Người dân, doanh nghiệp vẫn phàn nàn khi làm hồ sơ, thủ tục

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết doanh nghiệp, người dân vẫn còn kêu ca, phàn nàn khi làm các hồ sơ, thủ tục, nhất là thái độ công vụ của công chức, viên chức.
Người dân, doanh nghiệp vẫn phàn nàn khi làm hồ sơ, thủ tục ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Sáng 12/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết theo yêu cầu của Nghị quyết 02, các bộ phải hoàn thành tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ trong quý 1/2019 nhưng đến nay chỉ có một số ít bộ ban hành đầy đủ. Điều này gây lúng túng, khó khăn trong tổ chức thực hiện, xây dựng kế hoạch hành động.

Nhiều địa phương ban hành kế hoạch hành động không sát với yêu cầu, mang tình hình thức hơn là bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực thực thi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ làm việc với nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới để cập nhật kết quả cải cách các chỉ số môi trường kinh doanh theo Báo cáo Doing Business dự kiến công bố tháng 10/2019.

Có một số chỉ số đáng chú ý như khởi sự kinh doanh giảm từ 8 bước thủ tục và 17 ngày xuống 5 bước và 8 ngày; cấp phép xây dựng từ 10 bước thủ tục và 166 ngày xuống 10 bước thủ tục và 62 ngày; số lần nộp thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 5 lần xuống 1 lần; thời gian thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng giảm từ 219 giờ còn 129 giờ...

Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận những văn bản mới ban hành gần đây thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít nhiệm vụ của các bộ, ngành được giao trong Nghị quyết 02 nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt. Đơn cử, Nghị quyết 02 yêu cầu trước tháng 6/2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa có những ghi nhận đáng kể. Nhiều bộ đề xuất ra nghị định sửa các điều kiện kinh doanh nhưng chưa trình Chính phủ ban hành.

[Tạo khung pháp lý vững chắc cho khu vực kinh tế tư nhân]

Hầu hết các bộ chưa có tài liệu hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương, đơn vị thực thi và doanh nghiệp về những cải cách cắt giảm điều kiện kinh doanh; chưa giám sát đầy đủ.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết doanh nghiệp, người dân vẫn còn kêu ca, phàn nàn khi làm các hồ sơ, thủ tục, nhất là thái độ công vụ của công chức, viên chức không hướng dẫn đầy đủ khiến người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để giải quyết.

Trong khi đó, đại diện Bộ Tư pháp nêu thực tế các bộ, ngành phụ trách nhóm chỉ số tổng hợp chưa chủ động chia sẻ thông tin với các bộ, ngành thực hiện các chỉ số cụ thể, nên nhiều cơ quan phải tự đi mày mò, liên hệ chuyên gia quốc tế để tìm hiểu. Sự kết nối, chia sẻ, phối hợp giữa các bộ là chưa chặt chẽ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là phản ánh rất đúng và yêu cầu các bộ phụ trách nhóm chỉ số tổng hợp, các chỉ số cụ thể không chỉ hoàn thành ban hành tài liệu hướng dẫn mà phải chủ động kết nối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan bởi không bộ nào có thể tự cải thiện được cả một chỉ số hay nhóm chỉ số tổng hợp.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ khi thực hiện Nghị quyết 02

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh dù còn những điểm chưa hài lòng hết nhưng nếu thực hiện hết các nhiệm vụ nếu trong Nghị quyết 02 đã rất tốt cho môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của quốc gia.

"Các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt tinh thần kỷ cương, kỷ luật công vụ khi thực hiện Nghị quyết 02 mới có thể tạo chuyển biến rõ rệt, những cải cách mới có hiệu lực, hiệu quả thực sự,” Phó Thủ tướng nói và yêu cầu các bộ, ngành, nhất là những cơ quan phụ trách nhóm chỉ số tổng hợp khẩn trương ban hành ngay tài liệu hướng dẫn còn thiếu để các bộ, ngành khác, địa phương phối hợp thực hiện.

"Có tài liệu hướng dẫn rồi thì các đồng chí tổ chức tập huấn bằng nhiều hình thức: Công khai đầy đủ trên cổng thông tin điện tử, tập huấn qua mạng, làm clip hướng dẫn...," Phó Thủ tướng lưu ý.

Người dân, doanh nghiệp vẫn phàn nàn khi làm hồ sơ, thủ tục ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết của hệ thống thông tin báo cáo trực tuyến để từng bộ, ngành, địa phương có thể cập nhật dữ liệu thường xuyên, cung cấp thông tin kịp thời cho các tổ chức xếp hạng quốc tế.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ do không có sự thống nhất giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng cục Thống kê nên chúng ta vẫn chưa cung cấp được chỉ số về đào tạo nhân lực theo cách tính của quốc tế làm ảnh hưởng đến các chỉ số đánh giá, xếp hạng của nền kinh tế.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ thiết lập hệ thống báo cáo, cập nhật tình hình thực hiện các chỉ số trong Nghị quyết 02 trong thời gian sớm nhất.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 02 trong lĩnh vực quản lý của mình.

Phó Thủ tướng chỉ ra ở tầm Trung ương, ngoài hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng thì Bộ Nội vụ, các bộ phụ trách nhóm chỉ số tổng hợp, các chỉ số cụ thể hầu như chưa kiểm tra, giám sát.

"Đề nghị các cơ quan chức năng có ngay các đợt kiểm tra để xem tiến độ thực hiện đến đâu, đã làm được gì, đang vướng mắc chỗ nào. Đặc biệt rất cần gặp gỡ, đối thoại với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, trước hết là những vấn đề nóng nhất trong lĩnh vực bộ, ngành mình phụ trách," Phó Thủ tướng nói.

Cùng với yêu cầu các địa phương rà soát lại kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02 có trọng tâm, trọng điểm, Phó Thủ tướng đề nghị trong tuần sau, các bộ, ngành phải có báo cáo rà soát việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất đến đâu. Những vấn đề doanh nghiệp phản ánh đến do vướng luật, vướng nghị định, cần phải sửa ra sao. Thanh toán không dùng tiền mặt cần đưa những quy định mới nào để thúc đẩy, trong đó lưu ý xu thế mới như thanh toán qua điện thoại di động...

Phó Thủ tướng cũng gợi ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đánh giá, xếp hạng việc thực hiện Nghị quyết 02 của các bộ, ngành, địa phương và công bố công khai trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.