa chọn fantasy rất mạo hiểm ở thời điểm này, nhưng Vân vẫn rất quyết liệt. Vân chấp nhận rủi ro và muốn thống lĩnh dòng phim này trong 5 năm tới.
- Thống lĩnh, nghe rất mạnh đấy!
- Thôi thì “đi đầu” vậy, nghe khiêm nhường hơn phải không? Thực ra điều quan trọng nhất là Vân muốn từ từ giành lại khán giả Việt cho phim Việt. Vân không muốn khán giả trẻ Việt Nam quá thần tượng siêu anh hùng của Mỹ hay Hậu duệ mặt trời của Hàn Quốc mà bỏ quên những người anh hùng của Việt Nam. Điều may mắn là Vân có một đội ngũ cộng sự luôn ủng hộ hết mình những ý tưởng điên rồ của Vân. Và bọn Vân không muốn dừng lại sau Tấm Cám.
- Có ba nhóm làm phim trên thị trường điện ảnh hiện nay. Nhóm 1 luôn thỏa mãn thị hiếu đám đông và đứng ngang họ, thậm chí thấp hơn (nhóm này đưa điện ảnh ngang tầm truyền hình và tấu hài). Nhóm 2 là những “trendsetter”, những người tạo ra xu hướng và định hướng khán giả. Nhóm 3 cao hơn, những người truyền cảm hứng và gây ảnh hưởng. Vân tự xếp mình trong nhóm nào trong con đường 5 năm sắp tới?
- Chắc là cả ba (cười). Vân cũng thấy mình là trendsetter trong việc tạo ra xu hướng, Vân cũng muốn truyền cảm hứng qua câu chuyện mình muốn kể, nhưng Vân cũng đủ bình tĩnh để biết rằng, trong Vân có tư duy đại chúng để phục vụ số đông, tất nhiên theo cái đẹp mà Vân theo đuổi từ đầu.
Nói cụ thể hơn. Là người có gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề, tiếp xúc với thời trang, ca nhạc, điện ảnh, giải trí nói chung, Vân luôn muốn mình là người trendsetter. Nhưng bên cạnh đó, đứng ở vị trí creative director, Vân vẫn muốn là người truyền cảm hứng, đẩy team mình đi xa hơn có thể, kích thích họ phải sáng tạo, vượt khỏi “out of the box”, phá bỏ những giới hạn. Bên cạnh đó, Vân là một nhà sản xuất, nên bắt buộc phải ngồi xuống để tìm hiểu ra công thức thành công của một sản phẩm.
Từ chối Hollywood, chọn Việt Nam
- Vân đã đi một hành trình khá dài trong làng giải trí Việt Nam. Từ một cô Việt kiều về nước tham gia một cuộc thi người đẹp như công thức chung, Vân thử sức ở ca nhạc, điện ảnh, thời trang và giờ trở thành một nhà sản xuất, đạo diễn, một “big boss”. Vân đã vượt thoát khỏi “hình mẫu người đẹp” như thế nào?
- Cách đây vài hôm Vân tham gia một hội thảo Điện ảnh Việt Nam-Hàn Quốc, Vân đến với một dung mạo rất bình thường, không makeup, không dress-up. Vân muốn đến đó với tư cách một nhà sản xuất chứ không phải một diễn viên hay người đẹp.
Dẫn ra ví dụ đó để nói, tư duy của Vân đã thay đổi hoàn toàn. Trong khoảng thời gian làm Tấm Cám, tư duy của Vân đã chuyển sang một nhà sản xuất và đạo diễn nên hình ảnh của Vân tự nhiên nó chuyển đổi mà đến mức Vân còn không nhận ra. Và Vân hiểu một điều, khi muốn người khác nhìn nhận mình ở con người nào, vị trí nào, thì mình phải đạt được vị trí đó. Đến bây giờ thì Vân cảm giác mình mạnh mẽ đến mức Vân không cần quan tâm đến hình thức của mình như thế nào nữa. “I am who I am”.
- Trong hành trình kéo dài gần 2 thập kỷ đó, Vân có hối tiếc điều gì?
