Trang web http://hoangvan.org sẽ được ra mắt đúng vào 100 ngày mất nhạc sĩ Hoàng Vân-cây đại thụ của âm nhạc Việt vào 14/5, do hai con của ông: Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh và nhạc trưởng Lê Phi Phi thực hiện.
Từ Pháp, tiến sỹ âm nhạc Lê Y Linh, con gái của nhạc sỹ quá cố Hoàng Vân chia sẻ với VietnamPlus nhân việc gia đình quyết định ra mắt trang web http://hoangvan.org đúng dịp tròn 100 ngày mất của ông (14/5/2018).
[Mega Story] Âm nhạc Hoàng Vân: Cho ngày nay, cho muôn đời sau]
Để âm nhạc lan tỏa
- Nhạc sỹ Hoàng Vân là tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam. Vì vậy, thông tin về việc ra mắt trang web cho cố nhạc sỹ thực sự có ý nghĩa và gây xúc động như một thư viện giúp lưu giữ di sản âm nhạc của nhạc sỹ Hoàng Vân. Ý tưởng này là tâm nguyện của cố nhạc sỹ lúc sinh thời hay xuất phát từ ý muốn của gia đình sau khi cố nhạc sỹ qua đời, thưa chị?
Tiến sỹ âm nhạc Lê Y Linh: Sinh thời, cha tôi sáng tác rất nhiều tổng phổ và bài thu nhưng cũng bị thất tán khá nhiều. Vào những năm 2000, tôi chỉ suy nghĩ là tập hợp thu vào CD, lưu giữ ở thư viện gia đình và in một cuốn sách với tất cả các tổng phổ. Tuy nhiên, nhạc cần được chơi, ca khúc phải được hát lên thì mới sống. Chính vậy mà với kỹ nghệ của năm 2018, trang web là một phương tiện không thể thay thế được cho việc làm bảo tàng sống này, để âm nhạc có thể đến với bất cứ ai.
- Chọn thời điểm ra mắt đúng 100 ngày mất của cha mình, hẳn chị và gia đình đã phải rất quyết tâm để hoàn thiện được “món quà” quý giá này?
Tiến sỹ âm nhạc Lê Y Linh: Ý tưởng thật ra đã được ấp ủ từ lâu, nhiều bản thu thanh cũng đã được thu thập từ những năm 2000. Tới năm 2015, khi cha tôi ốm nặng, tôi cũng đã lọc tìm được hết những tổng phổ, đặc biệt là những bài chưa công bố, và đã lưu dưới dạng số.
hế nên sau khi cha khuất núi, tôi đã chia sẻ kinh nghiệm xử lý thông tin và em tôi là nhạc trưởng Lê Phi Phi đã góp phần rất nhiều vào việc lọc tư liệu tổng phổ và tư liệu thu thanh. Sau đó, chỉ cần có một phương pháp làm việc hiệu quả, cùng với quyết tâm phải ra mắt bằng được trang web này vào đúng dịp một trăm ngày của cha, thì trang web mới nhanh chóng được thành hình.
Dự định thì quả thật đã có từ lâu nhưng phải đến khi cha tôi mất đi thì chị em chúng tôi mới càng mong muốn "biến đau thương thành hành động" bằng một việc làm thật ý nghĩa và thấm đượm tinh thần lạc quan,hướng tới ngày mai như cha chúng tôi hằng mong muốn.
"Bảo tàng sống" sự nghiệp âm nhạc Hoàng Vân
- Với một khối lượng tư liệu đồ sộ và chỉnh chu, công chúng yêu nhạc có thể xem đây là “bảo tàng sống” về sự nghiệp âm nhạc của nhạc sỹ Hoàng Vân hay không?
Tiến sỹ âm nhạc Lê Y Linh: Trước hết là có thể nghe nhạc của Hoàng Vân. Có thể vào tìm các play-list ưa thích theo chủ đề, hoặc tìm được từng bài, có thể tra cứu lời, và với một số điều kiện, có thể tra được tổng phổ của từng bài. Trang web cũng công bố rất nhiều tổng phổ là bút tích của nhạc sỹ.
Trang web có tham vọng là thống kê được tất cả những gì có liên quan đến nhạc sĩ Hoàng Vân trong từng tác phẩm, cuộc đời nghệ thuật và âm nhạc, vậy nên sẽ là một kho tư liệu cho những người muốn tìm kiếm tất cả những gì liên quan. Họ có thể khám phá thêm được những điều hay, đẹp trong cuộc đời cũng như tác phẩm của ông.
Đây cũng là nơi chúng tôi liên hệ với các ca sĩ, nhạc sĩ, đơn vị biểu diễn âm nhạc để tạo ra nguồn giao lưu nhằm làm sống lại những tác phẩm của nhạc sĩ trên sân khấu, trong các trường, khắp miền đất nước, đúng vị trí mà nhạc sỹ kỳ vọng lúc sáng tác ra chúng.
Trang web là một dụng cụ mở nhanh nhạy. Tôi đề nghị đặt chế độ giao lưu để xin được tư liệu, hồi ký của những người có hảo tâm muốn công bố cho chúng ta biết được nhiều điều hơn nữa về thân thế và tác phẩm của nhạc sỹ.
Ngày hôm nay, trang web này chỉ như một ngôi nhà mới xây và có một chút trang bị cơ bản, hy vọng nhờ vào nhiệt tình giao lưu và đóng góp của khách đến chơi nhà, chúng tôi hy vọng sẽ trang trí được ngôi nhà này toàn thiện toàn mỹ như nhạc sỹ Hoàng Vân hướng tới lúc sinh thời.
