Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới địa đầu của Tổ quốc, địa hình có độ chia cắt lớn, khí hậu khắc nghiệt.
Bên cạnh những khó khăn, thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Giang những tiềm năng to lớn về đất đai, động thực vật, cảnh quan môi trường và khoáng sản trong lòng đất.
Toàn tỉnh có 23 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, mỗi dân tộc đều có những nét riêng có, tạo nên một bức tranh văn hóa của Hà Giang đặc sắc muôn màu. Đến với Hà Giang trong dịp Tết Nguyên đán, du khách sẽ được thưởng thức, chiêm ngưỡng phong tục đón Tết Nguyên đán độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Gánh “nước bạc, nước vàng” để cầu may
Là một dân tộc thiểu số ít người nhất ở Hà Giang, dân tộc Pu Péo hiện chỉ có trên 628 người ở Hà Giang trên tổng số dân số trong toàn tỉnh. Người Pu Péo sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là, huyện Đồng Văn; xã Sủng Tráng và Phú Lũng, huyện Yên Minh, một số ít sinh sống tại xã Yên Cường, huyện Bắc Mê.
Theo hồi ức của những người già và quan niệm của người Pu Péo, mọi sự sinh tử của con người trần gian đều do các vị thần trên trời quyết định. Vào chiều ngày tất niên, người Pu Péo sẽ tổ chức gọi hồn cho mỗi thành viên trong gia đình. Người ta quan niệm rằng, suốt một năm làm lụng vất vả, mọi người đi lại nhiều, hồn vía tứ tán khắp nơi. Trước khi hết năm, cần gọi hồn về để đón năm mới với ước muốn có nhiều sự tốt lành hơn.
Ngoài các vị thần, linh hồn tổ tiên cũng có những tác động đến cuộc sống của mỗi gia đình, vì thế người Pu Péo nhất thiết phải thờ cúng tổ tiên. Trên bàn thờ, người ta không đặt vị hay thần chủ mà chỉ đạt các hũ nhỏ, mỗi hũ tượng trưng cho một đời. Khi cúng tổ tiên, bao giờ người Pu Péo cũng có 2 mâm cúng, một mâm là cho tổ tiên và một mâm là cho ma ngoài, ma dưới. Các vật hiến sinh bao giờ cũng được cúng hai lần, một lần trước khi giết thịt và một lần sau khi đã được nấu chín.
Không chỉ duy trì phong tục đón Tết cổ truyền, cũng giống như những dân tộc khác, trong dịp Tết, người Pu Péo có tục gói bánh chưng, nhưng độc đáo ở chỗ ở gói hai loại bánh: Bánh chưng đen ăn vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ và bánh chưng trăng cúng vào tối 30 để mừng năm mới.
Đặc biệt, vào sáng mùng một Tết, nam nữ dân tộc Pu Péo cùng nhau đi gánh "nước bạc, nước vàng" để cầu may, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đặc biệt, trong 3 ngày Tết, dân tộc Pu Péo không rửa bát đũa sau mỗi lần ăn, mà chỉ dùng giấy lau sạch. Họ tin rằng, nếu ngày tết mà bát đũa sạch sẽ thì cả năm sẽ đói ăn.
"Ăn cắp" lấy may của dân tộc Lô Lô
Lô Lô là một trong những dân tộc ít người tại Việt Nam , dân tộc Lô Lô hiện có trên 1.523 người sinh sống ở Hà Giang. Từ nhiều đời nay dân tộc Lô Lô vốn định cư và sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Theo ông Sìn Gỉ Gai, trưởng bản Lô Lô Chải xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn: Người Lô Lô chuẩn bị đón tết rất chu đáo, mỗi năm người Lô Lô đón 2 cái Tết lớn, đó là Tết cả (Tết năm mới) và Tết tháng 7.
