Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 15/4 đã cáo buộc chính quyền hiện tại của Mỹ vẫn theo đuổi chính sách của người tiền nhiệm nhằm gây sức ép với Tehran.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Zarif nêu rõ chính quyền Tổng thống Joe Biden “thể hiện cam kết với chính sách gây áp lực tối đa của ông (Donald) Trump.”
Bình luận được đưa ra trong bối cảnh phái đoàn Iran vừa tổ chức các cuộc họp với đại diện Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức tại thủ đô Vienna của Áo, nhằm bàn về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và vấn đề hạt nhân của Tehran.
Liên quan đến cuộc đàm phán, ngày 15/4, ông Vương Quân, đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc cho rằng tất cả các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), nên loại bỏ những bất đồng và đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm đưa ra một thỏa thuận để Mỹ và Iran tiếp tục tuân thủ JCPOA, được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) năm 2015.
[Iran xoa dịu quan ngại của phương Tây về chương trình hạt nhân]
Tại cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp JCPOA ở Vienna, ông Vương Quân cũng kêu gọi Mỹ quay trở lại thỏa thuận JCPOA ngay lập tức và vô điều kiện. Ông cho rằng Washington nên dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran - có thể là lệnh trừng phạt đối với Iran hoặc các biện pháp tài phán kéo dài đối với các cá nhân và thực thể thứ ba.
Theo ông, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt không chỉ là "chìa khóa thành công" của các cuộc đàm phán mà còn là những gì cần làm để nối lại việc tiếp tục thực thi JCPOA cũng như bảo vệ thỏa thuận này. Vấn đề quan trọng là Mỹ nên đưa ra một kế hoạch cụ thể để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và dựa trên cơ sở này, Iran nối lại việc thực thi JCPOA một cách toàn diện.
Liên quan đến sự cố tại cơ sở hạt nhân Natanz của Iran, ông Vương Quân khẳng định Trung Quốc lên án mạnh mẽ và kiên quyết phản đối các hành động phá hoại.
Tương tự, ngày 15/4, Bộ Ngoại giao Syria cũng lên án các cuộc tấn công "khủng bố" nhằm vào các mục tiêu tại Iran. Bộ trên cũng đưa ra cam kết hỗ trợ đối với Iran trong việc bảo vệ lợi ích của nước này và đạt được tiến bộ khoa học và công nghệ hơn nữa.
Tuần trước, Iran và các cường quốc trên thế giới đã tiến hành các cuộc đàm phán được mô tả là "mang tính xây dựng" nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Theo thỏa thuận này, Iran được làm giàu urani ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ năm 2018 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết và gần đây đã tăng mức làm giàu urani lên 20%./.