Ngày hôm nay, trang web này chỉ như một ngôi nhà mới xây và có một chút trang bị cơ bản, hy vọng nhờ vào nhiệt tình giao lưu và đóng góp của khách đến chơi nhà, chúng tôi hy vọng sẽ trang trí được ngôi nhà này toàn thiện toàn mỹ như nhạc sỹ Hoàng Vân hướng tới lúc sinh thời.
“Ngôi nhà âm nhạc Hoàng Vân” mới xong phân thô
- Tôi tin rằng, sự ra đi của nhạc sỹ Hoàng Vân vẫn còn ngổn ngang và bối rối trong lòng người thân. Điều khó khăn nhất với chị khi xây dựng và hoàn thiện trang web này?
Tiến sỹ âm nhạc Lê Y Linh: Tôi viết tất cả những phần liên kết của trang web hiện nay chỉ trong một ngày chủ nhật mưa lạnh trước bão biển ở vùng Normandie, tai nghe playlist,không phân biệt thể loại bài nào của ông. Là một nhà lý luận âm nhạc, nhưng tôi không nghĩ rằng mình có thể viết gì hay hơn ông viết. Chỉ đơn giản trích một đoạn này, lược một câu kia, để vào bối cảnh của mục liên quan, là đủ.
Lúc viết, tôi chỉ nghĩ về cha tôi. Như Người vẫn còn đó, chỉ cho tôi từng dòng khi tôi mở từng trang tác phẩm của ông. "Ý tại ngôn ngoại" cha tôi vẫn dạy thế, nhưng ý của cha viết trong từng bài đủ sức thuyết phục và giàu có để tồn tại một mình, không cần người bình luận. Trong mọi trường hợp, tôi không nghĩ tôi sẽ là người làm được những công trình nghiên cứu về nhạc của cha tôi, không đủ tính khách quan, mà tính khách quan là tính cách đầu tiên phải có của một nhà nghiên cứu.
- Trên trang web có mục Foundation Sự nghiệp Nhạc sỹ Hoàng Vân, đây là một hình thức khá mới. Chị có thể chia sẻ thêm được không?
Tiến sỹ âm nhạc Lê Y Linh: Foundation là một hình thức cụ thể hóa để là nơi hội tụ những ý tưởng mà chúng tôi muốn làm, nhằm giúp âm nhạc Hoàng Vân ngày càng gần với quần chúng yêu thích nó. Ý tưởng này là làm sao bảo tồn, phân tích giá trị và quảng bá âm nhạc của nhạc sĩ bằng nhiều phương thức khác nhau: khuyến khích công trình nghiên cứu, trợ giúp cho những người muốn tìm hiểu và nghiên cứu, hỗ trợ những dự án biểu diễn tác phẩm của nhạc sỹ.
Việc chúng tôi kêu gọi ủng hộ là để đưa vào một quỹ phục vụ cho mục đích này, và trang web là một phương tiện để Foundation tập trung và thông tin về những hoạt động sau này.
- Chị và nhạc trưởng Lê Phi Phi kỳ vọng gì qua trang web này?
Tiến sỹ âm nhạc Lê Y Linh: Trang web với nội dung như hiện nay mới chỉ là bước đầu. Như tôi đã nói ở trên, tựa như chúng tôi xây một bảo tàng âm thanh cho nhạc sĩ, đặt sẵn những khung để ta có thể "trưng bày" không giới hạn tất cả những gì liên quan đến Hoàng Vân và tác phẩm.
Trước hết, chúng tôi hy vọng là nhờ sự ủng hộ của bạn bè đồng nghiệp xa gần để thu thập «hiện vật» cho bảo tàng sống này: thu thập và đăng hồi ký, kỷ niệm, ảnh, thư, thơ, tổng phổ, bản thu nhạc, chuyện vui chuyện buồn liên quan đến xuất xứ của các tác phẩm…
Cha chúng tôi có một cuộc đời thật may mắn vì có triệu người yêu quý, hâm mộ. Chúng tôi mong thu thập lại những kỷ niệm này và công bố để công chúng hiểu hơn và có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc đời và tác phẩm của ông.
Thứ nữa là công bố trong những điều kiện tối ưu nhất những tác phẩm chưa đưa ra cho công chúng, có tới gần trăm bài hát, bản nhạc hiện chúng tôi đã tìm được, có những tác phẩm viết từ những năm 1960.
Trang web cũng công bố những bài viết về cuộc đời và tác phẩm của nhạc sỹ và khuyến khích những nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc khai thác chất liệu này. Sáng tác của cố nhạc sỹ Hoàng Vân là một nguồn khó cạn để ta có thể tìm hiểu, bình luận, phân tích, đối chiếu với cả một nền âm nhạc cách mạng trong vòng nửa thế kỷ.
Trước nay, chị em tôi chưa làm tròn nghĩa vụ người con như chúng tôi mong muốn lúc cha tôi còn sống nên chúng tôi đã hẹn nhau là sẽ dùng phần còn lại của cuộc đời mình để hoàn thành sứ mệnh mà chúng tôi tự định ra này.
Trong các dự án tiếp theo, rất có thể sẽ có thêm các đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sỹ, hy vọng có được sự chung tay từ những bạn nghề và khán giả yêu quý sáng tác và sự nghiệp của cha tôi.
Cảm ơn những chia sẻ của chị./.