Thực hiện Công điện số 14 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, từ 0 giờ ngày 13/7, thành phố tạm dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu; dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Ngay từ sáng 13/7, tại các tuyến phố như Bà Triệu, Võ Thị Sáu, Triệu Việt Vương, Hàng Chuối, Lò Đúc của quận Hai Bà Trưng; Tô Hiệu, Nghĩa Tân, Trần Quốc Hoàn thuộc quận Cầu Giấy; Tràng Thi, Nhà Thờ Lớn, Hàng Hành của quận Hoàn Kiếm; Nguyên Hồng, Thành Công, Nguyễn Chí Thanh thuộc quận Đống Đa... các quán bán càphê đều đóng cửa hoặc bán hàng mang đi, thực hiện rất nghiêm túc Công điện 14 phòng chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội.
Chị Phạm Thị Ngân, chủ quán càphê trên phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng cho biết quán vừa được mở có 3 ngày, nay lại phải đóng cửa, thực sự là chị gặp rất nhiều khó khăn vì vừa phải đảm bảo cuộc sống nhưng vẫn phải lo để trả tiền thuê mặt bằng.
Mặc dù trong thời gian này, giá thuê mặt bằng có giảm nhưng kinh doanh rất chậm, lượng khách mua mang về cũng ít hơn hẳn so với khi được mở cửa bán hàng bình thường. Để đảm bảo an toàn cho mọi người trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, những chủ quán như chị cũng thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch và mong dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống trở lại bình thường.
Những “phố càphê” như Nguyễn Hữu Huân, Triệu Việt Vương… không còn cảnh ngồi tụ tập uống càphê trên hè phố. Vỉa hè các tuyến phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt của quận Hoàn Kiếm; Kim Mã, Liễu Giai, Giảng Võ thuộc quận Ba Đình; Ngô Gia Tự, Ngọc Lâm của quận Long Biên; Nguyễn Khang, Vũ Phạm Hàm, Trần Duy Hưng thuộc quận Cầu Giấy… thông thoáng, vắng bóng các quán trà đá, hàng rong, quà vặt…
[Thành lập 22 chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở cửa ngõ Hà Nội từ 14/7]
Các tuyến phố chính ở khu vực các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng… đều thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh, không còn cảnh bán hàng ăn uống trên đường phố. Tại các khu vực công cộng như công viên, bờ hồ…, không còn cảnh tụ tập đông người, phần lớn người dân đã chấp hành nghiêm việc thực hiện đeo khẩu trang.
Theo bà Nguyễn Minh Hương, Chủ tịch phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, phường đã rà soát, thống kê danh sách người từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch về yêu cầu phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; buộc các cửa kinh doanh thực hiện nghiêm túc Công điện số 14 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Đặc biệt là phát huy vai trò trong việc nắm thông tin, giám sát, quản lý chặt di biến động của người dân trên địa bàn nhằm phát hiện, khoanh vùng, xử trí sớm các trường hợp liên quan đến ca bệnh.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa cả nước đang bước vào giai đoạn mới; diễn biến dịch bệnh nhanh và phức tạp hơn. Vì vậy, Hà Nội đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, từ 0 giờ ngày 13/7, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch.
Trong đó, Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn ra quyết định và giám sát việc cách ly tại nhà những trường hợp này 14 ngày theo đúng hướng dẫn tại Quyết định 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế; nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác… phải thông báo ngay cho chính quyền cơ sở, cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền tại cơ sở; qua công tác giám sát của Tổ COVID cộng đồng và sự giám sát, phát hiện, phản ánh của người dân tại địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Lực lượng chức năng kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm trước pháp luật các tổ chức, cá nhân khai báo không kịp thời, không trung thực để xảy ra hậu quả lây lan dịch bệnh.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số người dân và cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa thực hiện nghiêm, còn tình trạng người dân đi tập thể dục tại các khu vực công cộng; tụ tập đông người tại địa điểm công cộng, các quán càphê; một số cơ sở dịch vụ ăn uống trong nhà không đảm bảo đầy đủ quy định phòng, chống dịch... Những điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch khi người dân từ các tỉnh, thành phố khác trong đó có nhiều địa phương đang là vùng dịch quay trở về Thủ đô./.