- Không. Vân vô cùng yêu thích những trải nghiệm của mình. Nó mang đến cho Vân sự tự tin, bản lĩnh và những màu sắc của tuổi trẻ mà chỉ không trải nghiệm nó, Vân mới hối tiếc mà thôi.
- Ngay cả chuyện làm ca sĩ? Nhiều người nói đấy là vị trí mờ nhạt nhất của Vân?
- Không, Vân không có gì hối tiếc cả. Ở tuổi đó, nhiều bạn trẻ, ngay cả ở châu Âu vẫn say sưa rượu chè hoặc tiêu tiền của bố mẹ thì Vân đã thử hết các khả năng của mình trên những sân khấu lộng lẫy nhất. Và phải thử mới biết được giới hạn của mình ở đâu. Để đến giờ phút này, Vân mới quyết định Vân chỉ mạnh ở mảng phim ảnh thôi.
- Và trong phim ảnh, ở ba vòng tròn khác nhau: Sản xuất, Đạo diễn và Diễn viên. Ưu tiên theo thứ tự của Vân là gì?
- Vân thích nhất là làm sản xuất phim, sau Tấm Cám đã có đơn đặt hàng tiếp theo. Vân không có khao khát làm đạo diễn nên chưa biết bị dúi vào tay có nhận nữa không. Cái Vân làm tốt nhất và có thể nhắm mắt làm được là diễn viên. Vậy thì ưu tiên số 1 vẫn là Nhà sản xuất. Và Vân muốn cùng VAA của mình cùng tiến về phía trước chứ không chỉ mỗi bản thân Vân.
- Nhưng đồng nghĩa với việc đó là Vân bỏ mất nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp cá nhân ở tầm quốc tế sau “Ngọa hổ tàng long 2”?
- Sau khi quay “Ngọa hổ tàng long 2” ở New Zealand về, Vân dằn vặt rất nhiều, suốt cả 6 tháng trời chỉ nghĩ đến chuyện đi hay ở. Vì nếu Vân dọn qua Hollywood ở chỉ cần 3 tháng thôi là đã có bao nhiêu dự án. Vân từng đi casting các phim bom tấn như “Suicide Squad”, “Wonder Woman”, từng nói chuyện với giám đốc casting bộ phim “Downsizing” của đạo diễn nổi tiếng Alexander Payne diễn chung với Matt Damon… hay gặp đại diện các hãng như Dreamworks, Universal, Paramout Pictures.
Nhưng sau đó Vân bị cuốn vào Tấm Cám nên không thể tiếp tục thương thảo các bước tiếp theo. Ngay cả bộ phim “Kong: Skull Island” quay ở Việt Nam, Vân cũng có một vai nhưng cuối cùng phải từ bỏ do lịch sản xuất trùng nhau… Trong năm 2017, Vân chỉ có một vai trong một dự án bom tấn quay tại Anh. Nhưng không có sự lựa chọn nào mà không phải hy sinh cả. Thay vì chọn sự nghiệp cá nhân, Vân chọn con đường cho cả một ê kíp mà Vân tạo dựng, vì Vân không muốn bỏ đi điều gì mình đã dựng nên và chưa có thành công nhất định.
Mẹ Cám nói về Cám
Khi casting cho Tấm và Cám, lúc đầu Tấm đã được định hình cho Lan Ngọc rồi, vì điều đó ai cũng có thể nhận ra ở Lan Ngọc, một cô bé chân chất, hiền hòa, dễ thương. Sau Tăng Thanh Hà thì Lan Ngọc là lựa chọn tốt nhất cho một vai diễn như Tấm. Vân cũng như mọi người, chọn Lan Ngọc cho Tấm. Sau đó Vân có nói chuyện với Tóc Tiên cho vai Cám, vì Vân muốn có nhân vật có cá tính mạnh mẽ mà Tóc Tiên đang sở hữu. Ngay từ khi xây dựng concept này, Vân đã nói với ê kíp là Cám và mẹ Cám phải đẹp, cho dù câu chuyện trong cổ tích có thể khác. Vân là người làm phim, chưa biết phim hay dở thế nào, nhưng điều đầu tiên phải đẹp đã. Người ta bỏ tiền mua vé, ít nhất không đủ hay thì cũng đủ đẹp để làm người ta không tiếc tiền. Nhất là dòng phim giải trí.