Trước đây, dân tộc Lô Lô ăn Tết Nguyên đán kéo dài suốt từ 30, mùng 1 đến tận rằm tháng Giêng. Ngày 30 Tết, nhà nào nhà nấy thịt lợn, họ để cả con vật mới mổ cúng cho tổ tiên chứng giám lòng thành, sau đó mới làm mâm cỗ cúng vào tối 30 và ngày mùng 1 tết. Và họ cũng chỉ cúng vào ngày mùng 1 và ngày 15 tháng Giêng là ngày cuối càng của tết năm mới.
Nét độc đáo trong ngày Tết cổ truyền, từ xa xưa cho đến tận ngày nay, người Lô Lô vẫn tồn tại một tập tục lạ gọi là "khù mi" (ăn cắp chơi - ăn cắp lấy may). Người Lô Lô ở Hà Giang luôn quan niệm rằng thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp điều tốt lành. Do đó, vào tối 30 Tết, mỗi gia đình phải đi ăn cắp cái gì đó và phải lấy cho đủ con số 12. Ví dụ, lấy ngô đủ 12 bắp; lấy gà, gạo, hoa quả cứ đủ con số 12. Đó là con số ứng với 12 tháng trong năm tới may mắn. Nếu mới lấy được 2 hoặc 3, 4... tức chưa đủ 12 mà đã bị phát hiện thì bỏ chạy và năm sau, tháng ứng với những con số phải bỏ chạy đó thì phải kiêng kị không được làm những công việc lớn sợ rủi ro.
Tục đón Tết của dân tộc Phù Lá
Dân tộc Phù Lá hiện chỉ có 847 người, sinh sống chủ yếu ở các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần và Bắc Quang của tỉnh Hà Giang. Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, các gia đình cùng quét dọn, trang trí lại nhà cửa và bàn thờ tổ tiên. Theo quan niệm, ngày Tết trong mỗi gia đình dân tộc Phù Lá ở trong nhà phải sạch sẽ thì cả năm gặp nhiều may mắn. Không giống như những dân tộc khác, dân tộc Phù Lá coi dịp Tết Nguyên đán là một dịp trọng đại, tuy nhiên lại tổ chức khá đơn giản.
Vào dịp tết, nhiều gia đình Phù Lá cũng tổ chức mổ lợn, mổ trâu hoặc mổ ngựa nhưng không phải để cúng mà chủ yếu là để ăn, người ta cũng không gói bánh chưng, mà chỉ làm bánh dày và bánh tẻ. Mâm cỗ cúng sáng mồng một Tết của dân tộc Phù Lá không có rượu, thịt mà chỉ có một đĩa bánh được làm bằng bột gạo tẻ nhào nước, nặn hình tròn, hơi dẹt sau đó nấu trong nước đường, giống kiểu làm bánh trôi của dân tộc Kinh.
Đến sáng mồng 2 Tết, tất cả các gia đình mới cúng gia tiên với mâm cỗ gồm một con gà luộc, một rá cơm tẻ và một chai rượu. Riêng bánh dày không bao giờ được người Phù Lá đưa vào mâm cỗ cúng mà chỉ để biếu thầy mo trong làng vào ngày mồng 3 của năm mới...
Còn rất nhiều phong tục đón Tết độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, song đến Hà Giang trong những ngày Tết Nguyên đán, mỗi du khách được thưởng thức các món ăn cổ truyền của đồng bào dân tộc, được tham gia nhiều truyền chơi truyền thống như đánh cù, thi bắn nỏ, chơi khăng, đu quay.
Tham gia các lễ hội truyền thống, các hội thi nổi tiếng như thi chọi dê, thi chim, đấu ngựa… Cùng thưởng thức các sinh hoạt văn nghệ, dân gian như hát đối, hát giao duyên, múa xòe. Đối với mỗi dân tộc thiểu số đều có một phong tục, nghi lễ đón Tết khác nhau, song tất cả đều hướng tới một ý nghĩa tốt đẹp là cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, tất cả mọi gia đình trong bản đều được ấm no, hạnh phúc. Đây là một nét văn hoá độc đáo mà đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn giá trị bao đời nay./.