Ngư dân Pháp chặn tàu bè qua Eo biển Manche nhằm phản đối Anh

Nhiều tàu đánh cá muốn vào cảng Calais (miền Bắc nước Pháp) đã bị chặn lại trong một cuộc biểu tình kéo dài 1,5 giờ và ngư dân cũng dự định chặn các xe chở hàng muốn vào đường hầm qua eo biển này.
Ngư dân Pháp chặn tàu bè qua Eo biển Manche nhằm phản đối Anh ảnh 1Tàu đánh cá của Anh bị lực lượng chức năng Pháp bắt giữ và được đưa tới cảng miền Bắc Le Havre để phục vụ điều tra. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/11, ngư dân Pháp đã bắt đầu một ngày hành động nhằm làm gián đoạn giao thông qua Eo biển Manche để phản đối việc Anh đưa ra các quyền đánh cá hậu Brexit.

Nhiều tàu đánh cá muốn vào cảng Calais (miền Bắc nước Pháp) đã bị chặn lại trong một cuộc biểu tình kéo dài 1,5 giờ. Trên bộ, ngư dân cũng dự định chặn các xe chở hàng muốn vào đường hầm qua eo biển này.

Một băngrôn treo trên tàu Marmouset II, một tàu cá của người biểu tình, có dòng chữ: "Chúng tôi muốn được cấp phép đánh cá trở lại."

Người phụ trách khu vực của liên đoàn đánh cá CNPMEM, ông Olivier Lepretre cho biết hành động của người biểu tình nhằm "gây sức ép với Chính phủ Anh" và cảnh báo sẽ có thêm các hành động khác, trong đó nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu từ Anh.

Một hành động tương tự cũng đã diễn ra tại cảng Saint-Malo, song không ảnh hưởng bởi giao thông sáng 26/11 tại khu vực này phải tạm ngừng vì thời tiết xấu.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 25/11 bày tỏ "thất vọng trước những đe dọa biểu tình," đồng thời cho rằng "phía Pháp phải đảm bảo không xảy ra hành động bất hợp pháp và không ảnh hưởng đến giao thương."

[Pháp, Anh nhất trí giảm căng thẳng liên quan vấn đề quyền đánh cá]

Anh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn về nguồn cung ứng do gián đoạn giao thương hậu Brexit và thiếu tài xế xe tải lẫn nhiên liệu. Nước này vốn phụ thuộc lớn vào các cảng biển ở Pháp, đặc biệt để nhập khẩu thực phẩm tươi sống.

Hành động của ngư dân Pháp xảy ra trong bối cảnh quan hệ Anh-Pháp rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo một thỏa thuận mà Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã ký năm 2020, tàu đánh cá của châu Âu có thể tiếp tục được đi qua vùng biển của Anh nếu xin cấp phép mới và có thể chứng tỏ đã hoạt động tại đây trong quá khứ.

Nhưng Paris cho biết hàng chục tàu của Pháp đã bị từ chối khi xin cấp phép đánh cá trong vùng biển giàu tài nguyên của Anh, điều mà London bác bỏ. Pháp cũng cáo buộc chính quyền đảo tự trị Jersey của Anh cản trở ngư dân Pháp.

EU ngày 24/11 đã đưa ra hạn chót cho Anh đến ngày 10/12 giải quyết vấn đề cấp giấy phép đánh bắt cá cho ngư dân Pháp, những người khiếu nại rằng các đòi hỏi hậu Brexit của Anh là quá phiền hà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.