Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hải phòng, trong một số lĩnh vực, thủ tục hành chính vẫn còn bất cập, chồng chéo, không hợp lý, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Mô hình cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong một số lĩnh vực còn lúng túng, hình thức.
Thậm chí, chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính chưa cao, chưa sát thực tế. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra bức xúc cho người dân và cử tri.
Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, Đại biểu Trần Ngọc Vinh đã trao đổi với VietnamPlus xung quanh việc thực hiện cải cách hành chính thời gian qua.
- Vừa rồi nhiều người dân rất bức xúc về chuyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có ý kiến cho rằng khi giải phóng mặt bằng thì người dân sẵn sàng hiến đất nhưng khi cần sổ đỏ thì chính quyền lại chậm trễ, vậy ông đánh giá thế nào về những ý kiến trên?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Luật đất đai mới có rất nhiều điểm tiến bộ, cũng đã khắc phục được một số mặt nhất là các dự án treo, hoặc trình tự thủ tục giải phóng mặt bằng, tái định cư... Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến phàn nàn về việc người dân hiến đất rất dễ nhưng khi xin cấp bìa đỏ lại rất phức tạp.
Theo tôi, từ phía các cơ quan công quyền đâu đó vẫn còn chậm trễ, gây phiền hà, kể cả về thời gian lẫn thủ tục giải quyết các thủ tục hành chính.
Nếu chúng ta đã triển khai cơ chế thủ tục hành chính một cửa thì tại sao chúng ta không niêm yết là khi cấp bìa đỏ thì phải có các loại giấy tờ nào để người dân nắm được. Ngoài ra, giấy nào cần photo, giấy nào cần bản gốc và hẹn trong mấy ngày cũng phải được công khai để người dân nắm được, có như thế mới giải quyết triệt để vấn đề.
Còn các chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước đã hết sức rõ ràng nhưng tại sao cứ triển khai thực hiện thì lại gây trở ngại và người dân rất kêu, đây là một mặt của vấn đề và chúng ta phải xem lại bộ máy công quyền phục vụ người dân hiện nay.
- Có ý kiến cho rằng, do chất lượng của đội ngũ công chức xã phường, vậy theo ông cần có những chính sách gì cụ thể để nâng cao chất lượng cán bộ?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Có thể thấy tình trạng chất lượng công chức cấp xã, phường ở một vài nơi vẫn còn yếu, câu chuyện này không phải là mới, do vậy phải hết sức quan tâm đến trình độ và thái độ phục vụ nhân dân cũng như trách nhiệm của những người ăn lương, hưởng lương của nhà nước nhằm tạo ra sự đột phá trong cải cách hành chính.
Theo tôi, ngoài công tác kiểm tra cán bộ công chức thường niên rồi thì khi mắc sai phạm cần có chế tài, đồng thời phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để làm gương, nếu xử lý hành chính, nhắc nhở thì không ăn thua, như vậy sẽ nhờn thuốc.
- Nhiều cử tri rất quan tâm đó là việc không đảm bảo đúng quy hoạch về xây dựng trật tự đô thị, phải chăng pháp luật chúng ta còn nhiều kẽ hở, hơn nữa là khâu giám sát vẫn chưa chặt chẽ?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Chúng ta làm gì cũng đều có quy hoạch nhưng thực tế có quy hoạch vẫn trên giấy tờ. Đơn cử, quy hoạch đề ra cái này nhưng khi lãnh đạo khác lên sẽ thay đổi quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch, mỗi lần như vậy thì nó sẽ xé nát quy hoạch gốc.
Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc thiếu kinh phí hoặc do tư duy nhiệm kỳ của một số cán bộ nên đã dẫn tới việc phá tổng thể quy hoạch đấy. Do vậy, trong việc giám sát cần phải nghiêm, trước hết khi sửa quy hoạch phải qua một cấp cao thẩm định để có được sửa hay không mới được thực hiện tiếp.
- Vậy vai trò của Hội đồng nhân dân trong việc giám sát xây dựng và đảm bảo trật tự đô thị thế nào, tại sao nhiều sự việc rất đình đám nhưng rồi kết quả lại đâu vào đấy khiến người dân càng bức xúc?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Vừa rồi có nhiều ý kiến cho rằng Hội đồng nhân dân của chúng ta vẫn cón yếu. Trên thực tế, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cũng như chế tài sau giám sát của Hội đồng nhân dân dù được ban hành nhưng khâu thực hiện vẫn còn chưa quyết liệt, thậm chí có tình trạng làm cũng được mà không thực hiện cũng không sao, chưa có chế tài xử lý, do vậy hiệu quả còn bị hạn chế.
Thứ hai, kể cả khâu bố trí cán bộ sang Hội đồng nhân dân ở đâu đó cũng không thực sự mạnh để làm việc này, nếu bố trí cán bộ thì nhiều người vẫn thích sang làm công tác chính quyền hơn thay vì sang Hội đồng nhân dân, chính vì vậy đại hội kỳ này, để nâng tầm Hội đồng nhân dân ở các cấp thì cũng phải chú ý khâu cán bộ cho phù hợp.
- Hiệp hội Bất động sản mới đây có công văn gửi Bộ Xây dựng về gói 30.000 tỷ đồng cho rằng cần làm rõ định nghĩa về thu nhập để được hưởng gói này, theo ông việc áp dụng tại các địa phương thời gian qua có đúng không?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Có thể nói chủ trương của nhà nước về gói cho vay 30.000 tỷ đồng là chủ trương đúng, còn hiện nay việc triển khai chậm là do thủ tục chưa đồng bộ.
Tôi cũng thấy nhiều chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước rất tốt, ví dụ như chúng ta bỏ ra gói 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ người thu nhập thấp để có nhà ở hoặc Nghị định 67/CP giúp cho vay để đóng tàu sắt vươn khơi nhưng không hiểu sao khi triển khai lại rất chậm, khó đến với thực tế.
Nhìn một cách sâu xa thì thấy, thủ tục ở cấp dưới quá cồng kềnh, không quy định trách nhiệm rõ ràng. Do vậy, để triển khai tốt thì phải xem ách tắc ở khâu nào thì cần phải giải quyết ở khâu đó.
Chúng ta cũng biết, chuẩn người nghèo ở đô thị khác với các tỉnh, do thu nhập và mức sống khác nhau nhưng chính sách thì phải quy định mức chung, và tùy điều kiện của các tỉnh để áp dụng.
Về văn bản phải định nghĩa được thế nào là nghèo, định mức như vậy phải ở một sàn chuẩn, còn ở thành phố này phải cao hơn mới gọi là nghèo thì việc này không nằm trong cái chung đó mà nó phải do đặc thù của từng địa phương.
- Đến 1/6/2016 là hết thời hạn triển khai gói cho vay trên, theo ông có cần thiết phải kéo dài gói cho vay này không?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Tôi cho rằng tiền vẫn còn thì nên kéo dài thời hạn thực hiện.
- Xin cảm ơn ông./.