Tóc Tiên cũng rất hào hứng với Cám, cũng vài lần lên workshop để diễn với Isaac nhưng sau đó cô quá bận rộn với nhiều dự án. Còn bên Vân không thể đợi vì khâu chuẩn bị quá kỹ, đã hơn 6 tháng. Vì quá cầu toàn nên Vân muốn tất cả mọi thứ phải được chuẩn bị sẵn sàng trước khi bấm máy, chứ không thể lôi 160 con người ra trường quay ngoài Bắc rồi điều chỉnh và thay đổi dần. Phút cuối, Tóc Tiên không tham gia được. Trong lúc vai Cám bị rớt giữa chừng thì Lan Ngọc gọi điện muốn thử vai Cám. Vân cũng xoay chuyển suy nghĩ, vì với phim này, tìm Cám khó hơn tìm Tấm. Lan Ngọc đã chín muồi trong cách diễn xuất của mình với phong cách diễn bi, nên Vân cũng muốn phá, cho dù ngoại hình của Ngọc không đủ sắc sảo như cách Vân xây dựng cho nhân vật này.
Khi Ngọc lên thử cũng biểu lộ được rất nhiều cảm xúc và diễn khá tốt. Vân chỉ nói với Ngọc là nếu em diễn xuất mà lạm dụng nhiều kỹ thuật diễn xuất thì nó có thể hợp với một vài phim khác, nhưng phim này thì chắc không hợp đâu. Chị chỉ đồng ý giao vai này cho em với điều kiện em phải dành toàn bộ thời gian và tập luyện nghiêm khắc với chị, chứ không phải đợi đến ngày quay rồi ra diễn đâu. Sau đó Lan Ngọc bắt buộc phải hủy hết tất cả các sô diễn mà Ngọc đã nhận, và ký kết hợp đồng. Nhưng cuộc chơi nào cũng phải có trả giá.
Lúc vào tập, Lan Ngọc mới vỡ ra là vai diễn này quá khó so với cô tưởng tượng trong đầu. Vân bắt phải phá cách diễn cũ của Ngọc để theo một cách diễn hoàn toàn mới. Lan Ngọc bị tự kỷ cả tuần lễ do không định hình được bản thân mình và bị trầm cảm khá nặng. Vân lại tiếp tục nói chuyện để xây lại cảm xúc cho Ngọc.
Như đã nói, Ngọc rất tài năng, nhưng cần người chỉ dẫn. Ngọc diễn cảm xúc rất tốt, hầu như cảnh nào cũng có thể khóc được nhưng Vân nói, không phải lúc nào em cũng khóc, mà quan trọng là em phải xây được một hành trình cảm xúc cho nhân vật của em. Năng lượng của một người tài năng chuẩn bị tỏa sáng như Ngọc rất nhiều. Lúc nào cô cũng sử dụng đến 200% năng lượng cho mỗi cảnh diễn. Nhưng mỗi lần Ngọc hùng hục lao vào vai diễn là Vân lại bảo: “Calm down, calm down, xuống, xuống nữa. Em không cần phải sử dụng đến 200% năng lượng, mà với cảnh này chị chỉ cần em sử dụng 50% thôi”. Vân nói với Ngọc phải xếp các cảnh cảm xúc trong nội tâm từ A đến Z và đi theo hành trình đó chứ không được phá vỡ nó.
Vân là một diễn viên nên khi Vân nhìn một người diễn viên diễn là Vân biết một diễn viên cho điều gì và lấy lại điều gì. Nhiệm vụ của Vân gần như là phải kiềm Ngọc lại, và bắt Ngọc phải mang đến cho cảm xúc nhân vật một màu khác, không được lặp lại màu cảm xúc ở cảnh trước đó. Mình là diễn viên nên phải cho người ta thấy mình đa sắc chứ không phải một màu. Quan trọng nhất là phải có người khều Ngọc, phải xuống nữa, xuống nữa. Diễn viên của mình hơi ham, cho nhiều quá, dư cảm xúc và đôi lúc cho nhân vật nhiều hơn cái nhân vật cần. Nhưng điều quan trọng với Vân là phải cho như thế nào để nhân vật chín tới mà không bị chín ép hay chín quá nẫu.
