Tôm hùm ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên là loài thủy sản được nuôi chủ lực. Nơi đây cũng được xem là “thủ phủ” tôm hùm của Việt Nam với năng suất và sản lượng tôm thương phẩm cao.
Tuy nhiên những tháng gần đây, giá tôm hùm lên xuống thất thường do thiếu thị trường ổn định. Điều này khiến người nuôi gặp khó khăn.
Tại phường Xuân Thành (thị xã Sông Cầu), thương lái đã bắt đầu mua tôm hùm xanh để xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Ở trong nước, các nhà hàng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhập tôm về để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Nhờ hoạt động thu mua tôm đã trở lại nên giá tôm hùm xanh đã bắt đầu nhích lên mức 700 nghìn đồng/kg (loại tôm từ 4 con/kg trở lên). Trước đó vào thời điểm từ tháng 3-5/2022 giá tôm chỉ ở mức từ 550-600 nghìn đồng/kg.
Mặc dù giá không cao nhưng gia đình ông Lê Văn Cư, phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu vẫn quyết định bán 20 lồng tôm hùm xanh để “cắt lỗ.”
Ông Cư cho biết giá bán hiện tại khoảng 700 nghìn đồng thì người nuôi hòa vốn, nếu tôm đạt năng suất thì có thể lời chút ít. Bây giờ mọi chi phí thức ăn cho tôm và xăng dầu vận chuyển lên rất cao nếu tiếp tục nuôi thì khó có thể duy trì được. Mức tôm như hiện nay là giảm khoảng từ 200-300 nghìn đồng so với năm ngoái.
[Thủ phủ tôm hùm Phú Yên giữ an toàn để ổn định sản xuất]
Thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, các hộ nuôi đã thả 48.695 lồng (bằng 106 % so cùng kỳ) tôm hùm thịt. Sản lượng tôm hùm các loại ước đạt 630 tấn (bằng 121 % so cùng kỳ).
Bước sang tháng 6/2022 người nuôi tôm đang tập trung thu hoạch tôm hùm thịt trước khi mùa mưa tới. Việc thương lái thu mua trở lại phần nào tạo thuận lợi cho người nuôi.
Ông Phạm Thanh Sơn, thương lái thu mua tôm hùm tại thị xã Sông Cầu, cho biết do dịch COVID-19 nên Trung Quốc đóng cửa biên giới, không thể xuất bán được tôm hùm. Hiện tại biên giới đã mở cửa trở lại nên bà con và thương lái đều bán được tôm.
Việc vận chuyển tôm được thực hiện bằng xe nên giảm chi phí so với trước đây là vận chuyển bằng máy bay vì thế giá tôm có tăng lên. Đây là điều đáng mừng vì nhiều hộ nuôi đang tập trung thu hoạch tôm hùm trước khi nắng nóng cao điểm và mưa lũ.
Hiện việc mua bán tôm hùm đã có tín hiệu tích cực trở lại nhưng giá cả vẫn không ổn định vì bị hạn chế do chính sách nhập khẩu của thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, người nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung chưa thực hiện các thủ tục hành chính nên rất khó để xuất khẩu chính ngạch.
Theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, tôm hùm nuôi tại Phú Yên chủ yếu xuất bán cho thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Đa số người nuôi tôm chưa thực hiện các thủ tục hành chính trong chăn nuôi nên việc thực hiện xuất khẩu theo đường chính ngạch là hết sức khó khăn. Chính vì vậy, bà con phải có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường. Người chăn nuôi cũng nên thực hiện các thủ tục như đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, kê khai ban đầu,… để chính quyền địa phương có thể hỗ trợ việc tiêu thụ.
Do giá tôm còn ở mức thấp nên nhiều hộ nuôi tôm có xu hướng kéo dài thời gian nuôi để tôm đạt trọng lượng lớn hơn và chờ giá. Trong điều kiện thời tiết và dịch bệnh ở tôm nuôi thất thường cần phải chú trọng đến đảm bảo vệ sinh môi trường, thả nuôi tôm với mật độ vừa phải./.