Ngoại trưởng Hàn Quốc và Nhật Bản trao đổi về các hạn chế xuất khẩu

Cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng diễn ra sau khi Hàn Quốc tuyên bố sẽ nối lại việc khiếu nại lên WTO liên quan đến việc Nhật áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu 3 loại vật liệu công nghệ cao.
Ngoại trưởng Hàn Quốc và Nhật Bản trao đổi về các hạn chế xuất khẩu ảnh 1Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi (phải) và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (trái) tại cuộc gặp ở Nagoya, Nhật Bản, ngày 23/11/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 3/6, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi và bày tỏ "rất lấy làm tiếc" về việc Nhật Bản tiếp tục các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với Hàn Quốc liên quan vấn đề lao động Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong các nhà máy Nhật Bản thời chiến.

Cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng diễn ra một ngày sau khi Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc tuyên bố sẽ nối lại các thủ tục khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan đến việc hồi tháng Bảy năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chip điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc.

Văn phòng Ngoại trưởng Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm, bà Kang Kyung-wha Kang bày tỏ vô cùng lấy làm tiếc rằng Nhật Bản đã từ chối gỡ bỏ các biện pháp hạn chế ngay cả sau khi Seoul giải quyết tất cả các vấn đề mà Nhật Bản nêu ra như là lý do dẫn tới các hạn chế đó.

Quan chức ngoại giao hàng đầu này cũng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu nói trên.

Về phần mình, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Ngoại trưởng Motegi cũng bày tỏ "rất lấy làm tiếc" trước quyết định của Seoul nối lại thủ tục khiếu nại lên WTO về việc Tokyo siết chặt kiểm soát xuất khẩu, cho rằng động thái này "không có lợi" cho tiến trình giải quyết bất đồng giữa hai bên.

Quan hệ Nhật-Hàn đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, sau khi các tòa án Hàn Quốc cuối năm 2018 phán quyết một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên.

Căng thẳng leo thang khi tháng 7/2019, Nhật Bản siết chặt các quy định xuất khẩu đối với các loại vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc.

Sau đó, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, với lý do hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Seoul đối với các mặt hàng nhạy cảm còn lỏng lẻo.

Phía Hàn Quốc đã phản đối mạnh các động thái trên của Nhật Bản, cho rằng đó là hành động trả đũa các phán quyết trên của tòa án Hàn Quốc và sau đó cũng chính thức loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy của Seoul.

Chính phủ Hàn Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên WTO liên quan các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản, song đã hoãn động thái này sau khi hai bên nhất trí giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.