Việt Nam hầu như không có workshop cho diễn viên, không có workshop cho đạo diễn. Sau khi làm xong với Lan Ngọc rồi thì Vân nhận ra, với một tài năng đã chín như Ngọc, vẫn cần được điều chỉnh để đi đúng hướng cho sự tỏa sáng của mình. Nhưng Vân chắc chắn một điều, trong phim Tấm Cám, Lan Ngọc chưa bao giờ xuất sắc như vậy.
Mẹ Cám nói về Tấm
Với Hạ Vi, sau khi Vân đã xong với Ngọc thì sự lựa chọn cho vai Tấm không còn quá khó khăn nữa. Sau khi đã tự tin lột xác được Ngọc thì cùng êkíp đi tìm Tấm. Casting hàng trăm diễn viên, hotgirl… cho đến một ngày nhìn thấy một bài fashion của Hạ Vi và thấy một gương mặt như Vân đang hình dung cho nhân vật Tấm.
Chúng ta đều biết Tấm hiền, nhưng sâu từ bên trong chúng ta không biết Tấm là người như thế nào. Trong bộ phim này, Tấm phải là người tạo nền móng cho những hành động của Thái tử, nên Tấm không đơn thuần là thật thà, phúc hậu mà phải có được một cá tính, một điều gì đó tiềm ẩn.
Lúc casting, Hạ Vi nói chưa bao giờ đóng phim, và Vân biết lại là một thử thách lớn cho mình nữa rồi. Khi đặt Lan Ngọc vô để lột xác Ngọc đã gặp một thử thách lớn, thì chọn Vi vào vai Tấm lại đối mặt với một thử thách khác và hai thử thách này đi song song. Và không chỉ thử thách chính bản thân hai cô gái đẹp này mà thử thách chính cả bản thân Vân. Sau khi chọn xong hai vai quan trọng nhất này thì Vân, Ngọc và Vi bước vào một quá trình workshop rất nhiều ngày, hầu như ngày nào cũng vào để tập dượt.
Dạy cho Hạ Vi cách giữ cảm xúc và nuôi cảm xúc hay chuẩn bị cảm xúc cho nhân vật như thế nào. Dạy cho Lan Ngọc lại những cảm xúc mới, tìm tòi con Cám trong Lan Ngọc và đem Lan Ngọc và Hạ Vi kết nối nhân vật với nhau. Trong tất cả quá trình đó, Vân hầu như không có thời gian tập dượt cho mụ dì ghẻ. Vân làm workshop cho cả hai rất nhiều, cả tháng trời trước khi bấm máy. Lại vừa lo công tác đạo diễn để chuẩn bị cho tất cả mọi người về phục trang, đạo cụ, chưa kể làm việc với CGI và các trận đánh. Bên cạnh đó xoay qua làm workshop với diễn viên trẻ. Đó là một thời gian làm việc rất kinh khủng.
Khi chỉ đạo diễn xuất, Hạ Vi diễn những cảnh cảm xúc và tâm lý thì khá khó khăn, nhưng khi đến một cảnh ác thì Hạ Vi diễn rất tự nhiên và hầu như Vân không phải chỉ đạo gì. Lạ thay là cô bé này diễn cảnh ác nhẹ nhàng chứ không phải cực nhọc như những cảnh tâm lý trước đó.
Khi ra phim trường, Lan Ngọc khi đã tìm được cô Cám và nhập vai rồi thì diễn xuất thần. Còn Hạ Vi, bởi vì thiếu kinh nghiệm và không tập trung, nên hay bị xao lãng và không giữ được cảm xúc. Hạ Vi rất nhạy bén và thông minh, nên cũng may là cô quay lại được với cảm xúc nhân vật. Và Vân cũng chắc là cô gái này sẽ đi xa hơn nhiều sau Tấm Cám./.