Một thủy thủ đoàn gồm 35 ngư dân người Yemen vô tình đánh được xác một con cá nhà táng khi đang đánh bắt ở Vịnh Aden.
Sau khi kéo vào bờ, do mùi nồng nặc bốc ra từ xác con cá, thủy thủ đoàn nghi ngờ có long diên hương trong dạ dày con cá voi.
Họ đã tiến hành mổ bụng con cá và kết quả là tìm thấy một khối long diên hương nặng khoảng 127kg. Các ngư dân quyết định bán nó cho một lái buôn tới từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) rồi chia đều lợi nhuận với nhau.
“Mùi không thơm lắm nhưng nó đáng giá rất nhiều tiền,” một ngư dân chia sẻ với BBC.
['Đại gia' hàng hiệu LVMH sản xuất nước rửa tay sát khuẩn]
Chất nôn của cá voi, hay còn có tên long diên hương, là một loại hợp chất có mùi nồng nặc chỉ tồn tại trong hệ tiêu hóa của cá nhà táng.
Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Vương quốc Anh, chất này được gọi là “báu vật của biển” hay “vàng nổi” vì độ quý hiếm của nó.
Các nhà khoa học cho rằng chất quý hiếm được tạo ra là do khối lượng động vật chân đầu (bao gồm mực và bạch tuộc) khổng lồ mà cá nhà táng tiêu thụ.
Trong khoang miệng của các loài động vật này có phần hàm, với cấu tạo là chất sừng dẻo cứng, và răng, không dễ tiêu hóa.
Chất sừng khi kết hợp với dịch tiết dạng sáp từ ruột cá voi sẽ tạo thành long diên hương.
Long diên hương chỉ có thể bài tiết ra ngoài cùng với phân cá voi. Nó có mùi nồng nặc khi ra môi trường bên ngoài, do đó được gọi là “bãi nôn” hoặc "phân hiếm" của cá nhà táng.
Long diên hương đặc biệt có giá trị trong việc giữ mùi hương nước hoa. Theo National Geographic, các hãng nước hoa Chanel và Lanvin sử dụng long diên hương trong một số mùi hương cao cấp của họ.
Đây không phải là lần đầu tiên ngư dân đánh bắt được cá voi mang long diên hương. Vào tháng 11/2020, ngư dân Thái Lan Narit Suwansang đã tìm thấy một khối long diên hương nặng 100kg, trị giá 3,3 triệu USD, khi đang đánh bắt dọc bờ biển gần Vịnh Thái Lan./.