Người dân châu Âu ngày càng hoài nghi Hợp tác xuyên Đại Tây Dương

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy ở Pháp, Đức, Anh và Thụy Điển, cũng như ở Hà Lan, tỷ lệ công chúng có cái nhìn ủng hộ Mỹ gần như ở mức thấp nhất trong hai thập kỷ.
Người dân châu Âu ngày càng hoài nghi Hợp tác xuyên Đại Tây Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo tờ Financial Times của Anh, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu có thể âm thầm hy vọng rằng chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tại Mỹ vào tháng 11 tới có thể dẫn đến một kỷ nguyên mới của sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương sau "sự nổi loạn về ngoại giao" của Donald Trump, khi ông chủ Nhà Trắng đe dọa chiến tranh thương mại và gây nghi ngờ về cam kết của Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, người dân châu Âu chưa chắc đã đồng tình với điều đó.

Tuần trước, Viện Clingendael đã công bố kết quả cuộc khảo sát ý kiến công chúng ở Hà Lan, trong đó cho thấy người dân Hà Lan ngày càng hoài nghi độ tin cậy của sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Khi được hỏi liệu Mỹ có là mối đe dọa đối với an ninh của châu Âu hay không, 29% trả lời là "Có" - thấp hơn không nhiều số người có câu trả lời tương tự đối với Trung Quốc và Nga, lần lượt là 35 và 36%.

Một tỷ lệ lớn người dân Hà Lan, 79% số người tham gia trả lời, cho rằng Mỹ sẽ giảm sự bảo vệ đối với châu Âu trong 5 năm tới và yêu cầu châu lục này có trách nhiệm hơn đối với an ninh của chính mình.

Rem Korteweg, nhà nghiên cứu cấp cao của Clingendael và là đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết: “Người dân Hà Lan hy vọng những thách thức về chính sách hiện nay sẽ được giải quyết chủ yếu trong bối cảnh châu Âu, chứ không phải là bối cảnh phương Tây - ám chỉ tới hợp tác xuyên Đại Tây Dương.”

Thật vậy, 72% số người được hỏi cho biết Hà Lan nên hợp tác nhiều hơn với Pháp và Đức, trong đó có 53% đề xuất tăng cường hợp tác cả về quân sự.

Người Hà Lan không đơn độc.

Đầu tháng này, một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy ở Pháp, Đức, Anh và Thụy Điển, cũng như ở Hà Lan, tỷ lệ công chúng có cái nhìn ủng hộ Mỹ gần như ở mức thấp nhất trong hai thập kỷ kể từ khi các cuộc thăm dò này được tiến hành.

[Vì sao Mỹ thúc đẩy quan hệ với các đồng minh mới ở châu Âu?]

Nhận thức này không bị ảnh hưởng bởi cách xử lý đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) của Mỹ, điều mà tất cả các nhóm người được hỏi ở các quốc gia đều đánh giá là kém hơn so cách xử lý của nước họ hay của Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc Trung Quốc.

Alexandra de Hoop Scheffer, Giám đốc tổ chức tư vấn Quỹ German Marshall tại Paris, cho rằng khi người châu Âu lạnh nhạt với Mỹ, người Mỹ cũng đang rời xa châu Âu.

Bà Hoop Scheffer nói: “Chúng ta cần xem xét các xu hướng sâu xa, chứ không phải các dòng tweet của tổng thống. Hãy nhìn cách xã hội Mỹ đang được định hình lại theo nhiều cách”, chẳng hạn về mặt nhân khẩu học, với việc ngày càng có nhiều người Mỹ có tổ tiên đến từ Mỹ Latinh hoặc châu Á.

Bà nói: “Sự quan tâm đến Lục địa già sẽ suy giảm một cách tự nhiên về phương diện văn hóa.”

Về mặt chính trị, bà Hoop Scheffer nói rằng “ngày nay, châu Âu không còn là trọng tâm chiến lược của Washington nữa.” Bà cũng cho rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ ngày càng được nhìn nhận dưới góc độ của sự cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tất cả điều này cho thấy rằng dù ai trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ cũng không ảnh hưởng nhiều đến các lợi ích của châu Âu như một số người nghĩ. Sau chiến tranh Iraq, sự ủng hộ của người châu Âu đối với Mỹ rơi xuống mức thấp nhất, rồi tăng lên sau khi Barack Obama giành chiến thắng.

Tuy nhiên, ông Korteweg cho rằng nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama “rõ ràng là một nỗi thất vọng thực sự đối với châu Âu… những phản ứng của ông ấy hoàn toàn không hề xuyên Đại Tây Dương.”

Điều tương tự có thể xảy ra một lần nữa, ông Korteweg nói: “Thông điệp của Biden, ngay cả khi được che phủ bằng một vỏ bọc mềm mỏng, có thể sẽ vẫn cứng rắn như quan điểm của ông Trump về các vấn đề như chi tiêu quốc phòng và việc lôi kéo người châu Âu đứng về phía mình khi đối phó với Trung Quốc."

Bà Hoop Scheffer chỉ ra rằng giới tinh hoa các quốc gia châu Âu bất đồng với nhau về kỳ vọng mức độ các lợi ích của Mỹ và châu Âu gắn kết với nhau. Theo bà, Pháp là một trong những quốc gia hoài nghi nhất.

Bà nhắc lại rằng Pháp đã “sẵn sàng hành động đối với Syria năm 2013, nhưng khi ấy Obama đã thay đổi quyết định.” Người Đức thiên về một hy vọng "màu hồng và có lẽ là ngây thơ" rằng một chiến thắng của ông Biden sẽ khiến mọi thứ ổn thỏa.

Trong khi đó, đối với Ba Lan và các nước láng giềng, sự hiện diện quân sự của Mỹ là yếu tố "sinh tồn."

Thay vì toàn châu Âu, bà Hoop Scheffer dự báo rằng “cấu trúc E3 (Anh, Đức, Pháp) có thể sẽ là vòng tròn chính sách chính mà Washington sẽ hướng tới khi quyết định các vấn đề quan trọng.”

Tuy nhiên, bà tin rằng “bất kể tổng thống là ai”, chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ thấy các đối tác châu Âu “sẵn sàng thể hiện những bất đồng của mình với Nhà Trắng hơn… bởi vì họ đã đang được rèn luyện với Trump”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.