Những ngày qua, trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngư dân tỉnh Bình Thuận vẫn quyết tâm ra khơi bám biển, khai thác hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình, bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản Bình Thuận, hiện nay ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển Trường Sa. Các tàu dịch vụ hậu cần hải sản cũng đang hoạt động trên vùng biển này để hỗ trợ ngư dân bám biển dài ngày.
Tại cảng cá Phan Thiết, La Gi, Liên Hương... những ngày này đều tấp nập tàu cá vào bờ sau chuyến biển dài ngày, cũng như những tàu cá đang chuẩn bị ngư cụ tiếp tục ra khơi.
Ngư dân Nguyễn Trần Nghĩa (Phan Thiết) cho biết: "Vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là của mình, tôi ra Biển Đông đánh bắt không sợ gì Trung Quốc. Cuộc sống của bà con ngư dân gắn liền với biển đảo quê hương thì phải tiếp tục gắn bó, chứ không e ngại gì cả. Khi chúng tôi ra khơi, bên cạnh các tàu cá của mình còn có các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng hỗ trợ nên chúng tôi không đơn độc. Ngư dân luôn được tiếp sức và yên tâm vươn khơi, sản xuất tại các vùng biển của Tổ quốc."
Để hỗ trợ ngư dân bám biển, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều chính sách thiết thực, trong đó việc thành lập các mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển đã mang lại nhiều hiệu quả.
Với sự ra đời đầu tiên của Nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng (Phan Thiết) đã được ngư dân đồng tình ủng hộ và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao. Sau đó, các nghiệp đoàn nghề cá ở các huyện Tuy Phong, Phú Quý và thị xã La Gi tiếp tục được thành lập. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có bốn nghiệp đoàn nghề cá.
Bà Lê Thị Bạch Phượng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận, cho biết việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá đã góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân và chăm lo đời sống cũng như bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của ngư dân. Các thuyền trưởng và ngư dân an tâm hơn trong việc ra khơi, bám biển, cùng nhau hỗ trợ khi có sự cố xảy ra...
Bên cạnh Nghiệp đoàn nghề cá, đến nay tỉnh đã thành lập trên 600 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển. Đây là mô hình hợp tác giúp đỡ nhau trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản và hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố trên biển, đồng thời góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển.
Ông Đỗ Minh Thông, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá thị xã La Gi, cho biết ngư dân nghiệp đoàn tiếp tục đoàn kết trên biển, bám sát ngư trường khai thác, đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường truyền thống, góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Những tàu cá trong nghiệp đoàn đều đang hành nghề trên vùng biển Trường Sa.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép không chỉ cản trở đến việc đánh bắt cá của ngư dân tại khu vực này mà còn vi phạm nghiêm trọng đến vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam.
Những ngày qua, tàu đánh bắt xa bờ vẫn ra khơi như thường lệ. Đội ngũ tàu cá các nghiệp đoàn cũng đã góp phần làm tốt bảo vệ an ninh trên những vùng biển, giúp lực lượng chấp pháp bảo vệ vững chắc biển đảo, đối phó với mọi tình huống phức tạp.
Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam cũng đã chính thức có văn bản tuyên bố về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cản trở hoạt động làm ăn bình thường của đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam và ngư dân Việt Nam.
Đồng thời, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam kêu gọi đoàn viên các nghiệp đoàn nghề cá và ngư dân Việt Nam tiếp tục ra khơi bám biển, tiến hành hoạt động khai thác thủy, hải sản, góp phần cùng các lực lượng chức năng của Việt Nam kiên quyết đấu tranh, phản đối hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân, Chi đoàn của các sở, ban ngành trong tỉnh đã tiến hành tặng cờ tổ quốc cho các ngư dân. Những lá cờ đỏ tung bay trên mỗi chiếc thuyền là hành động khẳng định chủ quyền của đất nước, của dân tộc./.