Người dân đội mưa lắng nghe nhạc Trịnh tại Festival Huế 2024

Mặc dù mưa lớn chương trình phải hoãn gần 2 tiếng nhưng đông đảo người dân và du khách vẫn chờ đợi để thăng hoa với những bản nhạc Trịnh kinh điển được thổi hồn bằng những chất liệu âm nhạc mới mẻ.

Sân điện Kiến Trung lung linh, huyền ảo trong đêm mưa diễn ra chương trình nhạc Trịnh. (Nguồn: Báo Thừa Thiên-Huế)
Sân điện Kiến Trung lung linh, huyền ảo trong đêm mưa diễn ra chương trình nhạc Trịnh. (Nguồn: Báo Thừa Thiên-Huế)

Tối 9/6, tại sân khấu điện Kiến Trung, Đại nội Huế đã diễn ra Chương trình âm nhạc “Đối Thoại Trịnh Công Sơn - Tình Yêu Tìm Thấy.”

Chương trình là một trong những điểm nhấn trong Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Mặc dù mưa lớn chương trình phải hoãn gần 2 tiếng nhưng đông đảo người dân và du khách vẫn chờ đợi để thăng hoa với những bản nhạc Trịnh kinh điển được thể hiện bởi những những giọng ca tuyệt đẹp, được thổi hồn bằng những chất liệu âm nhạc mới mẻ.

Theo Ban tổ chức, chương trình được đặt tên “Đối Thoại Trịnh Công Sơn - Tình Yêu Tìm Thấy” với mong muốn truyền đi thông điệp về sự đối thoại giữa hậu thế với vị nhạc sỹ họ Trịnh. Đó là cuộc đối thoại qua âm nhạc, qua thơ ca để đi tìm sự kết nối, đồng điệu giữa các tâm hồn.

Khán giả cũng sẽ cùng đối thoại với nghệ sỹ, cũng như đối thoại với chính mình; để giá trị của nhạc Trịnh lại được tiếp nối, truyền trao giữa các thế hệ.

Đêm nhạc có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như ca sỹ Cẩm Vân, nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn, Quang Dũng, Hà Trần, Đức Tuấn, Ngọc Khuê-Tấn Sơn...

Trong không gian điện Kiến Trung, một kiệt tác kiến trúc có sự kết hợp giữa nét nghiêm cẩn, mực thước phương Đông và sự rực rỡ, xa hoa của phương Tây, khán giả đã lắng nghe những ca khúc làm nên tên tuổi của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn như "Diễm xưa," "Quỳnh hương," "Gọi nắng"...

Đêm nhạc là một cuộc “đối thoại” mới mẻ của nhạc Trịnh với những bản phối mới, những sự kết hợp mới, để kể câu chuyện về “chất Trịnh” trong đời sống hôm nay, cũng như cuộc gặp gỡ trong âm nhạc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn với những nhạc sỹ khác của Việt Nam, tạo ra một bức tranh đa diện hơn, muôn màu hơn.

Những năm gần đây, nhạc Trịnh được “thổi hồn” bằng những chất liệu âm nhạc đầy mới mẻ, đó có thể là chất ngũ cung dân gian, chất nhạc điện tử hoặc dàn giao hưởng cổ điển, chất Jazz đương đại...

Tất cả nhằm mang đến những trải nghiệm âm nhạc đặc biệt, những cách hiểu của hậu thế về âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Nhạc Trịnh đã vươn ra quốc tế, vượt thời gian để trường tồn ở mọi thế hệ. Sự mới mẻ này không nhằm phủ nhận quá khứ, mà chính là một sự nối dài những tinh hoa của quá khứ, hòa trong nhịp thở đương đại để âm nhạc Trịnh Công Sơn luôn sống mãi./.

(TTXVN/Vietnam+)
Link bài gốcCopy link
Tường Vi

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.