Ngư dân Khánh Hòa ra quân chuyến khai thác hải sản xuyên Tết Quý Mão

Trong chuyến khai thác hải sản đầu năm 2023, toàn tỉnh Khánh Hòa có 45 tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương cùng "xuất quân" ra khơi xa, xuyên Tết Quý Mão.
Ngư dân Khánh Hòa ra quân chuyến khai thác hải sản xuyên Tết Quý Mão ảnh 1Chi cục Thủy sản Khánh Hoà tổ chức lễ ra quân khai thác thủy sản năm 2023. (Ảnh Đặng Tuấn/TTXVN)

Ngày 7/1, tại cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã tổ chức lễ ra quân khai thác hải sản năm 2023, nhằm khuyến khích, động viên ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong chuyến này, toàn tỉnh Khánh Hòa có 45 tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương cùng "xuất quân" ra khơi xa, xuyên Tết Quý Mão.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, biển, đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Biển đảo là nhà, là nguồn sống của hàng triệu ngư dân Việt Nam. Nhiều thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương để bảo vệ, gìn giữ. Kinh tế biển, trong đó có ngành khai thác thủy sản đã đóng góp to lớn và rất quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Khánh Hòa, với đường bờ biển dài khoảng 385km, cùng hơn 200 đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh kín gió, cảng nước sâu và đặc biệt là Quần đảo Trường Sa rất thuận lợi cho phát triển khai thác thủy sản.

Theo ông Bản, thời gian qua, hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, góp phần ổn định đời sống cộng đồng ngư dân. Tuy nhiên, những năm qua, khai thác hải sản cả nước nói chung, Khánh Hòa nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tác động từ "thẻ vàng" đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Song, ngư dân Khánh Hòa với tinh thần lao động hăng say vẫn tích cực vươn khơi bám biển.

[Đảm bảo xuất khẩu thủy sản không vi phạm quy định chống khai thác IUU]

Hoạt động khai thác thủy sản đã đóng góp rất lớn trong cơ cấu kinh tế ngành thủy sản, đồng thời góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Năm 2022 sản lượng khai thác thủy sản đạt 95.000 tấn, chiếm 87% tổng sản lượng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng nhanh và đã đạt 760 triệu USD. Đặc biệt cộng đồng ngư dân đã đồng hành thực hiện tốt các quy định về chống khai thác bất hợp pháp (IUU).

Ngư dân Khánh Hòa ra quân chuyến khai thác hải sản xuyên Tết Quý Mão ảnh 2Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa trao các phần quà Tết ý nghĩa gồm nhu yếu phẩm, cờ Tổ quốc cho ngư dân. (Ảnh Đặng Tuấn/TTXVN)

Từ ngày 18-25/10/2022, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã làm việc trực tiếp tại tỉnh Khánh Hòa. Qua kiểm tra, Đoàn thanh tra EC đã đánh giá cơ bản tỉnh Khánh Hoà đã thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phục vụ cho công tác thanh tra.

Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu đã ghi nhận nỗ lực và đánh giá Khánh Hòa là một trong số các địa phương thực hiện tốt nhất việc chống khai thác IUU của Việt Nam. Để đạt được kết quả tích trong chống khai thác IUU có sự đồng hành của bà con ngư dân, các chủ tàu, thuyền trưởng cùng các cơ quan nhà nước.

Tại buổi lễ, Chi cục thủy sản Khánh Hòa đã trao các phần quà Tết ý nghĩa gồm nhu yếu phẩm, cờ Tổ quốc, áo phao... cho các chủ tàu và bà con ngư dân tham gia chuyến đánh bắt hải sản xuyết Tết này.

Anh Dương Tèo, 47 tuổi (chủ tàu cá KH-99498-TS và KH-93148-TS, Nha Trang, Khánh Hòa) đã có hơn 30 lần đón Tết trên biển chia sẻ mong muốn chuyến đi biển được thuận lợi thu hoạch thu được khoảng 60 đến 70 con cá ngừ đại dương thì mới đủ chi phí và trả tiền lương cho người lao động. Mỗi chuyến đi biển anh theo phải chi phí dầu và nhân công từ 120-150 triệu đồng/tàu.

Trong khi đó, ông Cao Văn Thơ, năm nay 53 tuổi (phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang), có 31 năm ngồi trong buồng lái và hiện là chủ 4 con tàu đang ngày đêm bám biển cho biết, mỗi chuyến đi biển thường kéo dài 20 ngày trở lên, từ 16 âm lịch đến đầu tháng Giêng. Đầu năm ra khơi ai cũng muốn có một mùa bội thu. 

Để góp phần tháo gỡ "thẻ vàng" phục hồi ngành thủy sản, tàu ông Cao Văn Thơ cũng như nhiều ngư dân khác cam kết sẽ chấp hành các quy định của pháp luật, không khai thác hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Ngư dân Nguyễn Tấn Lầu, chủ tàu cá KH 96738 TS ở phường Vĩnh Phước, Nha Trang đang cùng các thành viên trong đoàn đang tất bật chuẩn bị nạp dầu cho chuyến ra khơi dài ngày chia sẻ, trong không khí nhân dân cả nước nô nức chào đón Tết cổ truyền của dân tộc thì ngư dân lại vươn khơi bám biển khai thác thủy sản.

Đâu đó vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm rình rập, nhưng ngư dân vẫn khơi bám biển bởi vì sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ để mưu sinh mà góp phần khẳng định bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.